Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận

28/08/2014 06:53
Xuân Trung
(GDVN) - Những mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường bởi các cơ chế của nhà nước khiến nhiều trường ngoài công lập phát triển không ổn định, đòi hỏi có một Điều lệ riêng.

Những mâu thuẫn trong nội bộ nhà trường bởi các cơ chế của nhà nước khiến nhiều trường ngoài công lập phát triển không ổn định, đòi hỏi có một Điều lệ riêng.

Sự cần thiết ra đời một Điều lệ cho các trường ĐH, CĐ hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận được nhiều trường đại học ngoài công lập ủng hộ. 

Vốn tích lũy phải không chia

Ông Trương Quang Mùi – Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho biết, có thể Luật giáo dục đại học có nói các trường ngoài công lập được hưởng cơ chế này kia, nhưng thực tế có được như thế không? Theo ông Mùi, phải xác định rõ các cơ sở pháp lý cho việc xây dựng một Điều lệ cho các trường phi lợi nhuận. Đồng ý với quan điểm cần phải xây dựng một Dự thảo Điều lệ trường đại học phi lợi nhuận và phải làm khẩn trương nhưng cũng thật cẩn trọng, quan trọng là làm sao các quy định phải rõ ràng.

Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận ảnh 1

Ông Trương Quang Mùi - Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn.

“Khi các quy định trở nên rõ ràng thì việc thuyết phục các nhà đầu tư phi lợi nhuận sẽ không khó, trên các quy định cụ thể thì họ sẽ biết phải đi vào đâu. Ngược lại nếu không quy định rõ nhiều nhà đầu tư lợi dụng mô hình phi lợi nhuận để làm lợi nhuận” ông Mùi cho hay.

Bên cạnh đó, PGS. Vũ Phán –Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phương Đông cũng thừa nhận việc các trường đại học, cao đẳng hoạt động theo lợi nhuận nếu chuyển sang mô hình phi lợi nhuận sẽ có nhiều thuận lợi. 

Bởi mục tiêu cuối cùng của trường là tuyển được sinh viên, nếu không trường cũng không hoạt động được mặc dù có mạnh thường quân đầu tư. “Trường chúng tôi lúc đầu chỉ có 200 triệu của 2 nhà đầu tư, sở dĩ họ không lấy nhiều lãi nên 5 năm sau chúng tôi có 5 tỷ, sau đó cơ chế khó khăn mỗi người vào trường phải góp vốn, đến nay cũng chỉ được 17 tỷ. Nhưng cơ ngơi rất đắt giá, tiền đó là của sinh viên mà ra” PGS. Phán nói về tầm quan trọng của việc trường có tuyển sinh được hay không.

Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận ảnh 2

Chính phủ chỉ đạo giải quyết hàng loạt vấn đề nóng trong giáo dục

(GDVN) - Các đề án về đổi mới hệ thống giáo dục quốc dân; chương trình và SGK; phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là những nội dung được bàn luận.

Do đó, theo PGS. Vũ Phán phải làm rất rõ Điều lệ trường phi lợi nhuận, phải làm rõ vấn đề cam kết không lợi nhuận, không lấy lãi, vốn tích lũy phải không chia. 

Bà Bùi Trân Phượng- Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen cho biết, vấn đề phi lợi nhuận hay lợi nhuận là vấn đề sinh mạng của các trường. Bà Phượng cũng cảnh báo, nếu như Luật giáo dục không bảo vệ các trường ngoài công lập thì sẽ có nguy cơ chết yểu, kể cả những trường mạnh nhất.

Theo bà Phượng, trường Đại học Hoa Sen được thành lập trên cơ sở mục tiêu không vì lợi nhuận, lúc đó công ty Scitec (bỏ vốn thành lập trường) có xin dùng tiền lời làm việc công ích, cũng xin nhà nước miễn thuế (không đạt được). 

Bà Phượng kể lại quá trình vì sao ngôi trường hình thành từ một ý tưởng phi lợi nhuận, với sự tài trợ của Pháp, sự đóng góp tài chính và cơ sở vật chất của TP.HCM lại có nguy cơ trở thành tài sản cá nhân. Và thực tế đã trở thành tài sản cá nhân bởi chính những quy định của Nhà nước.

“Quy tắc dồn phiếu phải được sửa, bởi chính những quy tắc này đã khiến cho trách nhiệm trở thành tiếng nói của tiền bạc. Nhà đầu tư hiện nay rất mạnh do pháp luật cho phép” – bà Phượng nhấn mạnh. Nếu không làm chặt, nhà đầu tư còn có thể làm một việc khác là chuyển giá.

Bà Phượng đề nghị, phải có những quy định rõ ràng về vốn sở hữu chung không chia. Và “phải cấm những trường từ phi lợi nhuận trở thành lợi nhuận trong quá trình phát triển của trường”.

Làm rõ nhiều câu hỏi

Đại diện Trường Đại học dân lập Văn Lang cho biết, cơ chế phối hợp với các bộ trong luật cũng đã nói là giao cho các bộ, các cơ quan ngang bộ thay mặt quản lí các cơ sở giáo dục đại học. Tuy nhiên, theo quan điểm của vị lãnh đạo này thì trong 20 năm qua cơ chế này là không có. Ví như Bộ Tài nguyên môi trường chỉ nghe các trường kêu, nhưng không thể cấp đất cho các trường, UBND các tỉnh cũng như vậy, Bộ GD&ĐT cũng bất lực.

Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận ảnh 3

Bà Bùi Trân Phượng - Hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen.

Ông Đặng Văn Định, nguyên Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Chu Văn An cũng cho biết, trường công và tư đều có thể làm phi lợi nhuận, làm hay không là do ông chủ đầu tư muốn. Ông Định đề nghị trong Điều lệ sắp tới cần phải phân định rõ các loại hình như trường công (trụ cột), thứ hai là các trường phi lợi nhuận và các trường lợi nhuận, các trường tùy theo mô hình hoạt động để có thể tham gia vào loại hình nào. 

PGS. Bùi Thiện Dụ - Hiệu trưởng Đại học Phương Đông cho hay, ông chấp nhận một sân chơi bình đẳng giữa các loại hình (công lập, tự chủ, ngoài công lập không vì lợi nhuận và ngoài công lập vì lợi nhuận). 

Cần thiết ban hành sớm Điều lệ trường đại học, cao đẳng phi lợi nhuận ảnh 4

Các trường đại học sẽ được tụ chủ và tự chịu trách nhiệm nhiều hơn

(GDVN) - Đẩy nhanh hơn, mạnh hơn việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường đại học để tạo đột phá trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đại học...

“Cam kết theo tôi rất cần thiết, cam kết để các trường không cho phép mình thay đổi” ông Dụ đề nghị.

Đánh giá cao các ý kiến của lãnh đạo Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập cùng lãnh đạo các trường thành viên, ông Nguyễn Văn Hựu (Vụ Giáo dục đại học – Bộ GD&ĐT) cho rằng, việc xây dựng Điều lệ sắp tới còn cần bàn luận thêm. 

Tuy nhiên, có một số điểm đán lưu mà ông Hựu cho biết như việc cam kết các nhà đầu tư vào trường, vấn đề này rất khó, phải cam kết như thế nào. “Cam kết liên quan tới hồ sơ, thủ tục, vậy ai xác nhận. Do đó làm Điều lệ phải tuân thủ các quy định của pháp luật và đặc biệt không được tự ý đưa vào vì Bộ tư pháp không đồng ý” ông Hựu cho biết.

Đối với nhà đầu tư (nhà tài trợ), ông Hựu khẳng định việc bầu đối vốn sau này sẽ không còn, vì nhà đầu từ bỏ vốn vào trường chỉ coi như là một nhà tư vấn cho HĐQT trong việc phát triển nhà trường, ngoài ra số vốn của họ sẽ được bảo tồn.

Ngoài ra, theo ông Hựu các trường cần tư vấn thêm Quy định HĐQT sẽ được mở rộng như thế nào là hợp lí?

“Hồ sơ để được công nhận là trường phi lợi nhuận cũng là vấn đề, nếu là trường mới thành lập đã có trong đề án, nhưng có trường đang hoạt động thì chuyển như thế nào? Đây là những vấn đề còn đang trăn trở” ông Hựu cho biết.

Xuân Trung