“Phải điều tra ai kích động sinh viên Trường Hoa Sen tụ tập, gây mất trật tự?”

13/11/2016 07:20
Phương Linh
(GDVN) - Theo luật sư Lê Xuân Lộc, cần phải điều tra, làm rõ coi ai là người đứng sau, kích động sinh viên tụ tập, la ó, gây mất trật tự chiều 11/11 ở sảnh lầu 9.

Liên quan đến tình hình của Trường Đại học Hoa Sen hiện tại, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam chiều 12/11, luật sư Lê Xuân Lộc – Đoàn Luật sư TP.Hồ Chí Minh cho rằng, cách làm của Hội đồng quản trị cũ của Trường Đại học Hoa Sen là hoàn toàn không đúng.

Theo luật sư Lộc cho biết, khi đã có quyết định công nhận của UBND TP.Hồ Chí Minh, trường có Hội đồng quản trị mới, thì lãnh đạo cũ của trường đương nhiên phải chấp hành.

UBND TP.Hồ Chí Minh là cơ quan quản lý Nhà nước, đã ra quyết định thì các cá nhân liên quan phải chấp hành.

Trong trường hợp Hội đồng quản trị cũ đã khởi kiện, cũng cần phải xem xét Tòa án đã thụ lý chưa, đã có biên nhận hồ sơ chưa, sẽ thụ lý, giải quyết trong bao lâu?.

Tuy nhiên, cũng không phải cứ khởi kiện là trường không chấp hành quyết định của TP.Hồ Chí Minh.

Trước mắt, nhà trường vẫn phải nghiêm túc chấp hành quyết định này.

Hội đồng quản trị mới của Trường Hoa Sen làm việc tại phòng họp lầu 9 (Ảnh: P.L)
Hội đồng quản trị mới của Trường Hoa Sen làm việc tại phòng họp lầu 9 (Ảnh: P.L)

Luật sư Lê Xuân Lộc nhấn mạnh rằng: Đối với các em sinh viên, nhiệm vụ của các em là học.

Việc các em sinh viên tụ tập, la hét, gây mất trật tự ở sảnh lầu 9 của Trường Hoa Sen vào chiều 11/11 là việc không nên làm.

“Sinh viên hoàn toàn sai khi làm việc này. Những việc liên quan đến quản lý, giữa Hội đồng quản trị với các cơ quan quản lý Nhà nước là việc làm của người lớn. Các em không được phép tham gia vào.” – luật sư Lộc nhấn mạnh.

Hàng chục sinh viên Hoa Sen đã tụ tập, đưa ra bảng với biểu ngữ ngay ở sảnh, trước cửa phòng họp (ảnh: P.L)
Hàng chục sinh viên Hoa Sen đã tụ tập, đưa ra bảng với biểu ngữ ngay ở sảnh, trước cửa phòng họp (ảnh: P.L)

Nếu nhận thấy có sự kích động từ phía người lớn, các cơ quan chức năng cần phải vào cuộc, điều tra, làm rõ và có biện pháp xử lý.

Việc có người kích động sinh viên hiện đã có đầy đủ dấu hiệu, thậm chí các bằng chứng có cá nhân kêu gọi trên mạng xã hội cũng đã được lưu lại.

Các em sinh viên không thể biết có buổi làm việc của Hội đồng quản trị mới để đến tụ tập, gây rối nếu không được ai đó báo cho.

Kỳ lạ là, Hội đồng quản trị cũ thì vắng mặt, nhưng một số ít các em sinh viên lại được "huy động" rất đúng lúc.

Việc lôi kéo, kích động sinh viên phản đối một quyết định có tính pháp lý của Ủy ban nhân dân thành phố là hành vi coi thường pháp luật, không thể được tồn tại ở môi trường sư phạm.

Việc ấy, càng đặc biệt nghiêm trọng nếu những người cầm đầu đó là nhà giáo. 

Sinh viên có thể có những hành động bột phát, nhưng rõ ràng, ý thức của các em trong việc này là chưa đúng.

Trước mắt, theo luật sư Lộc thì các em sinh viên đã vi phạm vào những nội qui, qui chế của Trường Hoa Sen.

Thế nhưng, nếu vẫn tiếp diễn và đi xa hơn nữa, sinh viên mà xuống đường la hét, xuống đường đông người thì các em đã phạm vào tội gây rối trật tự công cộng.

Tội danh và hình phạt đã được định khung rất rõ trong Bộ luật Hình sự.

Nếu sinh viên muốn bày tỏ ý kiến của mình, các em hoàn toàn có thể làm những cách văn minh, lịch sự hơn.

“Pháp luật hoàn toàn không cho phép việc tụ tập la ó, giơ các bảng biểu ngữ như các bạn sinh viên Trường Đại học Hoa Sen đã làm vào chiều ngày 11/11 vừa qua” – luật sư Lê Xuân Lộc kết luận.

Trước đó, ngày 9/11/2016, Phó Chủ tịch UBND TP.Hồ Chí Minh – bà Nguyễn Thị Thu đã ký văn bản số 5891, công nhận Hội đồng quản trị mới của Trường Đại học Hoa Sen, gồm 8 thành viên. Trong đó, PGS.TS. Lưu Tiến Hiệp được công nhận là Chủ tịch Hội đồng quản trị, và 7 thành viên khác.

Hội đồng quản trị cũ của Trường Hoa Sen do ông Trần Văn Tạo làm Chủ tịch và bà Bùi Trân Phượng làm Hiệu trưởng.

Điều đáng nói, trong văn bản công nhận Hội đồng quản trị mới hoàn toàn không có tên ông Tạo và bà Phượng.

Chiều 11/11, dù đã gửi thư mời từ trước cho lãnh đạo cũ, có người ký xác nhận thư mời gửi qua bưu điện, khi Hội đồng quản trị mới đến làm việc với Hội đồng quản trị cũ tại cơ sở Nguyễn Văn Tráng, quận 1, thì không có ai là lãnh đạo cũ của trường đứng ra tiếp và làm việc.

Đoàn làm việc liên tục bị lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp và nhân viên của trường ngăn cản, làm khó.

Thậm chí, thang máy của trường Hoa Sen cũng đã được yêu cầu cúp, để các thành viên trong đoàn phải đi bộ từ lầu 1 đến lầu 8.

Một điều đáng nói khác, đã có hàng chục, thậm có lúc lên đến cả trăm sinh viên đã tụ tập ở sảnh lầu 9 (trước cửa phòng họp, nơi Hội đồng quản trị mới họp) liên tục la ó, giơ các tấm bảng với những biểu ngữ phản đối, hát bài hát về trường Hoa Sen.

Trong khi Hội đồng quan trị mới đến làm việc, trên mạng xã hội liên tục có những lời kêu gọi sinh viên của trường lên lầu 9, nơi các thành viên trong đoàn đang làm việc. Chủ nhân đưa ra những lời kêu gọi này phần lớn là nhân viên của Hoa Sen.

Phương Linh