Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có nghiên cứu nghiêm túc về dạy thêm, học thêm

28/06/2016 08:32
Trần Nghĩa Sơn
(GDVN) - Theo tôi, vấn đề dạy thêm, học thêm cần có sự nghiên cứu nghiêm túc từ Bộ GD&ĐT, nhằm đưa ra giải pháp phù hợp với thực tiễn.

LTS: Có nhiều ý kiến xoay quanh chuyện dạy thêm, học thêm. Hôm nay, trong bài viết này, thầy giáo Trần Nghĩa Sơn thẳng thắn nhìn nhận những mặt tích cực, tiêu cực của việc dạy thêm học thêm thông qua kết quả lấy ý kiến từ học sinh, phụ huynh, giáo viên và nghiên cứu về nền giáo dục các nước trên thế giới. 

Từ đó, tác giả cho rằng, đã đến lúc ngành giáo dục cần có giải pháp thực tiễn thì mới có thể giải quyết “vấn nạn” (theo quan điểm của một số người) này. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết. 

Công trình nghiên cứu hiếm hoi về học thêm

Viện Nghiên cứu giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh đã có công trình “Nghiên cứu những hiện tượng tiêu cực trong dạy thêm, học thêm và đánh giá hiệu quả các giải pháp quản lý đối với các hiện tượng tiêu cực đó trong giáo dục phổ thông ở TP.Hồ Chí Minh” do tiến sĩ Nguyễn Thị Quy, nguyên Phó viện trưởng làm chủ nhiệm.

Trong công trình này, các tác giả đã thực hiện khảo sát 38 trường phổ thông tại TP.Hồ Chí Minh (11 trường tiểu học, 12 trường THCS và 15 trường THPT).

Đối tượng khảo sát là giáo viên, ban giám hiệu, học sinh và phụ huynh.

Do chương trình THCS, THPT còn nặng nên học sinh có nhu cầu học thêm để tiếp thu đầy đủ kiến thức. (Ảnh: Trần Nghĩa Sơn)
Do chương trình THCS, THPT còn nặng nên học sinh có nhu cầu học thêm để tiếp thu đầy đủ kiến thức. (Ảnh: Trần Nghĩa Sơn)

Theo giáo viên, có 3 nguyên nhân dẫn đến việc dạy thêm, học thêm: Do nhu cầu nâng cao kiến thức của học sinh (72,3% đồng tình), do ý muốn của phụ huynh (57,9%) và do chương trình quá tải (32,2%).

Trong đó, giáo viên bậc THCS đồng tình cao nhất, tiếp đến là giáo viên bậc THPT, giáo viên tiểu học và cuối cùng là ý kiến của ban giám hiệu.

Còn đối với phụ huynh, kết quả trả lời các lý do như sau: Do con học lực yếu (17,4%), chuẩn bị cho con thi cuối cấp và Đại học (60,4%), muốn con vào trường chuyên, trường điểm (12,4%), học thêm cho bằng bạn (17,9%), học thêm để được điểm cao (8,1%), do chương trình ở trường bị cắt xén (3,8%) và ý kiến khác (9,3%).

Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có nghiên cứu nghiêm túc về dạy thêm, học thêm ảnh 2

GS Hồ Ngọc Đại: Nếu có công nghệ giáo dục, 30 năm sau sẽ có một dân tộc khác

(GDVN) - Công nghệ giáo dục là lấy trẻ em làm trung tâm chứ không phải thầy giáo. Học là chơi chứ không phải vật lộn đau khổ. Học không thi cử, không chấm điểm.

Lý do cao nhất là chuẩn bị cho con thi cuối cấp và Đại học, còn lý do thấp nhất là do chương trình bị cắt xén (3,8%). Như vậy, phụ huynh cho con đi học thêm là do mong muốn con học giỏi hơn và đạt kết quả thi cao hơn.

Còn đối với học sinh, kết quả trả lời các lý do như sau: Do học lực yếu (23,8%), muốn nâng cao kiến thức (72,6%), thầy cô yêu cầu (1,8%), nhà trường yêu cầu (5,9%), học cho bằng các bạn (14,3%), do cha mẹ bắt buộc (3,2%), động cơ khác (6,3%).

Như vậy, nhu cầu học thêm cao nhất của học sinh là muốn nâng cao kiến thức (72,6%), kế đến là do học lực yếu, còn do yêu cầu của thầy cô là thấp nhất (1,6%).

Qua kết quả trả lời của giáo viên, phụ huynh và học sinh cho thấy, do chương trình THCS, THPT còn nặng nên học sinh có nhu cầu học thêm để tiếp thu đầy đủ kiến thức, phụ huynh lo lắng và mong muốn con, em vượt qua các kỳ thi tốt nghiệp và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nên phải cho con học thêm. 

Theo số liệu ở trên, học sinh học thêm do các lý do như “thầy cô yêu cầu”, “nhà trường yêu cầu” hoặc “cha mẹ bắt buộc” chiếm tỉ lệ thấp hoặc rất thấp. Điều này cho thấy hiện tượng thầy cô “ép” học sinh chỉ là con số rất nhỏ. 

Chuyện dạy thêm, học thêm ở các nước

Trong quá trình viết bài này, người viết đã may mắn được tiếp cận công trình nghiên cứu toàn diện về dạy thêm, học thêm của nhóm tác giả Mark Bray và Chad Lykins. 

Ấn phẩm về giáo dục này là một sản phẩm hợp tác giữa Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục So sánh của Đại học Hồng Kông.

Trong công trình nói trên, học thêm được hiểu chung là giáo dục ngoài luồng (với nghĩa gốc tiếng Anh là cái bóng-shadow), vì nó bám theo theo chương trình học chính khóa. 

Khi chương trình giảng dạy của giáo dục chính khóa thay đổi, chương trình giảng dạy của giáo dục ngoài luồng cũng thay đổi theo.

Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có nghiên cứu nghiêm túc về dạy thêm, học thêm ảnh 3

Những ai còn ủng hộ dạy thêm, hãy đọc những ý kiến này của thầy Nguyễn Tùng Lâm

(GDVN) - Việc giáo viên chạy theo cơ chế thị trường khi đeo đuổi dạy thêm khiến một số thầy cô vi phạm đạo đức nghề nghiệp khi ăn bớt kiến thức trên lớp.

 
Và khi giáo dục chính khóa mở rộng, giáo dục ngoài luồng cũng mở rộng theo. 

Nghiên cứu này cho thấy giáo dục ngoài luồng có một lịch sử lâu dài tại một số vùng trong khu vực nhưng đã phát triển rộng khắp chỉ trong vài thập kỷ gần đây. 

Tại Hàn Quốc, gần 90% học sinh tiểu học tiếp nhận giáo dục ngoài luồng dưới hình thức nào đó; tại Hồng Kông, Trung Quốc, khoảng 95% học sinh trung học phổ thông đi học thêm. 

Số liệu này tại các vùng khác kém phát triển hơn trong khu vực cũng ấn tượng không kém. 

Tại Tây Ben-gan, Ấn Độ, gần 60% học sinh tiểu học đi học thêm; tại Ca-dắc-xtan, số học sinh trung học phổ thông đi học thêm cũng chiếm một tỷ lệ tương đương như vậy. 

Tỷ lệ này có thấp hơn tại một số quốc gia khác, nhưng trong toàn khu vực, giáo dục ngoài luồng đang tiếp tục phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu.

Các tác giả cho rằng một trong những khía cạnh có ích của việc học thêm là nó giúp các em học sinh học kém theo kịp các bạn học của mình, giúp những em học giỏi đạt được trình độ cao hơn. 

Học thêm có thể đóng góp về nguồn lực con người cho phát triển kinh tế, nhiều gia đình coi học thêm là phương thức tích cực để thanh thiếu niên sử dụng thời gian nhàn rỗi của chúng, nếu không các em chẳng biết làm gì. 

Đã đến lúc Bộ Giáo dục cần có nghiên cứu nghiêm túc về dạy thêm, học thêm ảnh 4

Muốn xóa dạy thêm, trước tiên hãy quan tâm đến đồng lương của giáo viên

(GDVN) - Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận 11 Đặng Đức Hoàng, muốn xóa nạn dạy thêm và học thêm, trước tiên hãy quan tâm đến đời sống, đồng lương của giáo viên

Ở khía cạnh tiêu cực, học thêm có thể chi phối cuộc sống của thanh thiếu niên và gia đình các em, làm giảm thời gian có thể dành cho thể thao và các hoạt động khác cũng rất quan trọng cho việc phát triển toàn diện. 

Giáo dục ngoài luồng cũng duy trì và làm cho bất bình đẳng xã hội thêm trầm trọng.

Những gia đình giàu có rõ ràng có khả năng chi trả cho việc học thêm với chất lượng tốt hơn và thời lượng nhiều hơn so với các gia đình nghèo và thu nhập trung bình, sự bất bình đẳng đó có thể đe dọa sự gắn kết trong xã hội. 

Hơn nữa, học thêm có thể làm cho các hệ thống giáo dục suy giảm hiệu quả. 
Nghiêm trọng không kém là tình trạng giáo viên cố ý tiết giảm nỗ lực giảng dạy trên lớp chính khóa để dành sức dạy thêm.

Dạy thêm, học thêm hay hệ thống giáo dục ngoài luồng mang tính phức tạp, đan xen giữa tích cực và tiêu cực. Việc tác động vào dạy thêm, học thêm cần tránh những quyết định hành chính vội vàng, hay ngược lại, là thả nổi vấn đề.

Người viết bài này cho rằng, nên chăng Bộ GD&ĐT cần có nghiên cứu nghiêm túc về vấn đề dạy thêm, học thêm ở nước ta hiện nay, để có thể đề ra những chủ trương, quy định phù hợp với thực tiễn, nhằm phát huy mặt tích cực của dạy thêm, học thêm và hạn chế mặt tiêu cực của vấn đề này.

Điều chắc chắn là sau mấy chục năm tồn tại, dạy thêm, học thêm đã "ngấm" vào suy nghĩ của rất nhiều người, tạo nên một kiểu "văn hóa học thêm" của người Việt.

Cho nên, một giải pháp căn cơ cho vấn đề dạy thêm, học thêm phải tính tới tác động làm thay đổi "văn hóa" đó.

Trần Nghĩa Sơn