Chuyển giao ngành Kỹ thuật Cơ điện tử gặp khó khiến thu nhập của GV bị ảnh hưởng

04/09/2023 06:34
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Các quyết định chuyển giao phải hoàn thành nhiều thủ tục nên kéo dài thời gian thanh toán, ảnh hưởng đến thời gian chuyển giao và thu nhập của giảng viên.

Trong quá trình đào tạo ngành/chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử, vấn đề thu nhập của giảng viên và việc chuyển giao công nghệ, sản xuất các sản phẩm cơ điện tử ở một số trường đại học còn là thách thức.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thành Hùng - Giám đốc Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, chương trình được xây dựng dựa trên phát triển Chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử năm 2009 kết hợp với việc tham khảo chương trình đào tạo ngành Cơ điện tử của các trường đại học nổi tiếng trên thế giới như Stanford, Chico (Hoa Kỳ), Sibaura (Nhật Bản), Đại học Quốc gia Đài Loan (NTU),…

Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử được kiểm định theo tiêu chuẩn AUN-QA (bộ tiêu chuẩn với các quy tắc chất lượng khắt khe, có tiêu chí cụ thể, rõ ràng, tập trung đánh giá những điều kiện để đảm bảo chất lượng đào tạo) năm 2017.

Năm 2023, điểm trúng tuyển bằng phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ngành Kỹ thuật Cơ điện tử đối với chương trình chuẩn là 26,75 điểm và chương trình tiên tiến là 25,47 điểm.

Sinh viên Kỹ thuật Cơ điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội đang thảo luận. (Ảnh: website nhà trường).

Sinh viên Kỹ thuật Cơ điện tử Đại học Bách khoa Hà Nội đang thảo luận. (Ảnh: website nhà trường).

Theo thầy Hùng, điểm nổi bật của Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử là giảng viên được đào tạo ở nước ngoài nên nội dung giảng dạy, môn học đều được cập nhật phù hợp với chương trình đào tạo trên thế giới.

Ví dụ, môn Xử lý ảnh được ứng dụng nhiều trong công nghiệp đã được tích hợp vào chương trình đào tạo Kỹ thuật Cơ điện tử của trường. Bên cạnh đó còn có các môn học về điều khiển robot, robot tự hành, hoặc kỹ thuật nhân tạo trong robot...

Sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử được thí nghiệm, thực hành trên các thiết bị hiện đại từ các phòng thí nghiệm thuộc nhà máy số, dự án SAHEP, dự án EMCO,... Được tạo điều kiện tối đa để phát triển các ý tưởng nghiên cứu khoa học, tham gia các cuộc thi về khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng nên tham gia vào quá trình đào tạo sinh viên. Thầy Hùng cho rằng, doanh nghiệp nên có đề xuất về các môn học cần thiết đưa vào chương trình đào tạo để cung cấp kiến thức cho sinh viên. Đồng thời, tạo điều kiện tiếp nhận sinh viên năm cuối đến doanh nghiệp thực tập.

"Nhà trường mới có chương trình đào tạo mở, sinh viên được cử đi làm việc ở doanh nghiệp 6 tháng; doanh nghiệp và nhà trường cùng hướng dẫn sinh viên làm đồ án tốt nghiệp. Hy vọng chương trình đào tạo này sẽ giúp sinh viên Kỹ thuật Cơ điện tử có trước được những kinh nghiệm làm việc để khi tốt nghiệp các em nhanh chóng hòa nhập trong môi trường doanh nghiệp tốt hơn”, thầy Hùng chia sẻ.

Chia sẻ về mức lương của sinh viên Kỹ thuật Cơ điện tử mới ra trường, theo thầy Hùng, nếu sinh viên làm việc ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước sẽ nhận mức 12-13 triệu đồng/tháng; hoặc sinh viên có năng lực giỏi sẽ nhận mức lương 1.000-2.000 USD/tháng (khoảng 24-48 triệu đồng/tháng).

“Kỹ thuật Cơ điện tử là ngành hot, tỷ lệ sinh viên ra trường sau 1 năm có việc làm đúng ngành trên 90%. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập thế giới, đẩy mạnh liên kết nước ngoài, các em cần trang bị kiến thức tiếng Anh để giao tiếp với đối tác trong ngành. Nếu có khả năng sử dụng tiếng Anh, sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử ra trường đi làm sẽ có cơ hội thăng tiến cao hơn”.

_Tiến sĩ Nguyễn Thành Hùng_

Chuyển giao công nghệ ngành Kỹ thuật Cơ điện tử chưa mạnh mẽ

Chỉ ra những thách thức trong đào tạo ngành Kỹ thuật Cơ điện tử, thầy Hùng cho rằng chủ yếu là chuyển giao công nghệ, gắn kết giữa nhà trường – doanh nghiệp để giải quyết các vấn đề trong công việc, đào tạo Kỹ thuật Cơ điện tử chưa mạnh mẽ.

Nguyên nhân là do cơ chế hợp tác giữa nhà nước – nhà trường – doanh nghiệp, và quá trình chuyển giao công nghệ nhiều thủ tục, giấy tờ.

Đơn cử, theo thầy Hùng, trong quá trình chuyển giao công nghệ, khâu thanh toán gặp rất nhiều vất vả. Các quyết định chuyển giao thường phải hoàn thành nhiều thủ tục nên kéo dài thời gian thanh toán. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến thời gian chuyển giao công nghệ mà còn ảnh hưởng đến thu nhập của cán bộ giảng viên.

“Thực tế hiện tại, kỹ thuật cơ điện tử chỉ chuyển giao được những thuật toán, hoặc quy trình sản xuất để giải quyết các vấn đề của một doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thông thường có sẵn thiết bị máy móc, còn cán bộ giảng viên Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử đến doanh nghiệp để chuyển giao thuật toán sao cho thiết bị đó hoạt động hiệu quả hơn theo nhu cầu của doanh nghiệp”, thầy Hùng nói.

Trước khó khăn này, thầy Hùng mong muốn nhà nước tạo điều kiện thuận lợi trong chuyển giao công nghệ bằng việc giảm bớt các quy trình, giấy tờ thủ tục ngắn gọn, rõ ràng hơn.

Liên quan đến việc thiết kế các sản phẩm cơ điện tử, thầy Hùng cho hay, cán bộ giảng viên Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử thiết kế mô hình sản phẩm trên máy tính. Sau đó, do nhà trường không có đủ thiết bị để phục vụ việc gia công sản phẩm cơ điện tử nên sẽ phải đặt hàng các đơn vị ngoài tiến hành gia công.

Cùng chia sẻ với phóng viên, Tiến sĩ Ngô Thanh Tuấn – Phó Trưởng khoa Khoa Cơ – Điện, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, ngành Kỹ thuật Cơ điện tử là 1 trong 5 ngành đào tạo Khoa Cơ - Điện của trường (gồm: Kỹ thuật Cơ điện tử, Kỹ thuật cơ khí, Kỹ thuật cơ khí động lực, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa).

Ngành Kỹ thuật Cơ điện tử Trường Đại học Mỏ - Địa chất thu hút nhiều sinh viên quan tâm. Năm 2023, chỉ tiêu ngành này là hơn 30 sinh viên, điểm trúng tuyển là 22,95 điểm đối với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

“Khoa chú trọng việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ giảng viên đáp ứng chương trình giảng dạy ngành Kỹ thuật Cơ điện tử. Đồng thời, Khoa thực hiện khảo sát nhu cầu thị trường thực tế, doanh nghiệp và ngành công nghiệp về sự cần thiết của Chương trình Kỹ thuật Cơ điện tử.

Việc tìm kiếm các doanh nghiệp để cho sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử đi thực tập cơ bản dễ dàng đối với Khoa. Khi tham gia thực tập, sinh viên sẽ được nhận lương 5 triệu đồng/tháng từ phía doanh nghiệp”, thầy Tuấn chia sẻ.

Cùng bàn về những thách thức, bên cạnh việc đồng tình với đề xuất của thầy Hùng, thầy Tuấn cho rằng, vấn đề lớn hiện vẫn là thu nhập của giảng viên không cao. Nhiều giảng viên nhiệt huyết, yêu nghề nhưng do mức lương chưa như kỳ vọng nên phải cố gắng bươn chải, đi làm thêm các công việc khác.

Thầy Tuấn chia sẻ, thu nhập cũng ảnh hưởng đến số lượng nhân sự cán bộ giảng viên của Khoa. Thực tế trước đây, Khoa từ 80 cán bộ giảng viên giảm xuống còn 60 cán bộ giảng viên. Nguyên nhân do một phần giảng viên nghỉ hưu, một phần vì giảng viên trẻ nhận thấy mức lương khởi điểm thấp (theo hệ số) nên đã chuyển việc (làm việc ở ngoài trường có 40-50 triệu đồng/tháng).

Từ thực tế, thầy Tuấn kiến nghị: thứ nhất, để giảng viên toàn tâm toàn ý cống hiến, xây dựng và phát triển Khoa nói chung và ngành Kỹ thuật Cơ điện tử nói riêng, mong muốn có chế độ chính sách quan tâm đến thu nhập của giảng viên, từ đó giảm bớt gánh nặng cơm áo gạo tiền – “có như vậy thì chất lượng đào tạo, chất lượng của sinh viên mới được nâng lên”, thầy Tuấn nói.

Thứ hai, cần đầu tư công nghệ máy móc ngày càng hiện đại để phục vụ cho sinh viên được đào tạo thực hành từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho đến lúc đi làm đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Ngọc Mai