Máy bay chiến đấu Su-35 Nga |
Tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 30 tháng 4 dẫn tờ tuần san "Người đưa tin công nghiệp quân sự" Nga đưa tin, tại Triển lãm quốc phòng quốc tế DSA-2014 ở Kuala Lumpur Malaysia từ ngày 14 - 18 tháng 4, giám đốc Nicola - Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga (Rosoboronexport) trả lời phỏng vấn báo chí cho biết, Nga rất được hoan nghênh ở các nước châu Á-Thái Bình Dương, triển vọng xuất khẩu rộng lớn.
Còn vấn đề Nga xuất khẩu máy bay chiến đấu Su-35 cho Trung Quốc, đàm phán có liên quan đã dừng lại, tạm thời không thể đạt được thỏa thuận cụ thể.
Theo ông Nicola, Nga luôn tích cực tham gia Triển lãm quốc phòng quốc tế Malaysia, lần này cũng không ngoại lệ.
Tham gia triển lãm lần này ngoài Công ty xuất khẩu quốc phòng Nga, còn có Công ty "máy bay trực thăng Nga" thuộc Tập đoàn công nghiệp quốc phòng Nga, Tập đoàn chế tạo động cơ liên hợp, Nhà máy máy xe Ural, Tập đoàn "hệ thống tinh vi", Nhà máy đóng tàu Vympel, Viện nghiên cứu khoa học công nghệ vô tuyến điện Kaluga, Viện nghiên cứu khoa học chế tạo máy móc, cùng trưng bày rất nhiều mẫu vũ khí và trang bị quân sự Nga sử dụng cho tất cả các quân binh chủng.
Hợp tác với các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn chiếm thị phần lớn nhất trong xuất khẩu vũ khí Nga.
Hiện nay, cạnh tranh ở thị trường châu Á-Thái Bình Dương là gay gắt nhất. Dù sao, tham vọng địa-chính trị của rất nhiều quốc gia khu vực tăng lên rõ rệt, cần phải dựa vào thực lực để hỗ trợ.
Ngoài ra, mối đe dọa và số lượng các nhóm chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa ly khai không ngừng tăng lên, cuộc chiến chống cướp biển cũng rất gay gắt. Hiện nay, các nước châu Á-Thái Bình Dương đều có nhu cầu vũ khí trang bị và công nghệ hiện đại hơn bất cứ lúc nào trước đây để bảo vệ quốc phòng và an ninh, không ngừng đầu tư rất nhiều tiền của cho nó, đương nhiên đã gây ra cuộc tranh đoạt giữa các ông trùm vũ khí thế giới.
Mô hình tàu ngầm Amur-1650 Nga |
Nicola cho rằng, đối với các nhà sản xuất vũ khí Nga tham gia triển lãm, tiếp xúc với giới lãnh đại quân sự, chính trị và đại diện giới thương mại các nước châu Á-Thái Bình Dương là điểm sáng chính. Có thể ký kết hợp đồng tại triển lãm đương nhiên là tốt nhất.
Nhưng, hiện nay, xu thế chủ yếu của hợp tác kỹ thuật quân sự từ cung ứng trực tiếp quá độ sang hợp tác chặt chẽ và thương mại bổ sung bằng các hình thức. Điều kiện hợp tác do bên mua chủ đạo, họ đều có ý định phát triển ngành công nghệ cao của mình. Nga sẵn sàng triển khai hợp tác hoàn toàn bình đẳng trên phương diện này, đây cũng là một trong những ưu thế của Nga.
Ngoài ra, Nga có thể cung cấp phương án hợp tác độc đáo. Chẳng hạn trong khung thỏa thuận bồi thường hợp đồng cung ứng máy bay chiến đấu Su-30MKM cho Malaysia, năm 2007 Nga đưa nhà du hành vũ trụ đầu tiên của Malaysia lên trạm không gian quốc tế, điều này rõ ràng không phải là nước xuất khẩu vũ khí nào cũng có thể làm được.
Quan chức Nga chỉ ra, tại triển lãm quốc phòng lần này, Malaysia có ý định bàn bạc khả năng mua vài chục xe tăng T-90S. Ngay từ năm 2000, T-90S đã tham gia hoạt động kiểm tra trong điều kiện rừng nhiệt đới và đầm lầy trong khuôn khổ đấu thầu mua sắm của Malaysia, loại xe này thể hiện rất tốt, không có vấn đề về mặt công nghệ, đáng tiếc là chưa thể trúng thầu.
Xe tăng chiến đấu T-90S do Nga chế tạo |
Tại triển lãm quốc phòng DSA-2012, Malaysia cũng đã quan tâm đến tính năng và sức chiến đấu của xe tăng T-90S phiên bản cải tiến. Về mặt số lượng công nghệ mới được thể hiện, trên thực tế, nó là một loại xe tăng hoàn toàn mới, tính năng chiến đấu của T-90S phiên bản sản xuất hàng loạt, trong đó gồm có hỏa lực, khả năng phòng vệ, tính cơ động đều đã được nâng lên một bậc.
Điều đáng tiếc là, những cuộc tiếp xúc này chưa đạt được tiến triển tiếp theo. Nhưng, Malaysia vẫn cần đến xe tăng chiến đấu hiện đại, Nga tin là xe bọc thép của họ hoàn toàn phù hợp với nhu cầu của quân đội Malaysia, vì vậy hy vọng có thể tiếp tục thảo luận vấn đề này.
Ông Nicola tiết lộ, Bộ Quốc phòng Malaysia có kế hoạch tuyên bố đấu thầu mua sắm 1 - 2 phi đội máy bay chiến đấu đa năng. Phía Nga tạm thời có kế hoạch điều Su-30MKM mới đến tham gia tranh thầu.
Tuy nhiên, diện mạo cuối cùng của máy bay sẽ hình thành sau khi nhận được giấy báo chính thức và phân tích yêu cầu công nghệ đấu thầu.
Xét thấy Su-30MKM của Nga sử dụng thuận lợi và đội biểu diễn bay kỹ thuật đặc biệt không quân Malaysia còn sử dụng máy bay chiến đấu MiG-29N trang bị động cơ RD-93, phía Nga tin rằng họ có cơ hội rất lớn để trúng thầu.
Ngoài ra, trước đây, hợp đồng cung ứng tên lửa không đối không RVV-AE cho Malaysia mà Nga ký tại Triển lãm quốc phòng DSA-2012 được thực hiện thuận lợi, lô tên lửa đầu tiên đã bàn giao cho khách hàng, lô tên lửa thứ hai sẽ bàn giao trước khi kết thúc năm 2014.
Máy bay chiến đấu Su-30MKM của Không quân Malaysia |
Còn về vấn đề đàm phán cung ứng hệ thống tên lửa phòng không tầm gần Buk-M2E cho Malaysia, hai bên vẫn đang nỗ lực thúc đẩy. Phía Malaysia sẽ tuyên bố công khai đấu thầu mua sắm loại vũ khí này, phía Nga có kế hoạch tham gia. Dự kiến, Malaysia sẽ còn đấu thầu mua sắm hệ thống tên lửa phòng không tầm gần, phía Nga sẽ cử tên lửa Pantsir-S1 tranh thầu.
Hiện nay, Nga đang trưng bày những hệ thống vũ khí này, mời các chuyên gia Malaysia tìm hiểu tình hình sản xuất của chúng, xem biểu diễn hiệu quả tác chiến. Malaysia rất coi trọng vấn đề phòng không, một vấn đề rất cấp thiết, thực tế đối với họ.
Trên thực tế, các nước châu Á-Thái Bình Dương về tổng thể luôn rất quan tâm đến hệ thống phòng không của Nga, vì vậy phía Nga đã trưng bày một loạt vũ khí phòng không ở Kuala Lumpur, gồm có hệ thống tên lửa phòng không Tor-M2E và Igla-S.
Tên lửa phòng không Tor-M2 do Nga chế tạo |
Ngoài ra, Nga còn trưng bày máy bay trực thăng vận tải quân dụng Mi-171SH với các quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Malaysia, chúng có thể nâng cao rất lớn tính cơ động cho quân đội Malaysia, có vai trò "không thể thay thế" khi thực hiện các chiến dịch đặc biệt.
Ông Nicola chỉ ra, khá nhiều quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương đều có ý định mua máy bay trực thăng Mi-171SH. Năm 2013, Nga và Bangladesh đã ký thỏa thuận cung ứng 5 máy bay trực thăng Mi-171SH, phía Bangladesh sẽ có được lô máy bay trực thăng vũ trang - vận tải này trong khuôn khổ cho vay mua sắm vũ khí được phía Nga cung cấp vào trung tuần tháng 1 năm 2013. Tại triển lãm quốc phòng lần này, đại diện Philippines và Nepal cũng rất quan tâm đến máy bay trực thăng Mi-171SH của Nga.
Về vũ khí trang bị hải quân, điều quan tâm trước tiên của quân đội Malaysia là sản phẩm có liên quan đến bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, phía Nga đã đề cử một số tàu tuần tra cũng như các hệ thống giám sát biển gần nhất thể hóa. Hơn nữa, phía Malaysia còn bày tỏ rất quan tâm đến hệ thống tên lửa chống tăng Kornet-E, Kornet-EM và Metis-M1.
Ngoài ra, sự cố tàu ngầm của Hải quân Ấn Độ không gây bất cứ ảnh hưởng gì đến mối quan tâm của các khách hàng tiềm năng đối với tàu ngầm Amur-1650 của Nga.
Máy bay trực thăng vận tải quân sự Mi-171SH do Nga chế tạo |
Các nước châu Á-Thái Bình Dương không hứng thú với tàu trọng tải lớn, điều họ quan tâm nhất là tàu cỡ nhỏ, tàu ngầm diesel hạng trung, tàu đệm khí. Các nước châu Á-Thái Bình Dương rất coi trọng phòng thủ biển gần, có nhu cầu mua sắm thiết bị trinh sát/do thám trên biển và trên không, muốn có sở chỉ huy thống nhất có thể truyền đạt mệnh lệnh cho tất cả vũ khí sát thương.
Đối với vấn đề Nga phải chăng khôi phục đàm phán cung ứng máy bay chiến đấu Su-35 với Trung Quốc hay không, ông Nicola trả lời cho biết, hoạt động đàm phán này lúc thì khôi phục, lúc thì tạm dừng.
Sau đó lại khôi phục, có lúc còn rơi vào cục diện bế tắc ở mặt cá biệt nào đó, hai bên không vui lại thôi, sau đó suy nghĩ lại. Tóm lại, khoảng cách với việc đạt được thỏa thuận cụ thể tạm thời còn rất xa.
Đối với thông tin có liên quan đến Nga có thể sẽ bắt đầu xuất khẩu hệ thống tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander vào năm 2015, ông Nicola chỉ ra, ông không cho rằng Nga sẽ bắt đầu xuất khẩu loại tên lửa này từ năm 2015.
Căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đưa ra, trước khi bảo đảm trang bị toàn diện tên lửa Iskander cho các đơn vị của quân đội Nga, loại vũ khí này sẽ không xuất khẩu. Nếu Nga quyết định xuất khẩu loại vũ khí này, thì cũng sẽ chỉ cung ứng cho những nước hữu nghị nhất, hơn nữa phải được chuyên gia Nga giám sát.
Tên lửa chiến thuật Iskander M do Nga chế tạo |