Chỉ học những môn thi con chúng tôi đã vật vã lắm rồi, các thầy cô ơi!

27/02/2018 06:22
Nam Phương
(GDVN) - Mới chỉ học những môn thi mà cả ngày gia đình chúng tôi còn chưa gặp nhau. Nếu môn học nào thầy cô cũng áp lực thế, con trẻ chỉ còn biết ăn và ngủ ngay tại bàn

LTS: Sau bài viết "Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận" của tác giả Đăng Bình, với mong muốn tiếp tục bàn luận về vấn đề ôn luyện của các em học sinh lớp 12, cô giáo Nam Phương đã có bài viết chia sẻ. 

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Đọc bài “Tăng tốc học thi, học trò cuối cấp vật vờ đói ngủ, thầy cô ngao ngán, tức giận” của tác giả Đăng Bình đăng trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 25/2 chúng tôi vô cùng đồng cảm.

Bài báo đã phản ánh đúng thực trạng việc học tập và sinh hoạt của học sinh đặc biệt là những cô cậu học trò cuối cấp bậc trung học phổ thông hiện nay.

May mắn hơn những học sinh được tác giả phản ánh trong bài, con cái chúng tôi hiện đang được học trong một ngôi trường khá nổi tiếng của thị xã.

Do có sự cạnh tranh với một số trường trong khu vực nên nhà trường cũng đã nới lỏng việc kiểm tra những môn học không thi.

Thế nhưng chỉ học những môn thi con chúng tôi đã vật vã học hết cả ngày đêm.

Các em học sinh miệt mài học tập, ôn luyện (Ảnh minh họa: Công Hùng).
Các em học sinh miệt mài học tập, ôn luyện (Ảnh minh họa: Công Hùng).

Du di những “môn phụ”

Theo quy định, không có môn học nào là chính, môn nào là phụ. Tất cả những môn được dạy trong nhà trường đều có vị trí như nhau.

Thế nhưng có một quy định bất thành văn ngay cả với giáo viên và học sinh “môn học nào học sinh không đăng kí thi tốt nghiệp và đại học thì môn ấy sẽ được xem như môn phụ”. Có sự phân biệt chính phụ để các em biết sắp xếp thời gian học và ôn tập một cách hiệu quả.

Thế là học sinh bậc cuối cấp đặc biệt là học sinh lớp 12 sẽ được nhà trường du di hoặc đặc cách “ngầm” cho những môn học được xem là phụ.

Có được “lệnh” ngầm này kể từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho lấy kết quả điểm tổng kết cuối năm của học sinh lớp 12 tham gia vào việc xét tốt nghiệp.

Có ý kiến cho rằng “nếu làm găng trong việc đánh giá xếp loại thì học trò mình chịu thiệt và chính nhà trường cũng bị thiệt thòi so với trường khác”.

Chỉ học những môn thi con chúng tôi đã vật vã lắm rồi, các thầy cô ơi! ảnh 2Thầy Nguyễn Cao lên án giảng dạy và học tập chỉ hướng tới việc thi cử

Chuyện du di hay đặc cách được mọi người hiểu ngầm với nhau như việc giáo viên tạo điều kiện cho học sinh đủ điểm ít nhất là trung bình.

Có nhiều cách du di như dễ dãi trong việc cho điểm miệng (đặt câu hỏi dễ, kiểm tra báo trước, cho điểm “phóng tay”).

Với những bài kiểm tra 1 tiết đa phần thầy cô làm lơ (kiểu bật đèn xanh) cho học sinh tự do trao đổi bài, tự do quay bài của bạn hoặc tha hồ quay copy tài liệu…

Dù nhà trường, thầy cô đã “tâm lý” du di như thế nhưng con cái chúng tôi vẫn phải học tối ngày mà chẳng còn chút thời gian dành cho việc nghỉ ngơi.

Trò khốn khổ, mất thời gian vì học buổi hai

Học sinh sợ, ám ảnh khi phải đi học cả ngày. Chị Lan Chi bộc bạch: “nhiều trường trung học phổ thông hiện nay đã tổ chức dạy buổi hai cho học sinh thực chất đây cũng chỉ là kiểu dạy thêm trá hình.

Những môn học được chọn để dạy là Toán, Văn, Anh văn, Lịch sử, Địa lý, Vật lý. Một số học sinh cho rằng việc nhà trường buộc các em học những môn bắt buộc như thế đã gây cho các em nhiều áp lực đặc biệt tốn khá nhiều thời gian vô ích”.

Có em chỉ cần ôn chuyên sâu 2 môn thì cũng phải học hết 6 môn. Có em thi ban A nhưng vẫn phải học thêm cả Sử và Địa…

Thế nên lên lớp học buổi hai, khá nhiều em nói rằng mình chỉ ngồi cho đủ chỗ chứ không thể tiếp thu thêm được nhiều vì giáo viên dạy kiểu đại trà, kiến thức chỉ nằm trong sách giáo khoa có ôn tập cũng chỉ ở mức độ kha khá. Trong khi không ít học sinh cần ôn luyện nâng cao.

Chỉ học những môn thi con chúng tôi đã vật vã lắm rồi, các thầy cô ơi! ảnh 3Học sinh vào mùa “tụng kinh”

Chị Hòa, phụ huynh của em Thùy cho biết “con tôi muốn thi vào y khoa nhưng phải đi học ôn cả Sử, Địa trong khi lại không có môn Sinh và Hóa. Mà Sử và Địa cháu chỉ cần đạt trung bình nên chẳng mất thời gian đầu tư ôn tập cho nhiều.

Nhưng quy định học buổi 2 phải học ôn tất cả các môn như thế. Vì vậy, sau giờ học trên trường nó phải đi học thêm ở ngoài là lẽ đương nhiên”.

Cùng suy nghĩ như chị Hòa, nhiều phụ huynh cũng bức xúc “nhà trường tổ chức dạy buổi 2 nên cho học sinh đăng kí môn ôn tập theo nhu cầu. Chứ cứ bắt ôn kiểu “giã cào” thế này há chẳng phải lãng phí công sức của phụ huynh hay sao?”.

Một học sinh lớp 12 cho biết: “Không ôn tập bên ngoài sẽ chẳng đủ kiến thức đi thi. Nếu học trong sách giáo khoa chỉ đạt mức 5, 6 điểm làm sao đủ điểm đỗ vào trường top trên? Vì thế muốn đỗ đại học chỉ có nước phải học miệt mài”.

Chị Mai Lan cho rằng: “Mới chỉ học những môn thi mà cả ngày gia đình chúng tôi còn chưa gặp nhau. Nếu môn học nào thầy cô cũng áp lực thế, con trẻ chỉ còn biết ăn và ngủ ngay tại bàn học mà thôi”.

Nam Phương