Được giảm thời gian để xét NGND-NGƯT, thầy cô vùng đặc biệt khó khăn vui mừng

13/07/2023 06:32
Diệu Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dự thảo có điểm mới giúp san sẻ gánh nặng với nhà giáo, cán bộ quản lý ở vùng đặc biệt khó khăn khi xét tặng "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú". 

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về “Dự thảo Nghị định Quy định về xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” (gọi tắt là dự thảo). Theo đó, so với quy định hiện hành thì dự thảo có một số thay đổi nhằm hỗ trợ, san sẻ gánh nặng với nhà giáo, cán bộ quản lý ở vùng đặc biệt khó khăn khi xét danh hiệu này.

Trước đây để xét tặng “Nhà giáo nhân dân”, các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 20 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 25 năm trở lên, trong đó có 15 năm trở lên trực tiếp giảng dạy đã được phong tặng “Nhà giáo ưu tú”.

Còn việc xét tặng “Nhà giáo ưu tú” đối với các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 15 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục, cán bộ nghiên cứu giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 20 năm trở lên, trong đó có 10 năm trở lên trực tiếp giảng dạy.

Ngoài ra ở mỗi danh hiệu, nhà giáo, các cán bộ quản lý giáo dục phải đạt đầy đủ các tiêu chuẩn về đạo đức, phẩm chất; bằng khen; tài năng sư phạm và các tiêu chí khác nhau.

Riêng với tiêu chí thời gian, ở dự thảo nêu: “Nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được nhân hệ số 02 khi tính thời gian công tác để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú””.

Như vậy đối chiếu theo dự thảo, thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục ở vùng đặc biệt khó khăn khi xét “Nhà giáo ưu tú” sẽ có điều chỉnh như sau:

Các nhà giáo có thời gian trực tiếp giảng dạy từ 7,5 năm trở lên; cán bộ quản lý giáo dục có thời gian công tác trong ngành từ 10 năm trở lên, trong đó có 5 năm trở lên trực tiếp giảng dạy.

Tương tự nhân hệ số 02 thời gian công tác với việc xét tặng “Nhà giáo nhân dân”.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo điện tử Chính phủ.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp (Sơn La), ông Đoàn Văn Kham cho biết:

Việc nhân hệ số 02 cho thời gian công tác đối với nhà giáo, cán bộ quản lý đang làm việc tại vùng đặc biệt khó khăn là hợp lý.

Giáo viên ở vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhìn chung đều vất vả hơn so với vùng thuận lợi, phải bỏ dành thời gian, công sức cho công tác giáo dục nhiều hơn vùng thuận lợi. Đặc biệt với giáo viên cấp mầm non và tiểu học, thầy cô còn có nhiều công việc bên cạnh việc dạy học ở trường, điểm trường.

Đa số các thầy cô giáo đều phải tham gia làm phổ cập giáo dục, vận động học sinh đến trường, nhiều em đang học bỏ giữa chừng để làm nương rẫy, thậm chí bỏ học lấy chồng ngay từ bậc trung học cơ sở. Khi đó, thầy cô lại phải vận động gia đình, tìm mọi cách thuyết phục, động viên các em trở lại trường.

Hơn nữa, giáo viên dạy học ở vùng đặc biệt khó khăn thì điều kiện về cơ sở vật chất, đồ dùng, thiết bị dạy học cũng thiếu thốn, thường xuyên phải tự làm, sưu tầm đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học để đáp ứng nhu cầu dạy và học.

Việc nhân đôi hệ số thời gian công tác với các thầy cô ở vùng đặc biệt khó khăn khi xét các danh hiệu cao quý không chỉ là sự động viên, khích lệ nhà giáo, cán bộ làm giáo dục mà còn thể hiện việc ghi nhận những nỗ lực, cống hiến của các thầy cô. Việc này cũng giúp giáo viên có thêm động lực để tiếp tục gắn bó với sự nghiệp giáo dục nơi khó khăn.

Ngoài ra, với ý kiến có nên tính nhân hệ số lớn hơn 02 lần đối với nhà giáo công tác tại vùng đặc biệt khó khăn hay không, ông Đoàn Văn Kham nhận định: “Việc nhân 02 lần hệ số khi tính thời gian công tác là phù hợp”, lãnh đạo nói.

Bởi lẽ nếu nhân hệ số lớn hơn, tức là thời gian để xét tên gọi cao quý như “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” ngắn hơn nữa thì thời gian cống hiến là ít, chưa đủ để chứng minh được những đóng góp của nhà giáo để đạt các danh hiệu đó.

Về phía trường học, lãnh đạo Trường Trung học phổ thông Bộc Bố (Bắc Kạn) cũng đồng ý với điểm mới trong dự thảo. Lãnh đạo trường thông tin nội dung trong dự thảo lần này là phù hợp với tình hình hiện nay.

Giáo viên công tác tại địa phương hàng ngày ngoài những vất vả về cuộc sống thì cũng gặp khó khăn trong công tác dạy học, quản lý. Điểm mới trong dự thảo có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy các thầy cô.

Đánh giá dựa trên nhiệm vụ và kết quả giáo dục hàng năm thì các tiêu chí liên quan đến thành tích thi đua như: sáng kiến kinh nghiệm, bằng khen... nhiều thầy cô ở vùng đặc biệt khó khăn có thể đáp ứng được. Nhưng thời gian công tác ở vùng thuận lợi và vùng đặc biệt khó khăn được quy định như hiện hành là chưa hợp lý.

Điều chỉnh trong dự thảo giúp các giáo viên, cán bộ quản lý phấn khởi vì những cố gắng, phấn đấu của mình được công nhận. Cùng với đó, đây cũng là nguồn động lực để các thầy cô, cán bộ quản lý không quản khó khăn, đồng hành cùng ngành giáo dục, nhất là ở vùng III còn nhiều thiếu thốn.

Vị lãnh đạo cũng thông tin thêm, vì ở vùng đặc biệt khó khăn, mặt bằng chung về nhận thức của học sinh còn chưa cao nên giáo viên dù cố gắng nhưng vẫn chưa đạt được thành tích như mong muốn. Thế nhưng với điểm mới này sẽ giúp thầy cô nỗ lực đạt đủ tiêu chí trong tương lai để được xét danh hiệu cao quý.

Được biết, theo dự thảo, nguyên tắc xét tặng danh hiệu cao quý này được xét tặng dựa theo nguyên tắc như sau:

1. Bảo đảm chính xác, công bằng, công khai, dân chủ, tự nguyện trong việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

2. Không sử dụng thành tích đã được xét tặng các danh hiệu vinh dự Nhà nước bao gồm Thầy thuốc nhân dân, Thầy thuốc ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú để đề nghị xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.

3. Các thành tích để xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải đạt được trong thời gian công tác trong ngành Giáo dục.

4. Việc xét tặng danh hiệu “Nhà giáo nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú” phải chú trọng tới nhà giáo trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, giảng dạy; nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục giảng dạy, giáo dục người khuyết tật; nhà giáo công tác ở địa bàn biên giới, trên biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo danh mục do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Diệu Tuyết