Chương trình giáo dục mới đòi hỏi giáo viên phải tự học, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ; đổi mới phương pháp dạy học, tiệm cận với các phương pháp dạy học của các nước tiên tiên tiến; có vậy mới giáo dục, đào tạo được học sinh Việt Nam, thành công dân toàn cầu.
Nhiều giáo viên trẻ, nhiệt huyết với nghề, song không biết học ở đâu? Trao đổi với ai?
Từ nhu cầu thực tế của mình, đồng nghiệp, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên lập nên trang Facebook “Diễn đàn Sáng tạo Giáo dục Việt Nam”.
Hoạt động của mọi thành viên trong diễn đàn, dựa trên tinh thần chia sẻ phi lợi nhuận. Mục tiêu hoạt động của diễn đàn là “Tập hợp nguồn lực trí thức, lan tỏa sức mạnh đổi mới, sáng tạo hành động thiết thực, nâng bước thế hệ tương lai”.
Đây được xem là một cộng đồng đổi mới và sáng tạo giáo dục, hoạt động sinh hoạt chuyên môn trực tuyến dành cho giáo viên phổ thông toàn quốc, số thành viên diễn đàn 12.000 người.
Nói về việc thành lập diễn đàn, cô Tô Thụy Diễm Quyên chia sẻ: “Ban đầu, tôi lập nhóm kín, để chia sẻ thông tin mang tính cá nhân về đổi mới, sáng tạo giáo dục.
Những thông tin này được mọi người ủng hộ rất mạnh mẽ, tôi quyết định chuyển chế độ từ nhóm kín thành nhóm công khai.
Tôi hy vọng cộng đồng này có thể khơi dậy, lan tỏa nhiệt huyết trong mỗi nhà giáo, tạo ra không gian trao đổi và hỗ trợ tích cực giữa các giáo viên trên toàn quốc.
Đây đồng thời cũng là nơi cung cấp các kiến thức bài bản về giáo dục học, cũng như một số hướng dẫn cơ bản về thực hành, sáng tạo và đổi mới giáo dục”.
Hiện nay, các nội dung sinh hoạt thường kỳ trên trang diễn đàn trên bao gồm: Livestream trao đổi chuyên môn, bàn tròn nhà giáo, bàn tròn học sinh, bàn tròn phụ huynh, bàn tròn nhà quản lý giáo dục, tủ sách, tặng quà v.v...
Cô Quyên (đứng bìa phải) trao đổi với giáo viên tham gia “Diễn đàn sáng tạo giáo dục Việt Nam” |
Các thành viên tham gia diễn đàn có thể tự do chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, câu chuyện thực hành giáo dục của bản thân; hỏi đáp về một chủ đề cụ thể, một khó khăn cụ thể trong hoạt động giáo dục; chia sẻ về những câu chuyện thực hành giáo dục v.v...
Từ những ngày đầu tiên của năm 2018, hoạt động của diễn đàn càng trở nên sôi nổi với hàng loạt chủ đề nóng trong giáo dục được bàn luận.
Theo đó, định kỳ vào 8 giờ 30 tối thứ 3 hằng tuần, diễn đàn đều có các buổi Livestream, chia sẻ về các vấn đề liên quan đến giáo dục.
Một số chủ đề được trao đổi gần đây đã thu hút đông đảo giáo viên chia sẻ như: Hoạt động trải nghiệm, sáng tạo trong nhà trường; làm gì khi học sinh của bạn đang yêu; cách nhìn nhận và xử lý tình trạng kỳ thị, phân biệt đối xử và bạo lực học đường đối với nhóm học sinh ở “giới tính thứ 3”; kỹ năng của thế kỷ 21 và cách hình thành; cách xử lý khi học sinh vi phạm, giáo dục STEAM v.v...
Đối với “chuyên mục” livestream này, cô Tô Thụy Diễm Quyên là người trực tiếp kết nối và mời các diễn giả tham gia chia sẻ. Lịch livestream hằng tuần đều được thông báo trước để các thành viên tiện theo dõi và trao đổi với diễn giả.
“Cách mạng công nghiệp 4.0 là thách thức và cũng là cơ hội dành cho các em” |
Với mong muốn mang đến những kiến thức chuẩn xác, các diễn giả được lựa chọn đều là những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực mà họ chia sẻ. Ngoài những chuyên mục nêu trên, diễn đàn còn mở thêm chuyên mục livestream điểm sách.
Theo đó, mỗi tối chủ nhật hằng tuần, diễn đàn sẽ lựa chọn và giới thiệu một cuốn sách hay. Đồng thời bàn luận những nội dung liên quan đến giáo dục trẻ em xoay quanh cuốn sách.
Cô Quyên tâm sự “Tất cả những nội dung được chia sẻ trên diễn đàn đều xoay quanh câu chuyện làm thế nào để trẻ em Việt Nam được học hành một cách phù hợp nhất; giúp trẻ phát triển kỹ năng và được hạnh phúc trong việc học.
Do vậy, diễn đàn mong muốn không chỉ mình giáo viên mà cả phụ huynh, học sinh, các giáo sinh sư phạm sẽ cùng tham gia.
Đây sẽ là nơi mà mọi người trong xã hội đều có thể bước chân vào để hiểu được bức tranh giáo dục hiện đại. Giáo viên tiệm cận được phương pháp dạy học 4.0, hướng đến giáo dục STEAM ở nhà trường.
Chúng tôi rất mong phụ huynh cùng tìm hiểu để phối hợp tốt với giáo viên trong việc giáo dục trẻ”.
Nhờ tham gia diễn đàn, nhiều giáo viên đã ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin vào dạy học, thiết kế bài giảng E-Learning, sử dụng Office 365 offline dạy học, dạy học có kết nối qua Skype v.v...
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, người Việt Nam đầu tiên; một trong 20 người đầu tiên trên thế giới được Microsoft công nhận là Chuyên gia Giáo dục toàn cầu vào năm 2013.
Cô là giám khảo người châu Á duy nhất trong 18 giám khảo của “Diễn đàn Giáo dục toàn cầu” tại Mỹ năm 2015. Sau đó, cô được Microsoft công nhận là cố vấn giáo dục.
Giáo viên tham gia “Dự án giáo trình STEAM Việt Nam” |
Hiện tại cô Quyên lập thêm nhóm “Dự án giáo trình STEAM Việt Nam” trên Facebook, nhằm giúp đỡ, chia sẻ cùng giáo viên trên cả nước, chuẩn bị, thực hiện tốt hơn chương trình giáo dục phổ thông mới.
Đã từng công tác ở Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, nay không còn đứng trên bục giảng, vẫn tâm huyết với giáo dục, cô Quyên được rất nhiều giáo viên cảm ơn, trìu mến gọi “Cô giáo STEAM”.