"Điểm mặt" những vướng mắc khi HĐT phê duyệt cuối cùng báo cáo tài chính

25/12/2022 06:43
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Tối thiểu, thành viên Hội đồng trường phải nắm được các đầu mục chi tiêu, phân bổ tài chính cho các hạng mục công trình đầu tư của trường. 

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi, một số thành viên Hội đồng trường gặp khó khăn trong quá trình vận hành khâu phê duyệt báo cáo tài chính, e ngại đối sánh các chủ trương mua sắm đầu tư có trị giá hàng tỷ đồng.

Bàn về vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Thái Nguyên đã có những chia sẻ khách quan về công tác quản lý, vận hành của Hội đồng trường, nhất là trình tự thủ tục xây dựng và duyệt báo cáo tài chính.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

“Đối với nhà trường, việc xây dựng báo cáo tài chính sẽ do Ban Giám hiệu phụ trách. Sau khi Ban Giám hiệu trình báo cáo, Hội đồng trường tiến hành các khâu thẩm định, đối soát để phê duyệt báo cáo và ra quyết định. Như vậy, Hội đồng trường sẽ có nhiệm vụ phê duyệt cuối cùng báo cáo tài chính”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Trước một số quan điểm cho rằng, ở cấp độ phòng, ban chuyên môn các trường đại học, từ khâu xây dựng đến báo cáo Ban Giám hiệu có phần thuận lợi. Tuy nhiên, khi trình lên Hội đồng trường xét duyệt thì lại gặp những vướng mắc nhất định. Về vấn đề này, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chỉ ra một số khó khăn:

Thứ nhất, khó khăn xảy ra khi thành viên Hội đồng trường không có đủ chuyên môn để phê duyệt báo cáo tài chính.

Theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, thực tiễn cho thấy, việc phê duyệt báo cáo tài chính nói riêng hay bất kỳ báo cáo nào nói chung đều sẽ là vướng mắc, khó khăn nếu bản thân các thành viên của Hội đồng trường không có đủ chuyên môn, nghiệp vụ, kiến thức.

“Việc xây dựng và phê duyệt báo cáo tài chính cũng không ngoại lệ. Hiện, việc xây dựng báo cáo là do hiệu trưởng nhà trường phụ trách. Còn Hội đồng trường sẽ tiến hành phê duyệt báo cáo đó”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Thứ hai, thường việc phê duyệt báo cáo tài chính không đúng vào các kỳ họp của Hội đồng trường.

Giáo sư cho biết, trong một năm, Hội đồng trường tổ chức họp 4 lần để thảo luận những vấn đề, quyết sách liên quan đến tiến trình chiến lược phát triển nhà trường. Khó khăn là, nhiều khi việc phải phê duyệt báo cáo tài chính không đúng vào kỳ họp của Hội đồng trường nên thường trường phải chủ động thảo luận, xin ý kiến thống nhất các thành viên qua hình thức nhắn tin, gọi điện, online.

“Trong các khoản đầu tư, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thường có trị giá hàng tỷ đồng. Trong năm vừa qua, riêng việc đầu tư cơ sở vật chất của trường khoảng 1-2 tỷ đồng.

Nếu thành viên Hội đồng trường không có chuyên môn xây dựng kế hoạch, báo cáo tài chính thì sẽ không làm tốt được. Do đó, đầu năm, hiệu trưởng xây dựng báo cáo chi tiết các khoản thu, chi, mua sắm, đầu tư tài chính rất cụ thể theo kế hoạch năm. Khi đối sánh hợp lý thì chủ tịch Hội đồng trường sẽ phê duyệt và ra quyết định.

Những báo cáo tài chính được phê duyệt phải căn cứ cả đầu vào và đầu ra các nguồn thu, dự kiến chi. Nếu đầu vào và đầu ra cân đối với nhau thì báo cáo thông qua, và ngược lại.

Tính đến thời điểm này, chưa có báo cáo tài chính nào của nhà trường chưa được phê duyệt”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng chia sẻ.

Trước vấn đề thành viên Hội đồng trường phải có trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính, theo Giáo sư Nguyễn Thế Hùng, nhất thiết Hội đồng trường phải là người quyết định cuối cùng.

Ví dụ, trong 1 năm, những sự kiện lớn của trường thường gắn liền với chi tiêu tài chính, cho nên Hội đồng trường sẽ phải kiểm soát các sự kiện diễn ra với mức chi cụ thể có hợp lý không, nếu không thì điều chỉnh như thế nào.

“Tuy nhiên, không thể nói thành viên Hội đồng trường không thông thạo về số liệu dẫn đến băn khoăn khâu phê duyệt. Tối thiểu, thành viên Hội đồng trường phải nắm được các đầu mục chi tiêu, phân bổ tài chính cho các hạng mục công trình đầu tư của trường”, Giáo sư Nguyễn Thế Hùng cho biết.

Thực tế, người xây dựng báo cáo tài chính khác với người duyệt báo cáo sẽ tạo tính khách quan. Nhờ đó, các bước tiến hành thủ tục, trình tự báo cáo tài chính hiện nay của trường cơ bản đáp ứng, ổn định và hợp lý.

Đồng tình với Giáo sư Nguyễn Thế Hùng về quan điểm Hội đồng trường phải có trách nhiệm giám sát, phê duyệt báo cáo tài chính cuối cùng, Tiến sĩ Đặng Xuân Anh, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang cũng có chia sẻ về thực tế hoạt động của Hội đồng trường.

Theo Tiến sĩ Đặng Xuân Anh, việc xây dựng báo cáo tài chính sẽ do phòng kế hoạch tài chính đảm trách, gửi lãnh đạo Ban Giám hiệu nhà trường kiểm tra trước khi thông qua ở Hội đồng trường.

“Trong tháng 12 hàng năm trường sẽ xây dựng bản kế hoạch năm tới. Trong đó, có các báo cáo về kế hoạch nhân sự, tài chính… Đối với kế hoạch tài chính, sẽ tiến hành sơ kết 6 tháng (từ tháng 1 – hết tháng 6) lần một và vào tổng kết cuối năm (từ tháng 7 – hết tháng 12) lần hai”, Tiến sĩ Đặng Xuân Anh chia sẻ.

Cũng theo Tiến sĩ Đặng Xuân Anh, việc phê duyệt báo cáo sẽ căn cứ vào kế hoạch tài chính đầu năm bao gồm dự kiến các nguồn thu, đầu tư mua sắm, sửa chữa cơ sở vật chất như thế nào, trị giá bao nhiêu…

Về khó khăn trong quá trình phê duyệt báo cáo tài chính, theo Tiến sĩ Đặng Xuân Anh, thứ nhất, phải tùy thuộc đặc thù từng trường. Thứ hai, phải căn cứ vào tài chính từng năm.

“Thông qua Hội đồng trường, dự toán tài chính khoản thu, chi ban đầu và cuối năm sẽ được tính toán cụ thể, chi tiết. Trong đó, sẽ có những khoản thu chưa đạt khi tổng kết cuối năm do nhiều nguyên nhân như tuyển sinh không được, cơ cấu nhân sự thay đổi… Khi đó, việc điều chỉnh sẽ gặp những khó khăn nhất định.

Về cơ bản, nếu quá trình tiến hành các khoản thu và chi đúng như dự kiến, kế hoạch ban đầu thì sẽ không có vấn đề bất cập.

Hội đồng trường đại học nào cũng có những thành viên là cán bộ, giảng viên trong trường hoặc ngoài trường. Chính vì thế, việc đòi hỏi tất cả các thành viên phải có toàn diện chuyên môn (bao gồm cả về tài chính) là khó.

Việc thành viên có chuyên môn về kế toán, tài chính, hay không đủ chuyên môn chỉ là một phần. Thứ nữa, các khoản chi cũng rất rõ ràng nên không gây khó khăn nhiều cho các thành viên Hội đồng trường trong quá trình phê duyệt”, Tiến sĩ Đặng Xuân Anh nhận xét.

Chia sẻ về khó khăn lớn nhất đối với nhà trường, đó là trường hợp nguồn thu không theo dự kiến ban đầu thì dẫn đến mức chi gặp trở ngại, thắt chặt hơn. Còn việc thông qua kế hoạch báo cáo tài chính đầu năm, thu, chi, đầu tư cơ sở hạ tầng, thí nghiệm như thế nào, Hội đồng trường phải thảo luận rất kỹ trước khi phê duyệt.

“Việc thành lập Hội đồng trường thực hiện theo Nghị định 99 về cơ cấu, số lượng thành viên…

Trong các cuộc họp, thảo luận, không nhất thiết đặt nặng vấn đề các thành viên Hội đồng trường phải am hiểu chuyên môn, chi tiết lĩnh vực kế toán, con số. Điều quan trọng là chủ trương đưa ra, Hội đồng trường căn cứ để dự kiến phân bổ các khoản như thế nào cho hợp lý”, Tiến sĩ Đặng Xuân Anh chia sẻ thêm.

Đối với các trường đại học, khoản thu sẽ đến từ nhiều nguồn khác nhau. Ví dụ như: công tác tuyển sinh (thu học phí), nghiên cứu khoa học, các đơn vị có tư cách pháp nhân hoạt động tại các trung tâm nghiên cứu qua chuyển giao công nghệ cũng có những đóng góp cho nhà trường… Trong đó, nguồn thu chiếm tỷ lệ chủ yếu đến từ học phí.

Tiến sĩ Đặng Xuân Anh cũng phân tích: “Ví như trong một gia đình, khi các nguồn thu ổn định thì việc chi tiêu sẽ không có nhiều khó khăn. Những nguồn thu không như kế hoạch thì dẫn đến các khoản chi cũng phải có điều chỉnh. Còn việc thông qua báo cáo tài chính, ngay từ khâu xây dựng đầu năm, các tiểu ban phải thảo luận nhiều cuộc mới đưa ra được kế hoạch tài chính theo năm.

Mỗi trường sẽ có đặc thù riêng. Pháp luật đã quy định và hiện đang vận hành, trường đại học thực hiện thành lập Hội đồng trường và hoạt động theo đúng quy định.

Hiện, Hội đồng trường Trường Đại học Nông Lâm Bắc Giang gồm 15 thành viên. Những ý kiến tham mưu, đóng góp của thành viên Hội đồng trường có ý nghĩa rất lớn trong việc đưa ra những chiến lược, đồng thời tăng cường giám sát, phản biện, xây dựng trường học tốt hơn".

Ngọc Mai