Ngày 5/1, Văn phòng Chương trình Khoa học Giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) phối hợp với Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học "Triết lý giáo dục và Triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục sửa đổi". Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Tọa đàm.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì Tọa đàm "Triết lý giáo dục và triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục (sửa đổi)” (Ảnh: moet.gov.vn) |
Các nước không tuyên bố rõ ràng triết lý giáo dục trong luật
Tại cuộc Tọa đàm, thay mặt nhóm thực hiện Đề tài cấp Nhà nước "Triết lý giáo dục Việt Nam: Từ truyền thống đến hiện tại", Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, Chủ nhiệm Đề tài đã báo cáo kết quả bước đầu của Đề tài liên quan đến Luật Giáo dục sửa đổi.
Theo đó, Việt Nam là một trong những quốc gia dành sự quan tâm rất lớn cho việc tìm hiểu Triết lý giáo dục, bằng chứng thể hiện qua số lượng lượt truy cập qua google để tìm hiểu cụm từ "Triết lý giáo dục" bằng tiếng Việt chỉ đứng sau tiếng Anh và cao hơn nhiều so với tiếng Trung và tiếng Nga.
Theo Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm, có ba lý do chính dẫn đến sự quan tâm về triết lý giáo dục, đó là do những "sự cố giáo dục" (khởi đầu từ những vụ bê bối trong các kỳ thi tốt nghiệp vào các năm 2006-2013); một loạt hội thảo, tọa đàm bàn về triết lý giáo dục trong các năm 2007-2011 đã tạo nên một cú hích; các cuộc thảo luận liên quan đến giáo dục nói chung và triết lý giáo dục nói riêng trên diễn đàn Quốc hội trong những năm gần đây.
Ở Việt Nam đã hình thành hai luồng ý kiến: Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nguyên nhân gốc của tình trạng gia tăng "sự cố giáo dục" nằm ở triết lý giáo dục với hai quan niệm: thứ nhất là do Việt Nam thiếu (chưa có hoặc không có) triết lý giáo dục; thứ 2 là do ta có triết lý giáo dục nhưng nó sai lầm.
Luồng ý kiến thứ hai cho rằng nguyên nhân gốc của tình trạng gia tăng "sự cố giáo dục" không nằm ở triết lý giáo dục: Việt Nam có triết lý giáo dục và nó không sai; tình trạng "sự cố" là do khâu triển khai, thực hiện triết lý giáo dục chưa tốt.
Cũng theo nghiên cứu, do nhu cầu và hoàn cảnh của mỗi nước khác nhau, cho nên việc thể hiện tư tưởng triết lý trong luật giáo dục của các nước là bức tranh rất đa dạng. Nhìn chung các nước không tuyên bố rõ ràng về triết lý giáo dục trong luật.
Ngoài mục đích, trong luật giáo dục của các nước thường có những điều khoản về các thành tố quan trọng khác của triết lý giáo dục như mục tiêu, nguyên lý, trong đó mục tiêu luôn là thành tố xuất hiện phổ biến nhất.
Từ kết quả nghiên cứu bước đầu, nhóm thực hiện Đề tài đề xuất, Việt Nam cần phải có tuyên bố rõ ràng về những tư tưởng triết lý trong Luật Giáo dục qua những điều khoản cụ thể chứ không nên tách thành một chương riêng trong Luật.
Nhóm nghiên cứu gợi ý có thể đặt tên là "mục đích, mục tiêu, nguyên lý giáo dục" chứ không gọi thẳng là triết lý giáo dục, vì không phải ngẫu nhiên mà không nước nào làm thế.
Về các thành tố trong cấu trúc của triết lý giáo dục, Giáo sư - Tiến sĩ khoa học Trần Ngọc Thêm cho biết: cấu trúc phổ biến của khái niệm "Triết lý giáo dục" gồm năm thành tố.
Trong đó Sứ mệnh giáo dục là thành tố gốc; còn Mục tiêu giáo dục là thành tố trung tâm, cốt lõi, trực tiếp chi phối ba thành tố còn lại (Nội dung giáo dục, Phương pháp giáo dục, và Nguyên lý giáo dục).
Không nên đặt vấn đề có quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục
Nhìn nhận tầm quan trọng của triết lý giáo dục, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, một triết lý giáo dục đúng là điều kiện đảm bảo đầu tiên để giáo dục thực thi thành công sứ mệnh của mình đối với sự phát triển của đất nước.
Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, không nên đặt vấn đề có quy định triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục (Ảnh: moet.gov.vn) |
Không đồng tình với quan điểm cho rằng, Việt Nam không có triết lý giáo dục, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến khẳng định, giáo dục Việt Nam từ trước đến nay vẫn vận động dưới sự dẫn dắt của một triết lý giáo dục. Cũng như một số nước trên thế giới, triết lý này được biểu hiện thông qua những phát biểu tường minh về sứ mệnh, mục tiêu, nguyên lý giáo dục.
Theo Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, trong 32 năm đổi mới giáo dục vừa qua, triết lý giáo dục Việt Nam có sự vận động cùng với bước tiến về kinh tế - xã hội của đất nước, được quy định trong các quan điểm chỉ đạo của Đảng về phát triển giáo dục, và được thể chế hóa trong các văn bản luật, từ Luật Giáo dục 1998, đến Luật Giáo dục 2005, Luật Giáo dục đại học 2012, Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014.
Trong giai đoạn phát triển hiện nay, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, triết lý giáo dục Việt Nam được quy định trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và đã được thể chế hóa trong các quy đinh về mục tiêu, nguyên lý, định hướng phát triển giáo dục trong Luật Giáo dục 2005 cũng như trong các quy định tương ứng của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.
Trước câu hỏi, nên hay không có quy định riêng về triết lý giáo dục trong Luật Giáo dục, Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, theo thông lệ quốc tế, không có quy định riêng nào về triết lý giáo dục trong văn bản luật thì trong tiến trình xây dưng Luật Giáo dục sửa đổi, vì vậy không nên đặt vấn đề có một quy định về triết lý giáo dục.
Vấn đề chỉ là ở chỗ xem xét chỉnh sửa, bổ sung các quy định về mục tiêu, nguyên lý và định hướng phát triển giáo dục trong Luật Giáo dục để thể chế hóa một cách phù hợp các chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục Việt Nam trong bối cảnh mới.
Triết lý thể hiện ở quan điểm, mục tiêu
Cùng quan điểm với Tiến sĩ Phạm Đỗ Nhật Tiến, Giáo sư Trần Kiều cũng nêu quan điểm không nên đưa vào Luật Giáo dục sửa đổi một chương với tên cụ thể là "Triết lý giáo dục".
Theo ông, nếu có một tên chương như vậy, tranh luận sẽ xảy ra ngay, vì hiện nay chưa có đồng thuận cao về triết lý giáo dục. Tuy nhiên, triết lý giáo dục cần phải được thể hiện thông qua các nội dung khác trong Luật.
Giáo sư Trần Kiều trao đổi tại Tọa đàm (Ảnh: moet.gov.vn) |
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đồng thuận không nên có điều luật về về triết lý giáo dục.
"Khi xây dựng chương trình giáo dục phổ thông mới, chúng tôi đã tham khảo các nước, thực tế không có chương trình nào có mục về triết lý giáo dục mà triết lý thể hiện ở mục tiêu, quan điểm thực hiện chương trình. Tôi nghĩ trong Luật cũng vậy" - Giáo sư Thuyết nêu quan điểm.
Nhóm nghiên cứu gồm Tiến sĩ Nguyễn Duy Mộng Hà, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tiến sĩ Lê Văn Tùng khi nghiên cứu về triết lý giáo dục trong luật giáo dục của một số nước cũng chỉ ra rằng, triết lý giáo dục nhìn chung không được tuyên bố hiển ngôn bằng khái niệm "triết lý giáo dục" trong các luật giáo dục mà thông qua các mục tiêu, nguyên tắc giáo dục, trong đó xu hướng chung là giáo dục mang tính toàn diện, tính hội nhập và học tập suốt đời, trách nhiệm công dân (quốc gia và toàn cầu).
Với chủ đề "Triết lý giáo dục Việt Nam: Nhận thức từ những lời huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh", Phó giáo sư Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý Giáo dục đã chắt lọc những huấn đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền giáo dục; hệ thống giáo dục quốc dân; nhà trường; dạy học, quan hệ thầy trò; tu dưỡng nhân cách, giá trị nhân cách…
Từ đó quán triệt tư tưởng của Người vào động thái đổi mới, trong đó xác định nguyên tắc cốt lõi của nền giáo dục là: Dân tộc/Dân chủ - Nhân văn - Hiện đại/Sáng tạo.
Chia sẻ về triết lý giáo dục qua các thời kỳ lịch sử, Giáo sư Hồ Ngọc Đại cho rằng, triết lý giáo dục ngày nay là "hợp tác", đó là quan hệ hợp tác giữa nhà trường - xã hội; nhà trường - gia đình; hợp tác thầy - trò, giữa thầy với thầy; giữa trò với trò... Và khi đã hợp tác thì phải theo nguyên tắc thỏa thuận, không ai áp đặt ai.
Phát biểu tiếp thu tại Tọa đàm, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định, những vấn đề được các nhà khoa học, nhà giáo, các học giả có uy tín, kinh nghiệm và tâm huyết với giáo dục đề cập tại Tọa đàm đã gợi mở rất nhiều nội dung quan trọng về triết lý giáo dục để Ban soạn thảo Luật Giáo dục sửa đổi tiếp thu và hoàn thiện.
Bộ trưởng mong rằng, thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý tâm huyết của các nhà khoa học, nhà giáo, các học giả, nhà quản lý không chỉ xung quanh nội dung triết lý giáo dục, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi mà còn với các chính sách khác của ngành.