Thực tế cho thấy, trong khi rất nhiều cơ sở giáo dục đại học (ví như Đại học Huế, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Y Hà Nội, Học viện Báo chí và tuyên truyền, Học viện Quản lý giáo dục...) đã thực hiện đúng, nghiêm túc chấp hành Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng đó là “bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường” thì hiện nay vẫn còn không ít cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện Nghị quyết này.
Quan sát đại hội đảng bộ của các cơ sở giáo dục đại học nhiệm kỳ 2020 – 2025 và bầu ra bí thư đảng ủy, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam nhận thấy nhiều bí thư đảng ủy không phải là chủ tịch hội đồng đại học/chủ tịch hội đồng trường. Đơn cử như 2 đại học quốc gia, một số đại học vùng – đây là những cơ sở giáo dục lớn, lẽ ra phải đi đầu trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác thì Bí thư đảng ủy của các cơ sở giáo dục này lại đang giữ vị trí Giám đốc đại học.
Cụ thể: Theo Quyết định số 1158-QĐ/TU ngày 26/7/2021 Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội – Lê Quân được bầu làm Bí thư đảng ủy Đại học Quốc gia Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025. [1]
Tháng 1/2021, ông Vũ Hải Quân được bổ nhiệm giữ chức vụ Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, tháng 8/2020, Phó giáo sư Vũ Hải Quân được bầu giữ vị trí Bí thư Đảng ủy Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020-2025. [2]
Ngày 25/7/2020, Đảng bộ Đại học Đà Nẵng tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025. Ông Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng tái đắc cử Bí thư Đảng uỷ Đại học Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025. [3]
Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Thị Lan giữ chức Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Học viện. [4]
Như vậy, nhiều bí thư đảng ủy không không phải là chủ tịch hội đồng đại học/chủ tịch hội đồng trường theo đúng tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Đây là một trong những Nghị quyết lớn của Trung ương cần phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các cơ sở giáo dục đại học.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (ảnh: Minh Ngọc) |
Nhìn nhận thực tế này, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Hoàng Chí Bảo - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ trương “Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường” là chủ trương rất đúng đắn, có tầm nhìn xa cần thực hiện nghiêm túc.
Đảng lãnh đạo toàn diện, triệt để về đường lối, chủ trương và công tác cán bộ nên bí thư đảng ủy là người nắm đường lối còn chủ tịch hội đồng trường nắm vai trò quản trị, đưa ra các nghị quyết, quyết sách thực hiện đường lối của Đảng và hiệu trưởng là quản lý và điều hành trực tiếp các hoạt động nhà trường theo nghị quyết của Đảng, của hội đồng trường.
Nếu một người đảm đương cả hai vị trí bí thư đảng ủy kiêm giám đốc đại học/hiệu trưởng thì chẳng khác nào vừa đá bóng, vừa thổi còi, dễ trở thành độc đoán, có thể dẫn tới không thống nhất giữa đảng ủy và hội đồng trường, gây khó khăn trong việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục như Đảng và Nhà nước mong muốn. Thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW thì việc tự chủ trong giáo dục đại học mới thực hiện được”.
Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng cần có một cuộc tổng thanh tra, kiểm tra toàn bộ hệ thống giáo dục đại học quốc dân để xem hiện nay có bao nhiêu cơ sở giáo dục đại học đã làm đúng tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW, nơi nào chưa thực hiện đúng thì phải uốn nắn, dùng biện pháp về mặt quản lý để yêu cầu thực hiện nghiêm chỉnh, vì Nghị quyết 19-NQ/TW cũng đã triển khai hơn 4 năm gần đến giai đoạn sơ kết 5 năm.
Đặc biệt, 2 Đại học quốc gia, đại học vùng là những trung tâm giáo dục đại học đầu tàu của hệ thống giáo dục đại học càng cần phải gương mẫu, thực hiện đúng, nghiêm chỉnh Nghị quyết 19-NQ/TW để đảm bảo Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống. Không thể để tình trạng mỗi nơi thực hiện một kiểu, sẽ tạo ra sự không nhất quán, làm xộc xệch kỉ cương và làm chậm tiến trình hướng đến tự chủ do chính sự chậm thay đổi ngay trong nội bộ các cơ sở đào tạo đại học.
Cũng theo Giáo sư Hoàng Chí Bảo, khi bí thư đảng ủy kiêm giám đốc đại học/hiệu trưởng thì quyền lực tập trung trong tay 1 người, họ trở thành người có tiếng nói cao nhất của cơ sở giáo dục đại học trong khi đó đáng lẽ quyền lực đó phải nằm ở hội đồng trường mà chính sau Nghị quyết 19-NQ/TW, Luật giáo dục đại học số 34/2018/QH14 đã cụ thể hoá chủ trương lớn ở Điều 16, 18 và 20 nói rất rõ ràng vai trò, vị trí, nhiệm vụ, trách nhiệm của hội đồng trường, của hiệu trưởng.
Cần thống nhất nhận thức rằng, hội đồng trường là thiết chế quyền lực cao nhất trong nhà trường. Bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch hội đồng trường đảm bảo sự tập trung lãnh đạo của Đảng, đảm bảo dân chủ và quyền làm chủ của mọi thành viên trong trường.
Khi cơ sở giáo dục đại học đã thành lập hội đồng trường thì mọi cán bộ đảng viên, công chức, người lao động trong cộng đồng cơ sở đó phải nhận thức được rằng thẩm quyền cao nhất của nhà trường đó là hội đồng trường. Còn hiệu trưởng là người thực hiện, chấp hành nghị quyết của hội đồng trường trong tư cách một nhà quản lý, nhà quản trị và có thể thay thế nếu không hoàn thành nhiệm vụ hằng năm và nhiệm kỳ do nghị quyết của đảng ủy và hội đồng trường lãnh đạo, chỉ đạo và quyết nghị, trong đó có sự tham gia của hiệu trưởng.
Chưa kể, nếu hội đồng trường nắm quyền thì sẽ điều phối lợi ích của mọi thành viên trong trường một cách công bằng, hợp lý, công khai, minh bạch. Khi bí thư đảng ủy kiêm hiệu trưởng/giám đốc đại học nếu không công tâm khách quan, không tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, không đảm bảo dân chủ và tôn trọng dân chủ thì sẽ có thể lộng quyền, lạm quyền ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo.
"Do đó, tổ chức đảng cấp trên của từng đảng bộ cơ sở giáo dục đại học cần phải siết chặt kỉ cương, kiểm soát tình hình để đảng bộ trường thực hiện đúng Nghị quyết 19-NQ/TW tức là thống nhất chức danh bí thư đảng ủy với chủ tịch hội đồng trường, tách bạch chức vụ hiệu trưởng/ giám đốc đại học ra khỏi chức vụ bí thư để đảm bảo mô hình nhất quán trong toàn bộ hệ thống giáo dục đại học. Đây phải được xem là trách nhiệm, bổn phận của từng đảng bộ khi thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Đảng”, Giáo sư Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.
Được biết, Nghị quyết 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII về “tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” đã nêu:
“Nâng cao hiệu lực, hiệu quả cơ chế hội đồng trường trong các trường đại học theo hướng, hội đồng trường là cơ quan thực quyền cao nhất của trường đại học; bí thư đảng uỷ kiêm chủ tịch hội đồng trường”. Có thể khẳng định Nghị quyết 19-NQ/TW của Trung ương đã nhìn thấy và chỉ đạo rất sớm, rất kịp thời việc kiêm nhiệm này để thực hiện hiệu quả và tiến đến tự chủ đại học toàn diện và hướng đến xóa bỏ bộ chủ quản thay vào đó là hội đồng nhà trường chịu trách nhiệm.
Theo đó, tại Điểm b, Khoản 4, Điều 16 của Luật Giáo dục đại học sửa đổi (số 34/2018/QH14) cũng quy định rõ tiêu chuẩn, việc bầu chủ tịch hội đồng trường và trách nhiệm, quyền hạn của chủ tịch hội đồng trường của trường đại học công lập rằng: “…chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm các chức vụ quản lý trong trường đại học”.
Mới đây nhất, Thông báo 104/TB-VPCP ngày 13/5/2021 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề, nội dung cấp bách cần giải quyết và kiến nghị, đề xuất trong đó có yêu cầu “Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, kiểm tra để bảo đảm thực hiện nghiêm chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về việc chủ tịch hội đồng trường đồng thời là bí thư đảng ủy trường”.
Như vậy có nghĩa là theo tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW; Luật số 34/2018/QH14 có hiệu lực từ 1/7/2019; Thông báo ý kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính thì bí thư đảng ủy sẽ kiêm chủ tịch hội đồng trường, và đây là một trong những nội dung mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng phối hợp với các bộ ngành khác cần quyết liệt chỉ đạo để hoàn thiện bộ máy lãnh đạo, quản trị và quản lý các cơ sở đào tạo đại học đang thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ ngành khác, ngay cả các đại học quốc gia và đại học vùng, nếu giai đoạn đầu không thực hiện kiên quyết, kịp thời và nhất quán theo các Nghị quyết Trung ương sẽ làm chậm tiến độ hướng đến tự chủ và có thể nhiều cơ sở đào tạo đại học sẽ không hoàn thiện được bộ máy như hiện nay đang gặp phải.
Nếu đâu đó còn lý giải bí thư đảng ủy không đủ tiêu chuẩn để được bầu làm chủ tịch Hội đồng trường thì rõ ràng đảng ủy đó phải xem xét lại công tác cán bộ của mình. Bởi bí thư đảng ủy phải là người tiêu biểu nhất, có uy tín toàn diện nhất của cơ sở giáo dục đại học, do đó nếu bí thư đảng ủy đưa ra bầu chủ tịch hội đồng trường mà không trúng thì tổ chức đảng và chính quyền đoàn thể trong trường đều phải rút kinh nghiệm, đều phải tự xem xét, tự đánh giá về thực trạng đoàn kết, nhất trí, công bằng, trách nhiệm của mình.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://www.vnu.edu.vn/home/?C1702
[2] https://vnuhcm.edu.vn/to-chuc-nhan-su_6864/pgs-ts-vu-hai-quan/323439356864.html
[3] https://www.danang.gov.vn/dai-hoi-dang-bo/chi-tiet?id=40168&_c=100000151
[4] https://danguy.vnua.edu.vn/tin-hoat-dong/hoi-nghi-hoc-tap-quan-triet-va-trien-khai-thuc-hien-nghi-quyet-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-dang-43732