"Bộ Giáo dục đang khoán trắng cho các địa phương"

30/03/2020 06:17
Thanh Sơn
(GDVN) - "Đáng lẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc "chống dịch" thì đây phải là văn bản chỉ đạo bắt buộc, quyết liệt".

Để đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19, ngày 26/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên năm học 2019-2020.

Theo đó, hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ các yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật, bài học và học liệu, việc tổ chức hoạt động dạy học qua internet, qua truyền hình.

Trong đối tượng tham gia vào hoạt động này và có liên quan như: cơ sở giáo dục, giáo viên, cán bộ hỗ trợ kỹ thuật, học sinh, phụ huynh, Sở/phòng Giáo dục và Đào tạo đều được phân vai, phân nhiệm rõ ràng.

Nghiên cứu hướng dẫn này,  trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Viết Khuyến - Trưởng ban Hỗ trợ chất lượng giáo dục, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng:

Tinh thần của Thủ tướng trong giai đoạn này là "chống dịch như chống giặc" tuy nhiên nhìn vào văn bản của Bộ thì chỉ mang tính hướng dẫn cho các địa phương tổ chức thực hiện phương thức học tập mới này tức là "khoán trắng" cho địa phương.

Tinh thần của Thủ tướng trong giai đoạn này là "chống dịch như chống giặc" nhưng nhìn vào văn bản của Bộ thì chỉ mang tính hướng dẫn chứ không phải chỉ đạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)
Tinh thần của Thủ tướng trong giai đoạn này là "chống dịch như chống giặc" nhưng nhìn vào văn bản của Bộ thì chỉ mang tính hướng dẫn chứ không phải chỉ đạo. (Ảnh minh họa: TTXVN)

"Trong khi đáng lẽ để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào cuộc chống dịch thì đây phải là văn bản chỉ đạo bắt buộc, quyết liệt yêu cầu các địa phương phải thực hiện, tránh tình trạng địa phương này làm tốt, địa phương khác không triển khai nổi", ông Khuyến nhấn mạnh. 

Ngoài ra, hướng dẫn này của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định, trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viên phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; sử dụng các hình thức phù hợp để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập trên truyền hình.

Về nội dung này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, học qua internet, trên truyền hình đòi hỏi hoàn toàn vào sự tự giác của người học do đó chất lượng bài giảng phải được đánh giá qua 2 yếu tố.

Được lấy kết quả học tập trên internet, truyền hình để xếp loại cuối năm
Được lấy kết quả học tập trên internet, truyền hình để xếp loại cuối năm

Cụ thể, theo thầy Lâm, dù khi dạy trên truyền hình thì địa phương đã phải chọn thầy cô giỏi tuy nhiên cũng cần có sự đánh giá của người học, dựa trên cơ sở đó thì mới đánh giá được bài giảng hiệu quả đến đâu.

Ngoài ra, khi tiến hành kiểm tra kết quả của người học thì phụ thuộc vào cách thức kiểm tra, nếu chỉ dùng câu hỏi trắc nghiệm là chưa đủ, cần có bài thi tự luận thậm chí yêu cầu học sinh làm thí nghiệm rồi tường trình lại (đối với những môn học cần làm thí nghiệm). 

"Nếu làm được như vậy thì kết quả học tập trực tuyến còn tốt hơn học trực tiếp", thầy Lâm nhận định. 

Trước đó, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để tổ chức dạy học trên internet, cơ sở giáo dục cần xây dựng kế hoạch dạy học thực hiện chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ.

Tổ chuyên môn, giáo viên xây dựng các bài học, học liệu để tổ chức dạy học theo kế hoạch của nhà trường; góp ý nội dung bài học và học liệu được tổ chức dạy học qua internet.

Ngoài yêu cầu phải đảm bảo hạ tầng kỹ thuật để tổ chức và quản lý hoạt động dạy học theo hình thức này của giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục còn có trách nhiệm phối hợp với gia đình trong việc tổ chức thực hiện.

Giáo viên khi dạy học trên internet cho học sinh cần tổ chức các hoạt động như: thực hiện nhiệm vụ học tập, trao đổi, thảo luận giữa học sinh với nhau và giữa học sinh với giáo viên.

Đối với dạy học trên truyền hình, ngoài xây dựng kế hoạch dạy học chung cho nhà trường, cơ sở giáo dục cần thông báo thời khoá biểu theo lịch phát sóng các bài học cho giáo viên, học sinh, phụ huynh, để phối hợp tổ chức cho các em học tập.

Cơ sở có trách nhiệm quản lý, giám sát, đánh giá, công nhận kết quả học tập của học sinh trong việc tổ chức dạy học theo hình thức này.

Các giáo viên, ngoài xây dựng kế hoạch, tổ chức, hướng dẫn học sinh học các bài được phát trên truyền hình, cần gửi tài liệu hướng dẫn, giao nhiệm vụ học tập cho các em theo các bài học trước khi được phát trên truyền hình. Quá trình học sinh học trên truyền hình, giáo viên phối hợp với gia đình để hướng dẫn, giám sát các em nhằm đảm bảo chất lượng.

Đối với cả hai hình thức dạy học qua internet và trên truyền hình, khi học sinh đi học trở lại, giáo viên có trách nhiệm kiểm tra, đánh giá mức độ nắm vững kiến thức học sinh đã học qua các hình thức này. Từ đó, giáo viên tổ chức ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức cho học sinh trước khi dạy các bài học tiếp theo.

Học sinh tham gia học tập qua internet, trên truyền hình cần thực hiện đầy đủ nhiệm vụ học tập mà giáo viên giao, nộp báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ học tập để thầy cô nhận xét, đánh giá.

Thanh Sơn