Có nơi tồn tại 3 chương trình giáo dục, gây khó cho GV khi thực hiện chuyên môn

18/03/2023 06:32
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Vai trò của chương trình VNEN đã hết. Ngành giáo dục cần có thông báo cụ thể để chấm dứt vai trò của chương trình này.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hiện đã được triển khai sang năm thứ 3. Ở bậc tiểu học, đang được thực hiện ở 3 khối lớp (lớp 1, lớp 2 và lớp 3). Riêng khối lớp 4 và khối lớp 5 cùng lúc vẫn đang tồn tại song song 2 chương trình giáo dục là chương trình 2006 và chương trình VNEN.

Thực tế, có địa phương, chỉ trong một trường tồn tại từ 2 đến 3 chương trình giáo dục phổ thông. Điều này, không chỉ gây khó khăn cho việc chỉ đạo chuyên môn của nhà trường mà còn làm khó giáo viên mỗi khi thực hiện việc thao giảng dự giờ hoặc tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Một trường học tồn tại cùng lúc 3 chương trình giáo dục

Năm học 2011-2012, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai thí điểm mô hình VNEN tại 24 trường học thuộc 12 huyện ở 6 tỉnh (Hà Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Kon Tum và Đắk Lắk).

Dự án bắt đầu thực hiện chính thức từ năm học 2012-2013, đối tượng hưởng thụ gồm 1.447 trường tiểu học tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Đến năm học 2015-2016, có thêm 2.365 trường tiểu học của 54 tỉnh tự nguyện tham gia áp dụng.

Nhiều địa phương đồng loạt mở rộng chương trình VNEN sang các khối lớp khác (lớp 4, lớp 5 thậm chí cả khối lớp 6) và gọi là chương trình VNEN mở rộng.

Học sinh bắt đầu đồng loạt được thay sách giáo khoa từ chương trình 2006 sang sách giáo khoa của chương trình VNEN.

Nhiều trường học khác không nằm trong danh sách thực hiện chương trình VNEN mở rộng cũng yêu cầu giáo viên thay đổi cách giảng dạy giống y chang chương trình VNEN, chỉ khác là học sinh vẫn sử dụng sách giáo khoa của chương trình 2006.

Khi đó, mỗi ngày lên lớp, thầy cô đều phải dành thời gian cho học trò tập dượt từ cách giới thiệu hội đồng tự quản, các ban bệ trong lớp, cách chia sẻ mục tiêu bài học, cách nhận xét bạn, cách báo cáo cuối tiết, rồi đến cách học nhóm, cách điều hành nhóm, kiểm tra bài bạn, báo cáo kết quả…theo kiểu VNEN.

Học sinh phải học đi học lại mỗi ngày, diễn đến thuộc lòng chỉ với mục đích để dành cho việc dự giờ và thi thố còn ở lớp, giáo viên vẫn dạy học theo kiểu bình thường (vì nếu dạy theo kiểu VNEN, nhiều học sinh sẽ không thể hiểu bài).

Lẫn lộn khi áp dụng giảng dạy

Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được áp dụng ở khối lớp 1, các khối còn lại vẫn dạy theo chương trình VNEN và chương trình hiện hành lúc đó.

Vào những năm 2018, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 chuẩn bị hoàn thiện và lấy ý kiến đông đảo toàn dân, nhiều địa phương bắt đầu nói không với chương trình VNEN.

Điển hình là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Khánh Hoà đã ra Hướng dẫn số 2539/ SGDĐT- GDTH hướng dẫn kế hoạch chuyển hình thức dạy theo mô hình VNEN về hình thức dạy học hiện hành đối với tất cả các trường đang dạy mô hình VNEN trên địa bàn tỉnh từ năm học 2019-2020.

Tại thành phố Vũng Tàu: “Về cơ bản, TP Vũng Tàu đã dừng toàn bộ mô hình VNEN, kể cả những trường, những lớp đã triển khai”.[1]

Tuy nhiên, vẫn còn một ít địa phương không công bố là bỏ VNEN nhưng cũng không ca tụng hay kiểm tra gắt gao việc thực hiện giảng dạy theo quy trình như trước. Ai cũng ngầm hiểu VNEN đã lặng lẽ “chết yểu”.

Giáo viên lại quay về với cách dạy học của chương trình hiện hành trước đây (dù tài liệu giảng dạy vẫn là của VNEN) và tiếp cận dần với chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Cho đến thời điểm này, chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã được triển khai đến khối lớp 3, còn khối lớp 4, lớp 5 vẫn song song tồn tại 2 chương trình 2006 và chương trình VNEN.

VNEN xem như “chết yểu” trong cách dạy của giáo viên nhưng về danh nghĩa vẫn còn tồn tại chương trình VNEN dù chẳng ai còn muốn nhắc tới nó nữa. Để nâng cao chất lượng dạy và học, giáo viên đã tự chọn những ưu điểm của chương trình hiện hành và tự mình tiếp cận với những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018 trong giảng dạy.

Tuy nhiên, khi tổ chức dự giờ thao giảng cấp huyện thị, cấp tỉnh hay giáo viên khối 4, 5 dự thi giáo viên dạy giỏi vẫn phải dạy theo chương trình VNEN mở rộng.

Do học sinh không được học mỗi ngày, cũng không được thầy cô tập dượt thường xuyên nên các em học sinh đa phần quên luôn cách học theo VNEN. Tuy thế, nhiều giáo viên đi thi giáo viên giỏi đã gặp cảnh dở khóc, dở cười trong tiết dạy vì những thao tác vụng về của học sinh.

Có đồng nghiệp cho biết, chỉ mỗi việc giới thiệu đầu tiết, chia sẻ mục tiêu và báo cáo, nhận xét cuối tiết (đặc trưng chủ yếu của chương trình VNEN) cũng đã chiếm khá nhiều thời gian của tiết dạy. Mỗi tiết dạy của cấp tiểu học từ 35 đến 40 phút nhưng giới thiệu, chia sẻ mục tiêu và báo cáo đôi khi chiếm hơn 10 phút.

Năm học 2023-2024 tới đây, bậc tiểu học sẽ thực hiện tiếp tục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với lớp 4. Bậc tiểu học cũng chỉ còn lớp 5 học song song 2 chương trình 2006 và chương trình VNEN.

Cho tới thời điểm này, giáo viên chúng tôi cho rằng, vai trò của chương trình VNEN cũng đã hết. Ngành giáo dục cần có thông báo cụ thể để, từ đó hướng giáo viên chủ động tiếp cận trước chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay vào giảng dạy ở khối lớp chưa thực hiện thay chương trình và sách giáo khoa.

Tài liệu tham khảo:

[1]https://tuoitre.vn/vi-sao-cac-tinh-ngung-vnen-1163137.htm

Đỗ Quyên