Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai?

09/12/2019 06:00
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Rất nhiều hệ lụy đối với việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học bởi các em còn quá nhỏ tuổi nhưng phải đi học thêm, phải nằm trong sự toan tính của người lớn.

Chuyện dạy thêm, học thêm là vấn đề không mới mà nó đã tồn tại suốt hàng chục năm qua. Giáo viên dạy thêm nhiều, học sinh học thêm lắm đang làm cho bức tranh giáo dục thêm nhiều gam màu khác nhau.

Điều trớ trêu nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư cấm dạy thêm ở bậc tiểu học nhưng ở khu vực đô thị thì chuyện dạy thêm là điều tất yếu mà giáo viên nào cũng hướng tới.

Không chỉ dạy mà giáo viên còn bao trọn gói cả việc ăn uống, đi lại của học sinh trong ngày.

Học thêm ở bậc tiểu học quá nhiều chưa hẳn là điều tốt (Ảnh minh họa: Vietnamnet)
Học thêm ở bậc tiểu học quá nhiều chưa hẳn là điều tốt (Ảnh minh họa: Vietnamnet)

Tại điều 4 của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT ban hành quy định về dạy thêm, học thêm do Thứ trưởng Bộ Gáo dục và Đào tạo lúc bấy giờ là ông Nguyễn Vinh Hiển ký ngày 16/5/2012 đã quy định các trường hợp không dạy thêm rất cụ thể.

Đó là: “Không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống”.

Vậy nhưng, giáo viên các trường tiểu học ở khu vực đô thị có dạy thêm hay không? Chúng tôi khẳng định là đa phần giáo viên chủ nhiệm ở đây đều dạy thêm, kể cả đối với những học sinh đã học 2 buổi/ ngày.

Những giáo viên dạy tiểu học ở khu vực thành thị thường bao trọn gói chuyện học hành, đi lại trong ngày cho học sinh. Sáng, cha mẹ chở các em đến trường, buổi trưa học xong thì thầy cô đưa học sinh về nhà mình ăn uống, nghỉ ngơi. Chiều học thêm, tối cha mẹ đón học sinh tại nhà thầy cô.

Nếu học sinh học buổi chiều, sáng cha mẹ đưa học sinh đến nhà thầy cô để học thêm, trưa thì thầy cô lo chuyện ăn uống và đưa học trò đến trường, chiều tối thì cha mẹ đón con tại trường.

Những học sinh học bán trú cả ngày, chiều tối giáo viên đưa về nhà cho ăn nhẹ rồi lại tiếp tục học thêm. Khoảng 19h30 thì cha mẹ đến đón.

Nhìn chung, nhiều học sinh tiểu học dù học sáng hay chiều đều có những ca học thêm như đã là mặc định. Bởi, học buổi nào, thậm chí học 2 buổi vẫn được giáo viên gợi ý để phụ huynh đồng ý cho đi học thêm.

Những lý do để học sinh bắt buộc phải học thêm

Đa phần lý do đưa ra là do học sinh còn yếu môn này, môn kia, chưa nhanh nhạy trong học tập, rồi bài tập nhiều, học sinh học trên lớp không hết bài…Tất nhiên, một khi mà thầy cô chủ nhiệm đã lưu tâm đến con mình thì đa phần phụ huynh đều lo lắng.

Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai? ảnh 2Giáo viên Tiểu học Cầu Diễn thuê nhà tổ chức dạy thêm

Mỗi nhà có 1-2 đứa con nên rồi phụ huynh cũng đành chấp nhận cho con đi học thêm để bằng bạn, bằng bè và ít bị thầy cô nhắc nhở, than phiền mỗi khi gặp mặt.

Hơn nữa, nhiều phụ huynh cũng bận công việc nên gửi thầy cô cũng là một giải pháp để về nhà không phải kèm cặp mà cũng tiện cho việc đưa đón hàng ngày.

Nhất là tâm lý một số phụ huynh bây giờ sợ con ở nhà nhiều thì thường sa vào điện tử, vào game…Mỗi tháng đầu tư từ 1,5- 2 triệu đồng tính ra cũng nhiều nhưng nó cũng có nhiều thuận lợi bởi vì thầy cô đã bao trọn gói.

Thầy cô dạy trên lớp, mỗi lớp thường có sĩ số từ 30-35 em, chỉ cần kéo được một nửa số học sinh đến nhà mình học là đủ có thêm động lực để mở lớp dạy thêm. Vì vất vả thêm một chút, chịu khó thêm một chút thì tiền thu được từ dạy thêm cũng cao gấp mấy lần lương lĩnh hàng tháng của giáo viên rồi.

Nhìn chung, dạy thêm được sẽ có thu nhập ổn định, đảm bảo được cuộc sống hàng ngày và có thể lo lắng, đầu tư được nhiều việc khác nên gần như giáo viên tiểu học nào ở khu vực đô thị cũng dạy thêm cả. Chỉ trừ giáo viên Mĩ thuật, Âm nhạc và Thể dục mà thôi.

Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT đã việt vị ngay từ ngày ban hành

Việc dạy thêm các cấp học nói chung và cấp tiểu học nói riêng phần lớn là tự phát, là sự thỏa thuận miệng giữa giáo viên và phụ huynh học sinh. Giáo viên cũng chẳng cần phải xin phép mà có xin phép thì cũng đơn giản vô cùng. Làm cái đơn lên hiệu trưởng ký là xong mọi chuyện.

Hơn nữa, ít thì cơ quan chức năng còn để ý, chứ dạy thêm bây giờ nhan nhản khắp nơi. Phụ huynh thì cũng chỉ chú ý chuyện học hành của con mình ra sao, những người không có con học thêm thì cũng chẳng ai hơi đâu mà nói, mà lên tiếng.

Lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục thì cũng ít khi chú ý đến chuyện học thêm của học trò trong địa bàn. Thực tế, con lãnh đạo địa phương, con lãnh đạo ngành giáo dục cũng phải đi học thêm như thường thì ai hơi đâu mà cấm.

Việc dạy thêm, học thêm vì thế mà mặc nhiên tồn tại. Lãnh đạo nhà trường thì họ chỉ chủ yếu quản lý việc giảng dạy chính khóa và tỉ lệ học sinh hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt cuối năm của mỗi lớp mà thôi.

Cấm dạy thêm ở bậc tiểu học, ai cấm, cấm ai? ảnh 3Đủ lý do để dạy thêm, chớ đổ cho sách giáo khoa quá nặng

Hơn nữa, đa phần giáo viên tiểu học họ đều có “mối quan hệ” rất tốt với các thành viên trong Ban giám hiệu nhà trường. Vì khi họ có thu nhập cao thì chuyện ngoại giao, chuyện thăm hỏi lãnh đạo của mình cũng là điều tất yếu, dễ hiểu.

Vậy nên Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT của Bộ ban hành đã không phát huy được tác dụng bởi Bộ thì ở xa quá, ở dưới thì chẳng có ai giám sát, quản lý. Chuyện dạy thêm, học thêm ở tiểu học vì thế mà cứ hiển nhiên tồn tại.

Học sinh tiểu học có cần học thêm không?

Thực tế, giáo viên dạy tiểu học, nhất là lớp 1, lớp 2 có những cái khó nhất định bởi ngoài chuyện dạy chữ còn dạy cho học sinh nhiều thói quen, nền nếp khác nữa. Nhất là có một số phụ huynh chưa có sự quan tâm đúng mực dẫn đến một số em chưa chú tâm trong học hành.

Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng đối với những em yếu trong học tập thì nhà trường có thể phụ đạo cho các em. Bởi, mỗi khối có vài em yếu, nhà trường chỉ cần tập hợp danh sách này và phân công các giáo viên luân phiên phụ đạo thêm cho các em.

Những trường có giáo viên dự trữ thì càng dễ, có thể phân công giáo viên này kiêm nhiệm việc phụ đạo cho học sinh trong trường.

Thực tế, việc kiểm tra, đánh giá học tập của học sinh tiểu học bây giờ theo Thông tư 22 rất đơn giản, mỗi học kỳ chỉ có 2 lần kiểm tra ở giữa kỳ và cuối kỳ, thi học sinh giỏi văn hóa đã xóa bỏ hoàn toàn...

Việc dạy, tổ chức kiểm tra, chấm kiểm tra, đánh giá học trò trong tầm tay của người thầy. Đâu nhất thiết phải hơn thua, phải quá nhiều học sinh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ làm gì.

Thế nhưng, thực tế, việc chạy đua thành tích, việc giáo viên chủ nhiệm xin giáo viên chuyên cho những học sinh của mình ở mức T (hoàn thành tốt) diễn ra khá phổ biến. Bởi, đa phần những em mà học thêm nhưng không đạt mức T ở các môn khác thì giáo viên phải đi xin để cuối kỳ, cuối năm học sinh được khen thưởng.

Rất nhiều hệ lụy đối với việc dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học bởi các em còn quá nhỏ tuổi nhưng phải đi học thêm, phải nằm trong sự toan tính của người lớn.

Trong khi, cái tuổi ấy, các em không chỉ học mà cần có những khoảng thời gian vui chơi, đoàn tụ với cha mẹ, ông bà và những người thân, những bạn bè quanh mình và tập cho các em làm những công việc nhỏ nhất để tạo cho các em nhiều thói quen, nhiều kỹ năng sống cần thiết.

NGUYỄN NGUYÊN