Cảm phục nghị lực của chàng sinh viên bị mất cả 2 tay, đam mê ngành kiến trúc

17/09/2019 06:31
Vũ Ninh
(GDVN) - Mình bị tai nạn cụt 2 tay trước ngày thi đại học một tuần, tất cả như sụp đổ. Nhưng cứ nhìn mẹ khóc khiến em không cầm được lòng, ngồi dậy tập viết lại từ đầu.

Vòng hoa kết từ đôi tay đặc biệt

Nếu ai có dịp dạo phố đi bộ Hồ Gươm mỗi dịp cuối tuần chắc chắn sẽ bị thu hút bởi những tiếng rao trong trẻo: “Vòng hoa đội đầu đây chị ơi, mua vòng hoa đi cháu…”.

Tiếng rao đó là của Dương Hữu Phúc, chàng sinh viên khoa kiến trúc trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Trần Văn Bắc giỏi Vật lý, xuất sắc trong hoạt động hội sinh viên
Trần Văn Bắc giỏi Vật lý, xuất sắc trong hoạt động hội sinh viên

Điều khiến mọi người chú ý nhất đó chính là 2 đôi bàn tay tròn lẳn, trơ xương - đôi bàn tay Phúc đã đánh mất chỉ 7 ngày trước khi diễn ra kỳ thi Đại học do bị tai nạn lao động.

Phúc bồi hồi nhớ lại: “Bốn năm trước, chỉ còn cách ngày thi Đại học 7 ngày.

Lúc đó tôi đang làm tại một xưởng cơ khí để có thêm tiền phụ cho gia đình. Thế nhưng khi đó thì bình oxy phát nổ.

Khi tỉnh dậy thấy mình nằm trong bệnh viện, bông băng quấn kín người. Đôi bàn tay không còn nữa, tôi đã rất hoảng sợ. Mẹ và chị gái thì khóc hết nước mắt”.

Sau vụ tai nạn đó, cánh cổng Đại học dường như đã vụt khỏi tay Phúc. Hai mẹ con ôm nhau khóc trên giường bệnh. Bạn bè nhiều người đến thăm; khi nghe tin bạn đỗ trường nọ, đứa đỗ trường kia, Phúc càng buồn hơn.

Mất 7 tháng Phúc rơi vào cảm giác oán hận, trầm cảm. Đôi bàn tay bị thương quá nặng, phải cắt đến gần khuỷu tay. 

Thế nhưng cảm giác đó chưa là gì khi Phúc biết rằng mơ ước và đam mê của mình có thể bị dập tắt vĩnh viễn.

Phúc bán vòng hoa trên phố đi bộ để đỡ đần mẹ (Ảnh:NVCC)
Phúc bán vòng hoa trên phố đi bộ để đỡ đần mẹ (Ảnh:NVCC)

Phúc nhớ lại khoảng thời gian mà mình phải tập ăn, tập xúc từng thìa cơm như một đứa trẻ lên 3. Đã có những khoảng thời gian Phúc nghĩ tiêu cực: Mình là người vô dụng, là gánh nặng cho gia đình.

Phúc nói: “Vì hoàn cảnh gia đình nghèo cho nên em phải làm thêm các công việc để có thêm thu nhập. 

Không muốn cả đời phải dựa vào mẹ cho nên mọi sinh hoạt em cố gắng dùng tay giả nhưng nhận ra các khớp nối khó khăn và không có cảm giác nên em quyết định dùng phần tay cụt.

Thời gian rảnh rỗi em làm vòng hoa để đem lên phố đi bộ bán. Thu nhập không nhiều nhưng cũng đỡ đần được mẹ phần nào”.

Hiện nay, hai mẹ con Phúc đang thuê một căn phòng trọ nhỏ dưới chân đê ở quận Hai Bà Trưng để tiện cho công việc học tập tại trường. 

Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng Phúc là một người lạc quan, giàu nghị lực và ý chí vươn lên.

Bị mất cả 2 tay nên sinh hoạt và học tập của em gặp nhiều khó khăn (Ảnh:NVCC)
Bị mất cả 2 tay nên sinh hoạt và học tập của em gặp nhiều khó khăn (Ảnh:NVCC)

Trên trang facebook cá nhân cậu bạn này thường xuyên đăng tải hình ảnh cuộc sống, công việc, học tập. Đối với Phúc không có một chút mặc cảm nào khi bị mất cả 2 cánh tay. Em vẫn rất tự tin và yêu đời.

“Nếu bạn không thử, bạn sẽ không bao giờ biết được, bạn có thể làm được những gì” – đây là câu châm ngôn yêu thích của Phúc.

Trong đường đời, mỗi chúng ta đều có thể gặp những khó khăn và thất bại. Thái độ sống, thái độ dám đương đầu với nghịch cảnh đôi khi sẽ là chiếc phao cứu sinh để giúp bạn vững tin trên con đường đã chọn.

Phúc cười vui vẻ: “Mình còn sống thì cần sống cho đáng, mọi chuyện phải tốt lên thôi”.

Đam mê cháy bỏng với ngành kiến trúc

Câu chuyện chàng sinh viên bị cụt cả hai tay nhưng vẫn thi đỗ, học tập tốt tại trường khoa Kiến trúc, trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã trở thành câu chuyện truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ theo đuổi đam mê.

Mặc dù bị cụt cả 2 tay nhưng việc học tập của Phúc vẫn có kết quả rất tốt. Nhớ lại quãng thời gian bị tai nạn, Phúc cảm thấy gần như đã đánh mất đi ước mơ trở thành một kiến trúc sư.

Cảm phục chàng trai xứ Nghệ, bán ve chai thi đỗ đại học
Cảm phục chàng trai xứ Nghệ, bán ve chai thi đỗ đại học

Phúc nói: “Sau khi bị tai nạn, khi tỉnh dậy em mới biết mình vĩnh viễn mất đi đôi bàn tay.

Thời gian đầu cũng như bao người khuyết tật khác, em cảm thấy đau đớn, tuyệt vọng và mất hết niềm tin. 

Em không thể làm được gì với đôi bàn tay đã mất, mọi tương lai, dự định tan thành mây khói cả ước mơ trở thành một kiến trúc sư”.

Sau một năm ở nhà, Phúc bắt đầu tập lại cách viết. Năm đó, Phúc quyết định xin mẹ được học tiếp lớp 12 tại một trung tâm giáo dục thường xuyên, viết tiếp những ước mơ còn dang dở.

Năm 2016, Phúc hoàn thành chương trình Trung học Phổ thông và đăng ký vào Khoa Kiến trúc của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. 

Phúc đỗ Đại học trong niềm vui vỡ òa của gia đình, bản thân. Vậy là ước mơ trở thành kiến trúc sư vẫn còn thực hiện được.

Nhiều người thắc mắc? Vì sao một sinh viên bị mất đi cánh tay lại có thể theo học khoa kiến trúc và theo đuổi ước mơ trở thành kiến trúc sư?

Theo Phúc, càng khó khăn bao nhiêu thì càng phải cố gắng gấp bội? Thời gian đầu Phúc tập viết như trẻ cấp 1.

Sau đó học cách sử dụng máy vi tính và những phần mềm thiết kế đồ họa bằng đôi bàn tay khiếm khuyết.

Khó ai có thể tưởng tượng được những khó khăn mà cậu bạn đã phải trải qua khi thao tác máy tính bằng đôi bàn tay tròn lẳn.

Phúc trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ (Ảnh:NVCC)
Phúc trở thành tấm gương truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ (Ảnh:NVCC)

Phúc kể: “Có thể khi nhìn em, mọi người sẽ nghĩ rằng một việc đơn giản hay khó, em không thể làm được nhưng thực ra em vẫn có thể làm được, chỉ có điều là phải làm nó một cách chậm rãi hơn. 

Thời gian đầu mới vào học, do chưa quen sử dụng máy tính trong việc thiết kế, đồ họa, em gặp nhiều khó khăn nhưng may mắn là em được các thầy cô giáo của Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội luôn tạo điều kiện giúp đỡ, chỉ bảo tận tình, động viên em trong suốt quá trình học tập. 

Cộng với sự chăm sóc, lo lắng quan tâm của mẹ, sự chia sẻ của bạn bè và nỗ lực của bản thân, đến bây giờ những khó khăn đó đã vơi bớt phần nào. 

Và cũng may mà làm bản vẽ trên máy tính, chứ nếu vẽ bằng tay thì em chạy dài cũng không theo kịp các bạn.

Em luôn tự ý thức rằng, bản thân mình đã thua thiệt thì phải cố gắng gấp đôi, gấp ba lần người khác mới đạt được thành công, trở thành một Kiến trúc sư giỏi và cũng là để không phụ lòng mong mỏi của những người yêu quý em”.

Cậu bạn đầy nghị lực, lạc quan và yêu đời (Ảnh:NVCC)
Cậu bạn đầy nghị lực, lạc quan và yêu đời (Ảnh:NVCC)

Nhờ nghị lực và quyết tâm, việc học tập tại trường của Phúc rất thuận lợi. Em luôn hoàn thành các môn học với thành tích tốt, được thầy yêu, bạn mến.

Chia sẻ về dự định trong tương lai Phúc nói: “Mơ ước của em là sau khi tốt nghiệp ra trường, em xin được việc làm ngay, có tiền và thuê được một căn nhà trọ rộng rãi hơn, mát mẻ hơn để mẹ có chỗ nghỉ thoải mái khi đi làm về. 

Xa hơn, em cũng mong ước xây được một ngôi nhà 02 tầng để hai mẹ con ổn định hơn. Rồi còn lập gia đình cho mẹ yên tâm nữa”.

Câu chuyện về chàng sinh viên đầy nghị lực Dương Hữu Phúc khép lại, bên tai chúng tôi vẫn còn văng vẳng tiếng rao “Ai mua vòng hoa đây”…

Nếu bạn tình cờ đi dạo phố đi bộ và bắt gặp một chàng trai cụt 2 tay đeo những vòng hoa nhỏ xinh trên đầu thì đó chính là Dương Hữu Phúc và hãy lấy đó làm động lực để sẵn sàng bước tiếp.

Vũ Ninh