LTS: Đưa quan điểm của mình về thời gian tổ chức, phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, là một nhà giáo đã tham gia trực tiếp 22 mùa tuyển sinh vào lớp 10 ở địa phương - tác giả Sông Trà đã có bài viết chia sẻ.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết này.
Mùa tuyển sinh vào lớp 10 hai năm nay ở các địa phương có nhiều thay đổi, cải tiến về thời gian tổ chức, phương thức tuyển sinh đã nhận được sự quan tâm lớn của các học sinh, thầy cô giáo và phụ huynh ở bậc học này.
Thi tuyển sinh vào lớp 10 (Ảnh minh họa: TTXVN). |
Thời gian tổ chức tuyển sinh vào lớp 10 diễn ra vào đầu hoặc giữa tháng 6, sớm hơn so với các năm trước đây cả tháng trời.
Thay vì hai môn thi truyền thống: Ngữ văn và Toán thì các tỉnh, thành chọn lựa thêm một môn thi thứ 3 nữa dưới hình thức bài thi tổ hợp trắc nghiệm khách quan với từ 2 đến 7 môn thi thành phần.
Nhiều địa phương thông báo phương thức tuyển sinh vào lớp 10 khá sớm, ngay từ đầu năm học hoặc đầu học kỳ 2 để nhà trường, thầy cô giáo và các em học sinh lớp 9 có thêm thời gian chuẩn bị, chủ động trong việc ôn tập các môn sẽ thi, hình thức thi.
Nhưng cũng địa phương như tỉnh Quảng Ngãi như năm nay, đến cuối năm học mới công bố phương thức tuyển sinh vào lớp 10 với mục đích để học sinh học đều môn, tránh tình trạng học lệch, “chạy điểm”, dạy học thêm, luyện thi tràn lan.
Là một cán bộ quản lý, một nhà giáo tham gia trực tiếp 22 mùa tuyển sinh vào lớp 10 ở địa phương, tôi có một số nhận xét, đánh giá về quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, về những cải tiến, thay đổi của các tỉnh, thành về công tác tuyển sinh vào lớp 10.
Thời gian, cách thi và tính điểm xét tuyển vào lớp 10 công lập ở Hà Nội năm 2018 |
Trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đúng đắn, hợp lý khi ban hành Quyết định số 12/2006/QĐ-BGD&ĐT, ngày 05/4/2006 về Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.
Theo đó, căn cứ vào tình hình, điều kiện thực tế của địa phương, từng khu vực mà các Sở Giáo dục và Đào tạo được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quyền hàng năm quyết định lựa chọn một phương thức tuyển sinh trung học phổ thông trong 3 phương thức:
1. Xét tuyển; 2. Thi tuyển; 3. Kết hợp thi tuyển với xét tuyển.
Hai là, về thời gian tuyển sinh với phương thức thi tuyển được tổ chức sớm hơn so với các năm trước đây đem lại nhiều tiện lợi.
Học sinh mới được học, chắc chắn sẽ nhớ kiến thức và làm bài tốt hơn. Các em đỡ phải vất vả, áp lực, mệt mỏi với chuyện đi học thêm, luyện thi ở các giáo viên.
Các bậc phụ huynh học sinh cũng bớt tốn kém, lo lắng về kinh phí, quản lý các em.
Và các trường trung học phổ thông tham gia tuyển sinh chủ động, thuận lợi hơn về khâu tuyển sinh lớp 10 cho năm học mới.
Ba là, tôi cũng đồng tình với quan điểm, kế hoạch bổ sung thêm môn thi thứ 3 với hình thức bài thi tổ hợp (trắc nghiệm khách quan) của một số địa phương đã, đang thực hiện để định hướng giáo dục toàn diện, giảm bớt tình trạng dạy-học lệch, học tủ của thầy và trò ở cấp trung học cơ sở.
Bởi nhiều nhà trường, thầy cô giáo đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở không thực chất, chủ yếu chạy theo điểm số, thành tích….
Bởi ý thức, tư tưởng đã ăn sâu vào máu thịt của hầu hết học sinh Việt Nam (kể cả sinh viên, người lớn) đó là “không thi, không học”.
Bởi, một chương trình giáo dục hiện đại là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các thành tố: mục tiêu-nội dung-phương pháp và kiểm tra, đánh giá.
Vấn đề mấu chốt ở đây là cách tổ chức đánh giá của nhà trường, địa phương như thế nào để mọi học sinh có ý thức, động lực hơn trong học tập, tự rèn luyện, tránh tình trạng quá tải, gây áp lực, căng thẳng cho học sinh trung học cơ sở, nhất là các em lớp 9.
Theo tôi, trước mắt, bài thi tổ hợp, các địa phương nên chọn từ 2 đến 3 môn thi thành phần là được rồi, còn chọn đến 6, 7 môn thi thành phần là thật sự khó khăn cho học trò lớp 9 hiện nay.
Bởi, chính nhà trường, thầy cô giáo và các em chưa chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho bài thi tổ hợp “đồ sộ”, bao quát gần như toàn bộ các môn học.
Một số thầy cô giáo nêu ra lo ngại rất có cơ sở: thi nhiều môn quá không chỉ gây áp lực cho học sinh mà còn tạo nên cuộc đua, tranh giành, lộn xộn, phức tạp hơn nữa về dạy thêm, luyện thi trong nội bộ giáo viên.
Nói thật một số thầy cô giáo dạy môn Toán, Văn cũng chẳng muốn học sinh lớp 9 phải thi nhiều môn đâu, vì sẽ ảnh hưởng, chi phối đến hoạt động, chuyện “làm ăn” của họ, vốn ổn định lâu nay. Do học sinh phải lo đi học thêm, luyện thi các môn khác.
Quảng Ngãi sẽ công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 vào cuối năm học |
Còn một số giáo viên môn khác lại phấn khởi, mừng thầm vì môn dạy học của mình giờ trở nên có “giá”, chỉ cần vài “chiêu” thôi, phụ huynh cho con em đi học thêm mình ầm ầm.
Do đó, đề thi bài tổ hợp của các địa phương phải ra, thiết kế làm sao mà mọi thí sinh không cần đi học thêm, tốn nhiều công sức mà vẫn làm bài tốt.
Duy trì ổn định cách ra đề thi như thế sẽ góp phần, thúc đẩy giáo dục toàn diện, thực chất, đồng thời đánh tan mối lo ngại, hoang mang trong học sinh và phụ huynh.
Thứ tư là, việc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ngãi đến cuối năm học mới chính thức công bố phương án tuyển sinh vào lớp 10 để tránh tình trạng học sinh học lệch, học tủ, chạy điểm giáo viên dạy học thêm, luyện thi tràn lan…
Tôi cho rằng đây là một quyết định phù hợp, rất đáng để các địa phương khác suy ngẫm và vận dụng.
Cứ để việc dạy học diễn ra bình thường đến cuối năm, coi khâu phương thức thi tuyển sinh vào lớp 10 trở nên nhẹ nhàng, đơn giản, có phải tốt không?