Có NCS chờ cả năm trường vẫn chưa thành lập được hội đồng đánh giá luận án

11/07/2023 06:42
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cùng với nhà trường hỗ trợ một phần học phí cho giảng viên làm NCS, thì các khoản kinh phí khác mà giảng viên phải tự lo, nhà nước nên có chính sách hỗ trợ

Đào tạo tiến sĩ là bậc đào tạo cao nhất trong khung trình độ quốc gia Việt Nam (gồm 8 bậc). Song, có một thực tế, không ít trường hợp giảng viên làm nghiên cứu sinh phải kéo dài thời gian học so với thời gian đào tạo tiêu chuẩn.

Ảnh minh họa: nguồn Báo Vietnamnet

Ảnh minh họa: nguồn Báo Vietnamnet

Bàn về thực trạng này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Vũ Phương - Trưởng Phòng Đào tạo, Trường Đại học Tân Trào chia sẻ, từ trước đến nay, nhà trường có cử một số giảng viên đi học tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài. Kết quả cho thấy, có giảng viên hoàn thành khóa học trong thời gian đào tạo tiêu chuẩn, nhưng cũng có giảng viên phải kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh (có người kéo dài đến 6 năm mới bảo vệ thành công luận án).

Lý giải nguyên nhân giảng viên phải kéo dài thời gian làm nghiên cứu sinh, thầy Phương cho rằng, một phần do đặc thù chuyên ngành học, đề tài lựa chọn nghiên cứu phải đầu tư nhiều thời gian, và một phần do khả năng (điều kiện kinh tế, hoàn cảnh...) của nghiên cứu sinh.

Cũng có nghiên cứu sinh do không kiểm soát được việc đề tài mình lựa chọn có trùng với những người khác đang làm hay không. Chính vì thế, khi người khác công bố kết quả nghiên cứu trước thì buộc nghiên cứu sinh phải thay đổi hướng nghiên cứu, tốn thêm nhiều thời gian.

Ngoài ra, có một số ít giảng viên đi làm nghiên cứu sinh chuyên ngành Nông - Lâm nghiệp ở nước ngoài, dù đã hoàn thành đề tài nhưng chờ cả 1 năm vẫn chưa thành lập được hội đồng đánh giá luận án.

"Đối với giảng viên của trường đi làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, về cơ bản, sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, giảng viên đều quay trở về trường công tác.

Với mỗi giảng viên đi làm nghiên cứu sinh, nhà trường có chính sách hỗ trợ một phần, trung bình là 100 triệu đồng/giảng viên. Còn lại, tùy từng chuyên ngành và cấp độ công trình nghiên cứu, giảng viên sẽ phải tự lo các khoản kinh phí học tập, nghiên cứu.

Có những công trình nghiên cứu phải đầu tư nhiều chi phí để mua nguyên vật liệu. Ví như, có nghiên cứu sinh chuyên ngành Vật lý phải mua vàng để về làm thí nghiệm phục vụ cho đề tài. Có những thí nghiệm không phải chỉ từ 1-2 tiếng là cho kết quả như những buổi thực hành của sinh viên trên giảng đường đại học mà có thể kéo dài cả tháng với nhiều bước thí nghiệm khác nhau. Chưa kể, chỉ cần tiến hành sai 1 bước là phải làm lại thí nghiệm từ đầu.

Do đó, bên cạnh việc nhà trường hỗ trợ một phần học phí cho giảng viên đi làm nghiên cứu sinh còn vô số khoản kinh phí khác mà giảng viên phải tự lo, tôi cho rằng nhà nước cũng nên có chính sách hỗ trợ (ví dụ như cấp bù 50% học phí cho giảng viên làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài) để họ yên tâm, tập trung nghiên cứu và bảo vệ luận án đúng thời hạn”, thầy Phương mong muốn.

Tiếp cận dưới góc độ của người trực tiếp hướng dẫn nghiên cứu sinh, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú, Nhà khoa học Nguyễn Minh Thủy – Trường Đại học Cần Thơ cho biết, theo quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, nghiên cứu sinh có thể tốt nghiệp sau 3-4 năm, nhưng trên thực tế rất hiếm người làm được.

Trong cùng 1 khóa đào tạo tiến sĩ của Trường Đại học Cần Thơ, nghiên cứu sinh bảo vệ luận án đúng thời hạn chỉ khoảng 10% (có khi thấp hơn).

Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ, mỗi năm, Trường Đại học Cần Thơ có 1 đề tài cấp trường ưu tiên dành cho nghiên cứu sinh với kinh phí ít nhất là 30 triệu đồng. Ngoài ra, nhà trường miễn 100% học phí cho giảng viên của trường khi làm nghiên cứu sinh.

Cũng theo cô Thủy, giảng viên làm nghiên cứu sinh không hoàn thành luận án đúng thời gian quy định thường là những giảng viên làm công tác quản lý (trưởng khoa, phó trưởng khoa...); hoặc chọn thực hiện thí nghiệm ở ngay nơi dạy học thay vì đến trực tiếp đơn vị làm nghiên cứu sinh để được người hướng dẫn quan sát, hỗ trợ. Đặc biệt, có trường hợp nghiên cứu sinh chưa có nhiều kỹ năng viết đề tài nên tốn nhiều thời gian rèn luyện, chỉnh sửa, gây khó khăn cho cả người hướng dẫn.

Chỉ ra những hệ quả của việc nghiên cứu sinh kéo dài thời gian học, cô Thủy cho rằng, khi không kịp tiến độ, nghiên cứu sinh sẽ không được tiếp tục làm đề tài, nếu muốn thì sẽ phải làm lại từ đầu, tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Đồng thời, trường đại học cử giảng viên đi làm nghiên cứu sinh cũng không đạt tiêu chí thi đua. Chưa kể, đơn vị tiếp nhận nghiên cứu sinh cũng bị ảnh hưởng do đào tạo tiến sĩ tốt nghiệp không đúng hạn, hoặc không thể tốt nghiệp.

Cùng bàn về vấn đề này, chia sẻ với phóng viên, hiệu trưởng một trường đại học cho biết, mọi nghiên cứu sinh đều phải đối mặt với vấn đề khoa học khó giải quyết trong thời gian ngắn. Nếu nghiên cứu sinh lựa chọn đề tài có nhiều người đã và đang làm thì mức độ cạnh tranh càng lớn vì khó tìm ra tính mới hoặc cần thêm nhiều thời gian.

Một số ngành và mô hình đào tạo không yêu cầu có công bố quốc tế, nhưng nghiên cứu sinh khi theo đuổi con đường học thuật đều mong xuất bản và có công bố trên tạp chí. Việc xuất bản bài báo khoa học cũng tốn nhiều thời gian khiến cho nghiên cứu sinh chậm bảo vệ luận án.

Việc chọn người hướng dẫn, đề tài và đơn vị (cơ sở giáo dục đại học, học viện, hoặc viện nghiên cứu) cho giảng viên học tập, nghiên cứu cần phải được xem xét kỹ lưỡng.

Thứ nhất, nếu người hướng dẫn nghiên cứu sinh đã có sẵn đề tài, dự án và kinh phí phục vụ nghiên cứu thì sẽ hỗ trợ rất tốt cho giảng viên làm nghiên cứu sinh. Ngược lại, nếu người hướng dẫn không có sẵn đề tài, nghiên cứu sinh sẽ phải tự đầu tư nên rất tốn kém, nhất là ở các lĩnh vực khoa học công nghệ, kỹ thuật.

Thứ hai, khi các trường cử giảng viên đi làm nghiên cứu sinh cũng cần phải lựa chọn đơn vị để giảng viên đi học sao cho phù hợp. Bởi, nếu cử giảng viên đi làm nghiên cứu sinh ở đơn vị có trình độ nghiên cứu quá cao so với khả năng của người học, nhu cầu của nhà trường và điều kiện kinh tế (của cả người học và cơ sở đào tạo) thì nghiên cứu sinh sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ, hoặc phải kéo dài thời gian làm đề tài.

Thứ ba, các đơn vị khi tiếp nhận giảng viên về làm nghiên cứu sinh cũng phải tạo điều kiện hỗ trợ như: mời giảng viên đó tham gia giảng dạy, hoặc làm đề tài nghiên cứu khoa học của trường để tạo động lực, nguồn thu nhập thêm cho giảng viên trong quá trình làm nghiên cứu sinh.

"Cần có sự đầu tư thực sự cho đào tạo tiến sĩ. Trong đó, nhà nước cần cấp kinh phí cho đào tạo tiến sĩ; cơ sở đào tạo chủ động chuẩn bị vật chất, thiết bị phục vụ nghiên cứu, có chính sách học bổng và tạo môi trường tốt nhất cho nghiên cứu sinh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chính sách học bổng cho sinh viên giỏi, giảng viên giỏi đi làm nghiên cứu sinh để cùng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao", vị hiệu trưởng chia sẻ.

Ngọc Mai