Góp ý chính thức của Hiệp hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

15/01/2019 06:31
Thùy Linh
(GDVN) - Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa gửi góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tới các cơ quan liên quan.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, ngày 10/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã tổ chức họp bàn góp ý về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

Thông qua các ý kiến, ngày 11/1/2019, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi góp ý về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi (Dự thảo 27/9/2018) tới Ủy Ban Văn hóa Giáo dục Thanh Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội; Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ban soạn thảo Dự  án Luật Giáo dục.

Ngày 11/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tới các cơ quan liên quan. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Ngày 11/1, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam gửi góp ý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) tới các cơ quan liên quan. (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Cụ thể, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho biết, Hiệp hội nhận công văn số 5877 /BGDĐT-PC ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng V/v góp ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Về việc này, Hiệp hội xin có một số ý kiến dưới đây.

Thứ nhất, về góp ý kiến một số vấn đề dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)

Gần 2 năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng thể chế. Việc chuẩn bị dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), lấy ý kiến rộng rãi là một ví dụ điển hình.

Mười một nhóm vấn đề với 19 nội dung trong dự kiến tiếp thu và xin ý kiến để chỉnh lý dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đều là những vấn đề đang được xã hội và Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam quan tâm.

Hiệp hội đã tổ chức lấy ý kiến một số hội viên, một số nhà giáo dục có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, liên hệ với chủ trương của Đảng, Hiến pháp 2013 và một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục.

Trên cơ sở đó Hiệp hội soạn thảo bản góp ý kiến theo 19 nội dung do Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu. Bản góp ý đầy đủ đó được gửi kèm theo văn bản này, độc giả xem TẠI ĐÂY

Thứ hai, một số vấn đề cần đặc biệt lưu ý 

Chúng tôi xin nhấn mạnh một số vấn đề sau đây:

Một là hệ thống giáo dục quốc dân. Phân luồng sau trung học cơ sở là kỳ vọng của Đảng và toàn dân.

Tuy nhiên tại Điều 5 về hệ thống giáo dục quốc dân đã không chỉ ra các luồng sau trung học cơ sở để học sinh hướng theo.

Giáo sư Trần Hồng Quân đề xuất lương giáo viên bằng lương lực lượng vũ trang

Mặt khác cũng chính điều này chỉ lấy phần giữa của giáo dục nghề nghiệp để đại diện chung cho giáo dục nghề nghiệp; loại bỏ trình độ cao đẳng ra khỏi bậc đại học.

Hệ thống giáo dục quốc dân cấu trúc như vậy là xa rời thực tiễn, không đáp ứng xu thế nhân lực của đất nước và không hội nhập quốc tế, không phù hợp với Nghị quyết 29. 

Hiệp hội chúng tôi xin đề nghị đưa vấn đề này ra thảo luận, biểu quyết riêng ở Quốc hội.

Hai là, một số vấn đề về nhà giáo

Về chế độ lương đối với giáo viên: Hiện nay lương của giáo viên không “được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương...” như Nghị quyết 29 để tạo động lực thu hút người giỏi vào nghề giáo. Vậy xin đề nghị đưa vào luật lương giáo viên tương đương lương của lực lượng vũ trang. Bởi vì giáo viên là lực lượng xung kích thực hiện mục tiêu “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” do Hiến pháp quy định. 

Trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên: Điều 72 dự thảo quy định: “Có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm đối với giáo viên mầm non; có bằng tốt nghiệp đại học sư phạm đối với giáo viên tiểu học”.  

Chúng tôi nhận thấy trong điều kiện hiện nay của đất nước nên mềm hóa việc này. Nhà nước nên tiếp tục “thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo” như Luật Giáo dục 2005 (Điều 77).

Mặt khác, “tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên, có năng lực sư phạm” như quy định tại Nghị quyết 29; thay thế dần người có trình độ theo hướng này nhưng không áp đặt cứng.  Chúng tôi đề xuất như vậy vì:

Trên cơ sở xem xét tình hình thực hiện trình độ chuẩn hiện hành đối với giáo viên, tại Nghị quyết 29 Trung ương Đảng đã chỉ đạo:

“Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo. Tiến tới tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên,...”.

Rõ ràng Trung ương không chỉ đạo giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, không quy định cứng trình độ giáo viên tiểu học và trung học cơ sở phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. 

Trình độ chuẩn giáo viên hiện hành có giá trị thực tiễn cao: Gần đây, Ngân hàng Thế giới đã khẳng định: 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. 

Góp ý chính thức của Hiệp hội về dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) ảnh 2Có nên quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi?

Dự thảo Luật Giáo dục quy định về trình độ chuẩn giáo viên mầm non, phổ thông có hiệu lực vào 1/1/2026 (Điều 119), vào thời điểm đó Luật Gíao dục lại rơi vào chu kỳ sửa đổi. 

Hoạt động chăm sóc giáo dục mầm non rất phong phú, đa dạng. Không phải mọi đối tượng lao động, mọi cơ sở giáo dục mầm non đều cần trình độ cao đẳng. Nhiều nước trên thế giới cũng vậy.

Từ khi dự thảo trình độ chuẩn mới đối với giáo viên, rất nhiều trường cao đẳng sư phạm là thành viên Hiệp hội và nhà giáo dục đã phân tâm, lo cho hệ thống cao đẳng sư phạm biến mất. 159.934  giáo viên tiểu học (40,36%) và 78.974 giáo viên trung học cơ sở (25,4%) bắt đầu vào cuộc chạy đua bằng cấp, trong khi đó, nhiệm vụ thay sách giáo khoa mới đang khởi động. 

Ba là, về  chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa. Nghị quyết 88 của Quốc hội quy định ở giáo dục phổ thông có một chương trình nhiều sách giáo khoa là rất đúng đắn. Mặt khác, để nâng cao hiệu quả sách giáo khoa, xin kiến nghị bổ sung nội dung:

“Sách giáo khoa được xuất bản bằng tiền từ ngân sách nhà nước sẽ là sách giáo khoa mở, dù ở dạng in hay ở bất kỳ định dạng tệp điện tử nào”.

Bốn là, vấn đề sở hữu (thể chế quyền tài sản). Đọc điểm a, khoản 1 của Điều 53 và mở rộng ra một số điều liên quan của dự thảo, chúng tôi đề nghị:

Không quy định có hội đồng trường đối với giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập.  Bởi vì hội đồng trường có hai chức năng là: (*) tổ chức quản trị (*) đại diện quyền sở hữu. 

Giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông công lập thuộc sở hữu nhà nước. Chủ sở hữu này đang quản trị theo quan hệ trên/dưới (từ Bộ Giáo dục và Đào tạo xuống) bảo đảm thống nhất về chương trình phương pháp giáo dục, các điều kiện cần thiết để hoạt động.  

Nhà trường, thông qua Ban giám hiệu giữ nề nếp trong thực hiện nhiệm vụ. Một tổ chức trung gian trên Ban giám hiệu là không cần thiết. Nên tăng quyền chủ động và bắt buộc Ban giám hiệu nâng cao trách nhiệm giải trình.

Xem xét lại hình thức “sở hữu của pháp nhân nhà trường” tại Điều 100 của dự thảo, bởi vì nó không có trong 6 hình thức sở hữu tại bộ luật dân sự. 

Đối chiếu các quy định tại Điều 100 với các điều 66, 67 Luật Giáo dục hiện hành thì thấy các nhà lập pháp đang né tránh sở hữu tư nhân, đang biến một thứ đã rõ ràng thành khó hiểu, khó thực hiện.

Năm là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục. Quy định nhiệm vụ  cho một số bộ như Điều 103 dự thảo là không tuân theo Điều 96 của Hiến pháp năm 2013, Điều 11 của Luật tổ chức Chính phủ 2015, khoét sâu hố ngăn cách giữa giáo dục nghề nghiệp (một bộ phận của giáo dục) với hệ thống giáo dục của đất nước.

Mặt khác xin hỏi các bộ không ghi trong Điều 103 có làm nhiệm vụ quản lý theo ngành với giáo dục không? Theo chúng tôi, phải giữ lại Điều 100 của Luật Giáo dục hiện hành.

Thùy Linh