Con sợ học thêm trên trường lắm rồi!

06/11/2017 07:56
Hồng Đăng
(GDVN) - Nhiều em nói rằng “Con thèm một giấc ngủ mà không có được. Ước gì ngày mai là chủ nhật”.

LTS: Phản ánh nỗi khổ của học sinh khi phải đi học thêm tối ngày và những bức xúc của phụ huynh, nhà giáo Hồng Đăng kiến nghị các cơ quan chức năng cần thực hiện kiểm tra, giám sát để các trường học thực hiện đúng quy định của Bộ giáo dục và Đào tạo.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Công văn số 4718/BGDĐT-GDTrH  có hướng dẫn cụ thể việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày đối với bậc Trung học phổ thông.

Cụ thể, việc dạy học 2 buổi/ngày ở các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục;

Đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh;

Hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh.

Công văn cũng nêu rõ, việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày chỉ được thực hiện ở những nơi học sinh có nhu cầu, cha mẹ học sinh tự nguyện cho con em tham gia học tập; được sự đồng ý của cấp trên có thẩm quyền quản lý trực tiếp của ngành giáo dục và địa phương.

Chỉ được tổ chức vào các ngày trong tuần (từ thứ 2 đến thứ 7); không gây “quá tải” đối với học sinh.

Hình biếm hoạ về dạy thêm học thêm của Satế
Hình biếm hoạ về dạy thêm học thêm của Satế

Thế nhưng nhiều địa phương trong cả nước đang lợi dụng sự ra đời của công văn này để tổ chức dạy thêm trong nhà trường mà bất chấp sự phản đối của học sinh và gia đình các em.

Việc dạy học 2 buổi/ngày, không làm hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm trái lại gây thêm nhiều căng thẳng mệt mỏi, tạo nhiều áp lực nặng nề cho chính học sinh và gia đình các em.

Lịch học dày đặc

Hãy nhìn lịch học của một học sinh bậc Trung học phổ thông để thấy được các em đã phải chịu áp lực như thế nào.

Sáng học chính khóa, học sinh ở gần về nhà nhưng học sinh ở xa trường khoảng 20 cây số phải ở lại buổi trưa ngoài quán để đợi học tiếp buổi chiều.

Tan học giờ chiều, các em chỉ chạy vội đâu đó ăn vài thứ lót dạ là lao vào lớp học thêm.

Em học một ca ra về khoảng 7 giờ tối. Em học 2 ca hơn 9 giờ đêm mới tới nhà. Rồi ăn uống, tắm rửa xong còn phải chuẩn bị bài cho ngày hôm sau.

Nhiều em nói rằng “Con thèm một giấc ngủ mà không có được. Ước gì ngày mai là chủ nhật”.

Con sợ học thêm trên trường lắm rồi! ảnh 2

Không được ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm

Chị Lan Anh, mẹ cô bé Thu Hà - một học sinh lớp 12 ở Bình Thuận, cho biết:

Mới học cả ngày được hơn một tháng mà con tôi đã sụt mất mấy kí lô.

Có hôm đi học về, thấy con nằm vật trên giường ngủ vùi không chịu ăn uống mà thấy xót xa.

Tôi nói con, học để sống hay để chết mà phải hành hạ tấm thân như thế nhưng nó không nghe.

Nó bảo học 2 buổi là quy định của nhà trường ai vi phạm sẽ hạ hạnh kiểm, nghỉ học nhiều sẽ buộc thôi học.

Không học bài cũ thì lên trường bị vào sổ đầu bài, nghe giáo viên ca thán còn đau đầu gấp nhiều lần hơn”.

Mẹ em Tuấn Anh thì phàn nàn:

Nếu học cả ngày thì cần gì đi học thêm vào buổi tối?

Nó làm tôi bất ngờ khi nói rằng “mẹ muốn con rớt đại học chắc? Học buổi 2 với tụi con cũng chẳng được gì vì học với những giáo viên mà mình không thích”.

Không phải chỉ con chị mà khi được hỏi phần đông các em học sinh đều nói thế.

Nhà trường không cho học sinh chọn giáo viên mà giữ nguyên những thầy cô dạy buổi chính khóa.

Không phải trong trường, giáo viên nào cũng có khả năng ôn thi đại học, dạy nâng cao kiến thức bên ngoài, không phải ai giảng bài cũng hiểu cũng giúp học sinh hứng thú học tập.

Có những thầy cô kiến thức rộng nhưng kĩ năng sư phạm yếu, học sinh cũng không thể theo học.

Nay buộc phải học với những giáo viên mình không tín nhiệm thì có học cũng như không.

Vì chuyện này dù có ôn tập ở trường thì nhiều em vẫn phải tìm kiếm thầy cô giáo khác dạy thêm cho mình.

Con sợ học thêm trên trường lắm rồi! ảnh 3

Con quay như chong chóng, tối mắt tối mũi vì lịch học, có cha mẹ nào biết không?

"Thấy con đêm nào cũng về đến nhà hơn 8 giờ tối, về ăn vội chén cơm, tắm rửa rồi hối hả lên học bài đến tận 12 giờ đêm thậm chí có hôm thức học đến tận 2 giờ sáng mà xót xa".

Chị Lan Anh cũng bức xúc nói thêm, với lực học của con tôi, chuyện thi tốt nghiệp nằm trong tầm tay nên chẳng nhất thiết phải ôn mấy môn Văn, Sử…

Cháu chỉ cần luyện nâng cao Toán, Lý, Hóa, Anh để xét đại học nhưng học 2 buổi ở trường học sinh lại phải buộc học tất cả những môn mình không có nhu cầu.

Chị Mỹ Dung cho biết, con gái chị học cả thảy 8 buổi trên trường và đăng kí học thêm ở nhà với 3 thầy cô dạy vào buổi tối.

Một môn 2 buổi vị chi hết 6 buổi tối học thêm. Thế là một tuần cháu chỉ được nghỉ có 2 buổi ở nhà ôn bài.

Nghe nói học thêm ở trường là tự nguyện nhưng nhà trường nơi đây lại buộc học sinh đi học thế này có phải đang vi phạm về việc dạy thêm học thêm không?

Không cho con đi học buổi chiều nhà trường kỉ luật mà cho con đi học liền tù tì thế này cũng thấy khổ con quá”- chị Mỹ Dung cho biết thêm.

Có không ít người thắc mắc “Học sinh không thích học buổi 2 vậy ép để làm gì?”.

Đằng sau việc dạy thêm buổi 2

Dù mức học phí nhà trường thu học sinh thấp hơn mức học phí các em đi học bên ngoài nhưng nhờ bắt buộc trò đi học thế này nên số tiền nhà trường thu được khá cao.

Bởi thế, mức tiền chi trả cho giáo viên cũng khá lớn.

Con sợ học thêm trên trường lắm rồi! ảnh 4

Học thêm trong nhà trường và những “bí kíp” kéo học sinh đến lớp

Những giáo viên dạy giỏi, uy tín, đương nhiên không thích nhà trường tổ chức dạy thêm kiểu này vì họ dạy ở nhà cũng chẳng hết học sinh.

Ngược lại, những giáo viên có chuyên môn làng nhàng thì đây là cơ hội kiếm tiền cho họ.

Bởi ở nhà chẳng ai đăng kí học.

Riêng Ban giám hiệu nhà trường nếu tổ chức được việc học sinh học 2 buổi/ ngày sẽ thu được một món hàng tháng đôi khi lớn hơn cả tiền lương.

Một giáo viên chia sẻ, giáo viên dạy, được trả đôi khi còn thấp hơn mức kế toán, hiệu trưởng nhận được.

Có thể nói, Công văn số 4718/BGDĐT-GDTrH ra đời đang tạo điều kiện cho một số cá nhân tư lợi riêng mình mà bỏ qua quyền lợi chính đáng của các em học sinh.

Từ thực tế đó, chúng tôi khẩn thiết kêu gọi Sở Giáo dục tỉnh Bình Thuận cần phải có cuộc thanh kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc lấy ý kiến của tất cả học sinh và phụ huynh các em.

Nếu thật sự việc dạy học 2 buổi/ngày ở bậc Trung học phổ thô không hiệu quả, không nhận được sự đồng thuận của học sinh thì cũng cần được dẹp bỏ.

Hồng Đăng