LTS: Trong dự thảo Luật Giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo có đề xuất nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”.
Tuy nhiên, theo tờ trình mà Bộ Giáo dục và Đào tạo thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12/3 về dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục, nội dung tăng lương nhà giáo không nhận được ý kiến đồng thuận của 2 bộ có liên quan trực tiếp tới vấn đề này là Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Trước vấn đề này, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với nhà giáo Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này.
Phóng viên: Thầy cảm nhận thế nào khi biết tin Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đồng ý với đề xuất “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”?
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Vấn đề tiền lương theo như đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo là để thực hiện Điều 6 trong phần III về nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết Trung ương số 29.
Đó là:
“Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.
Trong khi Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng đưa ra từ năm 2013 đến nay gần như không có chuyển biến gì mới ngoài nội dung chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn những vấn đề liên quan đến đội ngũ nhà giáo mà Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn thiết đưa ra thì lại không nhận được ý kiến đồng tình của Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ.
Tại sao Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không đặt mình vào việc thực hiện Nghị quyết để tìm ra giải pháp mà chỉ căn cứ vào vấn đề tài chính đất nước nói chung và chờ Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp.
Vậy thì chờ đến bao giờ?
Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Bộ Tài chính có nhiệm vụ “gác cửa” ngân sách, Bộ Nội vụ “gác cửa” biên chế nhưng như vậy không có nghĩa là hai Bộ này không cần thực hiện Nghị quyết 29. (Ảnh: Thùy Linh) |
Mặc dù, Bộ Tài chính có nhiệm vụ “gác cửa” ngân sách nhà nước, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ “gác cửa” biên chế các ngành nhưng nói vậy không có nghĩa là hai Bộ này không cần thực hiện Nghị quyết 29.
Nếu có trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết thì Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không nên đưa ra lí lẽ như vậy.
Bởi lẽ các Bộ, ngành cần phải góp sức để tìm ra những sáng kiến thực hiện nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước giao cho chứ không phải “vấn đề tiền lương giáo viên” chỉ là nhiệm vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bộ Tài Chính, Bộ Nội vụ không đồng thuận với đề xuất nội dung “lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp” đã dội một gáo nước lạnh vào đội ngũ nhà giáo trong khi đây là đội ngũ mà chúng ta đang cần động viên, cần khuyến khích họ.
Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn lý do mà các Bộ ngành cần phải thực hiện Nghị quyết 29?
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Nghị quyết Trung ương Đảng đặt vấn đề “Lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng” theo tôi là có lý do.
Điều này xuất phát từ 3 lý do sau:
Thứ nhất, nhà giáo giữ vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình phát triển đất nước và sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ không muốn nhà giáo có lương cao nhất |
Trên thế giới, tất cả các nước phát triển từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore... đều cất cánh từ giáo dục. Không có giáo dục thì không có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do đó, các Bộ ngành cần phải chung tay giải quyết bài toán “vấn đề tiền lương của nhà giáo” chứ không thể phó thác cho riêng ngành giáo dục.
Lâu nay chúng ta vẫn nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” nhưng chưa thấy giải pháp nào được đưa ra.
Đặc biệt, trong thế kỷ 21 thời đại của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng 4.0, giáo dục cần phải được ưu tiên phát triển đi trước một bước.
Bởi lẽ, người máy và thiết bị thông minh không thể thay thế thầy cô giáo chúng ta trong các trường học hiện nay vì nhiệm vụ của nhà giáo không thể chỉ “dạy chữ”, mà thật sự phải làm được sứ mệnh “dạy người”.
Muốn vậy giáo dục phải được ưu tiên đồng bộ cả 3 mặt: tài chính – cơ chế chính sách quản lý và đào tạo bồi dưỡng, đãi ngộ nhà giáo.
Không giải quyết đồng bộ 3 mặt này, giáo dục không thể cất cánh, mãi mãi chỉ ở mức “thường thường bậc chung”.
Thế nhưng hiện nay chúng ta chưa đánh giá đúng vai trò của nhà giáo nên chúng ta đối xử với nhà giáo không công bằng.
Thứ hai, vì tiền lương của nhà giáo hiện nay không đủ sống, tức là chúng ta đánh giá không đúng lao động nghề giáo, không khuyến khích nhà giáo tập trung vào công việc lao động của mình để sáng tạo.
Đề xuất tăng hệ số lương, bỏ phụ cấp ưu đãi, phụ cấp thâm niên giáo viên |
Mà chúng ta đang đối xử với nhà giáo theo kiểu tư duy tiểu nông – địa chủ tức là tranh thủ bóc lột, được cái gì, được của ai thì hay cái đó chứ không phải tư duy tư bản là chăm sóc người lao động tốt nhất để họ đưa lại giá trị thặng dư cao nhất.
Chúng ta đã không đánh giá đúng năng lực lao động của thầy cô nên càng ngày càng không thu hút được người giỏi vào ngành sư phạm vì ra trường không có việc làm, lương thấp.
Thứ ba, trả lương cao cho đội ngũ nhà giáo là để trả lại địa vị cho họ, khuyến khích họ lao động tự giác, yêu nghề, sáng tạo.
Nói vậy không có nghĩa là cùng một lúc tăng lương đồng loạt cho tất cả đội ngũ thầy cô mà mức lương cao nhất chỉ trả cho những giáo viên có năng lực, yêu nghề, có phẩm chất để tạo động lực đối với các thầy cô khác.
Những điều tôi nêu là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho đất nước.
Tuy nhiên để thực hiện điều này không dễ vì ngay cả nhiều Bộ đến nay cũng chưa đồng tình với ý kiến mà ngành giáo dục đưa ra.
Vậy thầy có kiến nghị gì trong thời gian tới để Nghị quyết 29 đi vào thực tiễn hơn mà vẫn nâng cao được vị trí, vai trò của người thầy trong cuộc đổi mới, căn bản và toàn diện giáo dục?
Thầy Nguyễn Tùng Lâm: Tôi cho rằng, trước hết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cần có hội nghị triệu tập tất cả các Bộ trưởng cùng ngồi lại bàn với nhau về cách thực hiện Nghị quyết 29 để nắm tình hình các Bộ trưởng đã, đang và sẽ thực hiện Nghị quyết như thế nào.
Có như vậy giáo dục nước nhà mới năng động lên được.
Chứ không thể để giáo dục cứ loay hoay mãi với chương trình, sách giáo khoa như hiện nay mà điều cần làm lúc này là phải đưa ra chiến lược, thay đổi chính sách về giáo dục.
Trân trọng cảm ơn Thầy!