Đề xuất mới về nguồn lực tài chính để thành lập cơ sở giáo dục mầm non

10/10/2022 06:37
Doãn Nhàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Dự thảo mới của Bộ GD&ĐT đề xuất để thành lập trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất).

Tại dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất các quy định liên quan tới điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục.

Đáng chú ý, văn bản đã quy định một số nội dung quan trọng liên quan đến nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục mầm non. Trong khi đó, hiện các văn bản hiện hành vẫn chưa có các quy định rõ ràng liên quan đến nội dung này.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Quy định mới là cơ sở bảo đảm các cơ sở giáo dục có đủ nguồn lực tài chính để tổ chức các hoạt động giáo dục cũng như duy trì và phát triển hoạt động của nhà trường; đồng thời, việc quy định rõ ràng về nguồn lực tài chính của các cơ sở giáo dục cũng là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào việc bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông; cũng như tăng cường vai trò và trách nhiệm của nhà đầu tư khi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Cụ thể dự thảo quy định điều kiện cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục như sau:

Thứ nhất: Có đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị đáp ứng các tiêu chuẩn về địa điểm, quy mô, diện tích và cơ sở vật chất tối thiểu đối với trường mầm non theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Phương án 1: "Đối với nơi khó khăn về đất đai, có thể thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng và bảo đảm đủ diện tích theo quy định."

So với luật hiện hành, đây là quy định mới bổ sung, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điều này phù hợp với điều kiện thực tế hiện nay, không phải nhà trẻ, trường mẫu giáo, mầm non nào cũng có khu đất để xây dựng trường.

Phương án 2: Không bổ sung quy định về thay thế diện tích sử dụng đất bằng diện tích sàn xây dựng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo lý giải: Khoản 4 Điều 104 Luật Giáo dục quy định nội dung quản lý nhà nước về giáo dục gồm: “Quy định… tiêu chuẩn, định mức sử dụng cơ sở vật chất, thư viện và thiết bị trường học”.

Thực hiện theo quy định này của Luật Giáo dục, đồng thời, nhằm bảo đảm điều kiện để thực hiện chương trình giáo dục và tổ chức hoạt động các giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng và ban hành theo thẩm quyền Thông tư số 13/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 ban hành Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Vì vậy, để phù hợp với quy định tại Luật Giáo dục về thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức về cơ sở vật chất, thiết bị trường học, dự thảo Nghị định không quy định cụ thể các điều kiện về “đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị” để cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông hoạt động giáo dục mà dẫn chiếu tới các quy định chuyên ngành tương ứng trong lĩnh vực giáo dục.

Thứ hai: Có Chương trình giáo dục, Kế hoạch giáo dục của nhà trường; có đồ dùng, đồ chơi, học liệu bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục mầm non.

Thứ ba: Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và người lao động bảo đảm về số lượng, đạt tiêu chuẩn để tổ chức hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.

So với luật hiện hành, dự thảo Nghị định đã bổ sung điều kiện khác về chương trình, đội ngũ nhà giáo là quy định theo hướng đáp ứng và phù hợp yêu cầu của chương trình giáo dục.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Điều 104 Luật Giáo dục nội dung quản lý nhà nước về giáo dục quy định: “Quy định tiêu chuẩn chức danh nhà giáo… chuẩn nghề nghiệp nhà giáo; quy định mục tiêu, chương trình, nội dung giáo dục…”. Như vậy, việc quy định các nội dung này thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thứ tư: Có đủ nguồn lực tài chính để bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục:

a) Đối với trường mầm non tư thục, mức đầu tư ít nhất là 30 triệu đồng/trẻ (không bao gồm các chi phí sử dụng đất). Tổng số vốn đầu tư ít nhất được tính toán căn cứ thời điểm có quy mô dự kiến cao nhất. Kế hoạch vốn đầu tư phải phù hợp với quy mô dự kiến của từng giai đoạn. Có phương án huy động vốn và cân đối vốn tiếp theo để duy trì hoạt động của trường mầm non;

b) Đối với trường mầm non công lập, dân lập, nguồn lực tài chính do cơ quan chủ quản hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm nhằm đáp ứng các yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non.

Như vậy dự thảo Nghị định quy định điều kiện về nguồn vốn để thành lập trường tư thục trong nước tương tự với điều kiện về vốn của trường có vốn đầu tư nước ngoài (quy định tại Điều 35 Nghị định 86/2018/NĐ-CP). Điều này giúp bảo đảm nguyên tắc “Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư” của Luật Đầu tư; đối với trường công lập, dân lập thì quy định “cơ quan chủ quản hoặc cộng đồng dân cư ở cơ sở chịu trách nhiệm bảo đảm”.

Ngoài các nội dung trên, dự thảo cũng quy định rõ về thủ tục cho phép trường mầm non hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường mầm non…

Dự thảo Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục được xây dựng trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp tại Nghị định số 46 và Nghị định số 135; cập nhật, sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các quy định còn vướng mắc, khó khăn để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành và đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về giáo dục.

Dự thảo Nghị định quy định một số các điều kiện để cơ sở giáo dục được hoạt động giáo dục, đào tạo (về đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, chương trình giáo dục, tài liệu giảng dạy và học tập, đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý) phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Doãn Nhàn