Đề xuất tuyển GV trình độ CĐ: Tránh lợi dụng chính sách để tuyển sinh ồ ạt CĐSP

08/11/2022 06:36
Anh Trang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Cần có cơ chế và quy định cụ thể đối với giáo viên cao đẳng được tuyển dụng như cam kết thời gian phục vụ, thời gian tự học để đạt trình độ đào tạo chuẩn.

Trong năm học này, biên chế cho ngành giáo dục đã được bổ sung thêm. Tuy nhiên trước đây, nhiều giáo viên tốt nghiệp cao đẳng trong khi Luật Giáo dục 2019 quy định chuẩn đào tạo hiện nay với giáo viên phổ thông đòi hỏi phải tốt nghiệp đại học. Điều này khiến cho địa phương dù có chỉ tiêu cũng khó tìm nguồn tuyển.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn đến năm 2030.

Bàn về vấn đề trên, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Qui Hợp, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, giải pháp này là cần thiết, phù hợp nhằm giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.

Tính đến tháng 6/2022, Đồng Tháp thiếu khoảng 1.500 giáo viên. Hiện tại, tỉnh Đồng Tháp cũng giống như một số tỉnh thành khác, nhu cầu về đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên cấp tiểu học phục vụ Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 lớn. Tuy nhiên, nguồn tuyển dụng giáo viên từ các cơ sở đào tạo giáo viên còn ít, chưa đảm bảo theo cơ cấu môn học cho các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.

Sinh viên tốt nghiệp sư phạm ra trường của nhiều môn học đăng ký dự tuyển ít hơn so với nhu cầu cần tuyển của địa phương dẫn đến tình trạng mất cân đối trong cung - cầu lao động giáo viên theo môn.

Từ tình hình, nhu cầu thực tế của địa phương, ông Nguyễn Qui Hợp đánh giá: “Theo tôi, việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội ban hành nghị quyết tháo gỡ, cho phép tuyển dụng các giáo viên tốt nghiệp cao đẳng với điều kiện sẽ tự bồi dưỡng để đạt chuẩn trình độ đến năm 2030 là phù hợp, đáp ứng yêu cầu của thực tế”.

Mặc dù cho rằng đây là phương án cần thiết trong giai đoạn hiện tại và cũng phù hợp với lộ trình nâng chuẩn trình độ theo quy định tại Nghị định số 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đồng Tháp) cũng lưu ý:

Luật Giáo dục 2019 đã quy định giáo viên phổ thông phải có trình độ chuẩn được đào tạo là đại học sư phạm hoặc đại học chuyên ngành khác nhưng được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm nên cần cân nhắc tính hợp pháp và hợp hiến của đề xuất.

Nếu thông qua thì Quốc hội nên ban hành nghị quyết chuyên đề, quy định rõ điều kiện, đối tượng, thời gian thực hiện để giải quyết khó khăn trước mắt về đội ngũ giáo viên thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018”.

Theo ông Nguyễn Qui Hợp, việc tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng sư phạm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn vướng về trình độ chuẩn của giáo viên phổ thông theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Nếu được thông qua, để bảo đảm triển khai không bị vướng các quy định về ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì nghị quyết cần tập trung vào một số nội dung, cụ thể như sau.

Thứ nhất, không tuyển dụng đại trà giáo viên cao đẳng cho tất cả các cấp học, môn học; chỉ tuyển dụng cho các cấp học, môn học thực sự còn thiếu.

Thứ hai, quy định cụ thể thời gian thực hiện, không nên kéo dài quá năm 2030.

Thứ ba, có cơ chế và quy định cụ thể đối với giáo viên cao đẳng được tuyển dụng (cam kết thời gian phục vụ, thời gian tự học để đạt trình độ đào tạo chuẩn).

Thứ tư, tránh tình trạng lợi dụng chính sách để tuyển sinh đào tạo cao đẳng sư phạm, tuyển dụng xong lại tiếp tục đề nghị đào tạo đạt trình độ chuẩn.

Chia sẻ quan điểm với vai trò là đơn vị trực tiếp đào tạo, Tiến sĩ Trương Đình Thăng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị cho rằng, tại thời điểm thiếu nguồn tuyển giáo viên như hiện nay thì nên sử dụng nguồn tuyển giáo viên cao đẳng đối với cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Tiến sĩ Trương Đình Thăng nhấn mạnh, trong khoảng thời gian trước, các trường cao đẳng sư phạm là đơn vị chủ yếu đào tạo và cung cấp giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở. Giáo viên sau khi ra trường, tham gia vào công tác giảng dạy đã hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục được giao.

“Các giáo viên cao đẳng sư phạm ra trường có đủ trình độ và được khẳng định bằng thực tiễn thông qua hoạt động giáo dục trong suốt những năm qua. Các trường cao đẳng cung cấp đủ nguồn nhân lực và nguồn nhân lực đó đảm bảo để thực hiện các chương trình giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị nói.

Từ năm 2019, trường cao đẳng sư phạm đã dừng tuyển sinh đào tạo giáo viên tiểu học và trung học cơ sở. Vì vậy, nếu Quốc hội thông qua đề xuất này thì nguồn tuyển giáo viên cao đẳng cũng sẽ không quá nhiều, chủ yếu tạo cơ hội việc làm rộng mở hơn với các sinh viên ra trường năm nay hoặc năm sau (những khóa cuối cùng đào tạo sư phạm tiểu học, trung học cơ sở) và những người học đã tốt nghiệp cao đẳng sư phạm từ trước nhưng chưa được tuyển dụng.

Bên cạnh việc chú trọng vấn đề tuyển dụng, Tiến sĩ Trương Đình Thăng cho rằng, nhà nước nên quan tâm đến chế độ và cải thiện tiền lương, phụ cấp đối với giáo viên. Khi mức lương đáp ứng được nhu cầu cuộc sống, thầy cô mới có thể chuyên tâm cống hiến cho công việc giáo dục, đem lại hiệu quả cao.

Anh Trang