Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu?

14/02/2018 07:59
Nguyễn Cao
(GDVN) - Với tình trạng đang dư thừa và sẽ dư thừa giáo viên khi áp dụng chương trình mới, có lẽ Bộ Giáo dục cần tính đến phương án tạm ngưng đào tạo sinh viên sư phạm.

LTS: Bày tỏ nỗi niềm lo lắng về tình trạng giáo viên có nguy cơ bị thất nghiệp khi áp dụng dạy chương trình phổ thông mới, thầy Nguyễn Cao đã đưa ra quan điểm về vấn đề này.

Qua đó, thầy Nguyễn Cao cũng đưa ra giải pháp nhằm khắc phục tình trạng trên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Mấy chục năm qua, dù có lý thuyết như thế nào đi chăng nữa thì nghề giáo vẫn chưa được xã hội coi trọng để đầu tư, phát triển. Vì thế, đa phần những người theo đuổi nghề sư phạm là con em nông dân hoặc con em những người lao động nghèo.

Thực tế, cuộc sống của một bộ phận người thầy hiện nay nhiều khi cũng lắt lay giữa thời kinh tế thị trường. Người thầy vẫn là một nghề lấy sự đỗ đạt của học trò làm tài sản tinh thần cho riêng mình.

Nhất là những năm gần đây, tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều, nhiều giáo viên đang dạy lại thêm nỗi lo sẽ bị cắt hợp đồng đột ngột.

Nỗi sợ mất việc còn hiện hữu rõ hơn khi chương trình phổ thông mới được đưa vào giảng dạy trong một vài năm tới.

Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu (Ảnh minh họa: vov.vn).
Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu (Ảnh minh họa: vov.vn).

Khi thông qua dự thảo chương trình môn học, trước băn khoăn của nhiều giáo viên về tình trạng thừa giáo viên khi áp dụng các môn học mới. Trả lời những thắc mắc này, Phó giáo sư Tiến sĩ Mai Sỹ Tuấn - thành viên Ban Phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới, Chủ biên chương trình môn Khoa học tự nhiên đã trả lời phóng viên với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam rằng:

Trước hết cần khẳng định, nội dung giáo dục và hình thức tích hợp trong chương trình môn Khoa học tự nhiên về cơ bản không làm thay đổi lớn số lượng giáo viên hiện nay.

Thời lượng dạy môn Khoa học tự nhiên 4 tiết/tuần, 140 tiết/năm học và tổng số tiết của cả cấp học là 560 tiết.

Như vậy thời lượng không có thay đổi nhiều so với chương trình hiện hành nên không làm dư thừa số giáo viên hiện nay hay làm thiếu hụt giáo viên”.

Còn, đối với nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo thì đã trả lời với báo chí trước đây như sau: “Chương trình mới không dẫn đến thừa hoặc thiếu giáo viên. Có thể 1 giáo viên dạy nhiều học sinh và có giáo viên chỉ dạy ít học sinh. Ví dụ, có lớp 40 em, có 20 em phụ thuộc vào số lượng học sinh chọn môn học”.

Thế nhưng, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo mới đưa ra số liệu gần đây thì lại hoàn toàn khác. Khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, số giáo viên dư thừa của các cấp học sẽ là 40.264 người. Trong đó, cấp trung học cơ sở sẽ thừa giáo viên nhiều nhất.

Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu? ảnh 2Mừng vui và lo lắng trước ngày công bố chương trình môn học mới

Trong 4 năm (từ năm học 2020-2021 đến năm học 2023-2024) triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở bậc học này, số giáo viên dôi dư mỗi năm từ hơn 4.000 đến trên 6.000 người.

Vì vậy, đến năm học 2023-2024 khi chương trình mới triển khai đến hết cấp học này, tổng số giáo viên dôi dư lên đến 21.663 người.

Từ số liệu dư thừa này, Bộ đã khuyến cáo các địa phương trong thời gian tới cần tính toán để cân đối giáo viên ở bậc học này, thậm chí có thể dừng tuyển dụng mới.

Đối với cấp trung học phổ thông cũng sẽ thừa 4.508 giáo viên vào năm học 2021-2022 và thừa thêm 4.387 giáo viên vào năm học 2022-2023. Trái ngược với các cấp học ở trên, đối với cấp tiểu học lại vừa thừa, vừa thiếu.

Khi triển khai chương trình mới ở lớp một, năm học 2019-2020, sẽ thừa khoảng 4.700 giáo viên và thừa thêm gần 5.000 giáo viên vào năm học 2020-2021.

Tuy nhiên, cấp học này sẽ có thêm môn Tin học và Tiếng Anh sẽ tăng thêm tiết và dạy tự chọn từ lớp 1 nên 2 môn học này lại thiếu giáo viên rất nhiều.  Hiện cả nước thiếu khoảng 5.610 giáo viên tiếng Anh, 5.600 giáo viên Tin học.

Để đáp ứng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2021-2022 đến 2023-2024, mỗi năm cần tuyển bổ sung khoảng 2.000 thầy cô mỗi môn.

Như vậy, trong những năm tới đây khi chương trình mới được áp dụng thì sẽ có một số môn học mới hoặc tăng thêm tiết như Tin học, tiếng Anh (Tiểu học) và Âm nhạc. Mĩ thuật (trung học phổ thông) sẽ tuyển thêm giáo viên mới. Trong khi, một số giáo viên đang dạy các môn hiện tại chắc chắn sẽ phải ngậm ngùi chia tay với bục giảng.

Hàng chục ngàn thầy cô giáo sẽ đi về đâu, làm gì khi nhiều người đã có hàng chục năm gắn liền với nghề dạy học?

Câu trả lời đang được hình thành trong từng môn học và có lẽ nhiều những thầy cô đang dạy các môn được đưa vào “tích hợp” ở cấp trung học có lẽ sẽ là những người “ra đi” đầu tiên. Bởi, thực tế các môn học này hiện nay cũng đang dôi dư nhiều nhất.

Ai sẽ là người sẽ thuộc dạng tinh giản khi áp dụng chương trình mới? Chắc chắn lại là những giáo viên thân cô, thế cô, những giáo viên nghèo.

Khi dạy chương trình phổ thông mới, hàng chục ngàn giáo viên sẽ đi về đâu? ảnh 3Lần đầu tiên đưa môn Âm nhạc vào chương trình bậc trung học phổ thông

Dù không nói ra nhưng lâu nay ai cũng biết mỗi khi tinh giản, hay cắt hợp đồng thì những người ở lại đa phần là thành phần giáo viên “có điều kiện”.

Những giáo viên “đơn độc” luôn nằm trong diện tinh giản và cắt hợp đồng nhất hay thuyên chuyển. Những trường hợp báo chí phản ánh trong thời gian qua cho ta thấy rõ thực trạng này.

Những năm qua, hàng loạt trường sư phạm được ồ ạt thành lập, đào tạo tràn lan cũng là lúc mà công việc của người thầy trở nên mong manh hơn bao giờ hết. Nhiều sinh viên ra trường phải vô cùng vất vả và tốn kém mới xin được việc làm.

Bây giờ, khi chương trình giáo dục phổ thông mới đã được thông qua đã hiện hữu nguy cơ hàng chục ngàn giáo viên sẽ mất việc. Điều này đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo thống kê và thông tin đến các phương tiện thông tin đại chúng trong những ngày vừa qua.

Từ những số liệu cụ thể và những khuyến cáo từ Bộ Giáo dục là các địa phương tính toán để cân đối giáo viên, thậm chí có thể dừng tuyển mới một số môn thì chắc chắn không chỉ giáo viên đang dạy lo lắng cho tương lai của mình mà những em sinh viên sư phạm đã ra trường, sắp ra trường cũng chẳng lấy gì làm vui trước những thông tin này.

Giáo viên mất việc, sinh viên sư phạm thất nghiệp là cụm từ được nhắc rất nhiều trong thời gian qua và chắc chắn sẽ còn được nhắc nhiều hơn nữa trong các năm sắp tới.

Vì thế, chuyện Bộ Giáo dục đưa ra quy chế từ năm học tới đây chỉ tuyển học sinh giỏi vào đại học và học sinh khá vào cao đẳng sư phạm là một điều không thực tế.

Hơn nữa, với tình trạng đang dư thừa và sẽ dư thừa hàng chục ngàn giáo viên khi áp dụng chương trình mới thì có lẽ Bộ Giáo dục cũng cần tính đến phương án tạm ngưng đào tạo sinh viên sư phạm sẽ hay hơn rất nhiều khuyến cáo các địa phương không tuyển dụng.

Chỉ ngưng đào tạo mới giải được bài toán sinh viên sư phạm thất nghiệp mà lại đỡ lãng phí ngân sách nhà nước, cũng như đỡ làm cho nhiều người dở dang ước mơ của mình đã theo đuổi.

Tài liệu tham khảo:

https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/thua-hon-40000-giao-vien-khi-day-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-721738.vov

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Chuong-trinh-moi-tich-hop-sau-o-lop-duoi-phan-hoa-dan-o-lop-tren-post183365.gd

https://news.zing.vn/thu-truong-gd-dt-se-khong-thua-thieu-giao-vien-post567028.html

Nguyễn Cao