Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?

06/05/2017 07:23
Thuận Phương
(GDVN) - “Em buồn và bất ngờ vì chị Tổ trưởng chuyên môn nói "Có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?" khi chị ngỏ ý muốn xin nâng điểm cho một học sinh”.

LTS: Mùa thi cử cuối năm cũng là lúc phụ huynh học sinh vào mùa "chạy điểm".

Cô giáo Thuận Phương phản ánh thực tế mà nhiều giáo viên đang phải băn khoăn đứng giữa hai lựa chọn “thỏa hiệp hay cương quyết chối từ?”.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Một cô bé đồng nghiệp mới ra trường tâm sự với tôi “Em buồn và bất ngờ vì chị Tổ trưởng chuyên môn nói "Có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế?" khi chị ngỏ ý muốn xin nâng điểm cho một học sinh”.

Nhưng điều em ngạc nhiên hơn lại chính là thái độ của một vài đồng nghiệp khi biết chuyện.

Có người cười “Em nó vừa ra trường còn ngây thơ lắm nên cái gì cũng tỏ ra nguyên tắc”.

"Căn bệnh thành tích" còn nằm ngay trong suy nghĩ của không ít thầy cô giáo. (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)
"Căn bệnh thành tích" còn nằm ngay trong suy nghĩ của không ít thầy cô giáo. (Ảnh minh họa: Báo Đại đoàn kết)

Người khuyên “Em muốn gặp rắc rối hay sao mà từ chối bà ấy? Chuyện này cũng thường thôi mà em, vì mới ra trường nên em thấy lạ chứ ít hôm quen dần chẳng tự động nâng điểm cho học trò ấy chứ”.

Em nói, từ trước đến nay em thường tránh từ “cho” mà thay bằng từ “đạt” trong những lần kiểm tra bài cũ hay chấm điểm cho các em học sinh.

Bởi em nghĩ, số điểm ấy là sự ghi nhận xứng đáng những nỗ lực của học sinh chẳng phải đặc ân của giáo viên để mình tự ban phát.

An ủi cô giáo trẻ, tôi nói rồi em sẽ gặp chuyện này thường xuyên thôi. Vấn đề là em phải biết ứng xử thế nào cho phù hợp vừa không làm mất lòng đồng nghiệp, vừa giữ được cái nguyên tắc của mình. 

Đủ lý do để xin điểm

Người đi xin điểm có đủ thành phần từ vị phụ huynh chưa lần gặp mặt, bạn của bạn đến người thân quen và đặc biệt là những đồng nghiệp, thậm chí là sếp của chính mình.

Nếu với phụ huynh hay một số mối quan hệ khác, giáo viên có thể cương quyết chối từ mà không hề cảm thấy áy náy. Nhưng là đồng nghiệp, là sếp của mình thì từ chối lại chẳng hề đơn giản chút nào.

Với đồng nghiệp họ sẽ giận hờn, dằn dỗi. Nhưng vẫn chưa khổ bằng việc từ chối yêu cầu của sếp thì nắm chắc phần thiệt thòi sẽ đến với bản thân. 

Không ít người đã băn khoăn đứng giữa hai lựa chọn “thỏa hiệp hay cương quyết chối từ?”.

Thỏa hiệp thì yên ổn nhưng nếu làm theo yêu cầu của mọi người lương tâm lại chẳng cho phép.

Bởi như thế sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, tạo ra sự mất công bằng giữa các em học sinh với nhau, tạo ta sự ỉ lại của một bộ phận không nhỏ học sinh khi có người quen, người thân là thầy cô giáo.

Có thể nói lý do xin điểm (hoặc nâng mức hạnh kiểm) của nhiều người lại vô cùng phong phú. Từ những em học sinh có nguy cơ ở lại lớp đến những học sinh gần chạm mức giỏi, mức xuất sắc.

Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế? ảnh 2

"Đừng bắt trẻ con hao tổn trí tuệ vì những con số vô hồn"

Điểm xin nâng đôi khi cũng không nhiều có thể chỉ là 0.1 điểm tổng kết thế nhưng nó lại có sức mạnh làm thay đổi cả bảng xếp loại, vị thứ và danh hiệu.

Theo quy định, học sinh có điểm tổng kết dưới dưới 3.5 mà hạnh kiểm yếu sẽ phải ở lại lớp, nếu hạnh kiểm trung bình được quyền thi lại.

Hay có môn dưới 4.9 mất học sinh tiên tiến, dưới 6.4 mất học sinh giỏi hoặc điểm tổng kết các môn đều trên 8 phẩy nhưng toán, tiếng Việt chỉ đạt 7.9 sẽ không đạt học sinh giỏi…

Điểm thấp quá thì xin được thi lại, người thi lại xin không phải thi, có người xin được tiên tiến, người muốn được học sinh giỏi…

Họ bắt đầu cậy nhờ, tận dụng các mối quan hệ. Với những thầy cô dễ dãi khi có người xin, họ cũng sẵn sàng đồng ý cái rụp vì suy nghĩ “Chẳng đáng bao nhiêu nếu khó khăn quá sẽ mất lòng”.

Nhưng có nhiều thầy cô nguyên tắc và nhất định không chấp nhận chuyện này. Xin không được, có người cậy nhờ chính sếp tác động (điều này tỉ lệ thành công cao hơn) vì phần lớn giáo viên cũng nể (sợ) sếp của mình. 

Có thầy cô bật mí, để khỏi mang rắc rối vào thân nên cứ ghi điểm của học sinh ngay lên phần mềm vnedu (phần mềm theo dõi kết quả học sinh trực tuyến). Khi hệ thống đã ghi nhận điểm số thì giáo viên sẽ rất khó sửa.

Nhưng khổ nỗi, học sinh bây giờ theo dõi điểm của chính mình rất sát. Dù chưa thi nhưng nhiều em cũng có thể phỏng được mình có bị thiếu điểm hay không hoặc thiếu khoảng bao nhiêu phẩy để nhờ người “đi trước một bước”. 

Khi giáo viên tự nguyện nâng điểm 

Điều này chỉ giáo viên mới biết, họ lặng lẽ làm trong thế bắt buộc để bảo vệ chính bản thân mình. Bởi chỉ tiêu chất lượng đưa ra từ đầu năm môn học ấy phải đạt 95% em trên điểm trung bình.

Ghi thêm mấy điểm, có mất gì của em đâu mà em khó khăn thế? ảnh 3

Đây là các tuyệt chiêu không thể ngờ của giáo viên để đảm bảo chỉ tiêu

Chấm bài thi tiên lượng học sinh sẽ thiếu điểm nhiều, giáo viên phải tự mình cấy khống điểm miệng hoặc chấm nới tay các bài kiểm tra để các em đỡ thiếu điểm. 

Thế mới có trường hợp, khi cầm sổ liên lạc có học sinh thốt lên: “Mình lên bảng kiểm tra bài cũ lúc nào mà có 9 điểm ta?”.

Hay có học sinh thắc mắc: “Bài cậu làm như thế mà được những 8 điểm kia à?” “Cô (thầy) này chấm rẻ, đáng ra lỗi này chỉ còn 7 điểm”…

Chúng ta thường hay lên án "căn bệnh thành tích" biểu hiện cụ thể bằng các chỉ tiêu chất lượng áp xuống. Nhưng "căn bệnh thành tích" này còn nằm ngay trong suy nghĩ của không ít thầy cô giáo.

Xóa bỏ chỉ tiêu đôi khi rất dễ, xóa bỏ một nếp nghĩ lại chẳng hề đơn giản chút nào. Có phải vì thế mà bệnh thành tích trở thành căn bệnh trầm kha mà dù cố gắng ngành Giáo dục vẫn chưa thể xóa bỏ?

Thuận Phương