Đại học địa phương và con đường khấp khểnh khó đi

01/06/2018 07:43
Thùy Linh
(GDVN) - Toàn cầu hóa kéo theo sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các cơ sở giáo dục đại học. Điều này gây khó khăn về tuyển sinh cho các trường đại học địa phương .

Các trường đại học địa phương ở Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc thù địa phương. 

Bên cạnh những cơ hội mang lại, bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay cũng tạo ra nhiều thách thức đi kèm. Điều này đòi hỏi các trường đại học địa phương cần phải được đổi mới về công tác đào tạo nhằm nâng cao khả năng thích ứng. 

Trên cơ sở tổng quan về các trường đại học địa phương ở Việt Nam, Phó giáo sư Nguyễn Đức Vượng và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy Viễn (Đại học Quảng Bình) phân tích một số tác động từ toàn cầu hóa đến các trường đại học địa phương.

Được biết, sau hơn 20 năm tồn tại và phát triển, hiện nay cả nước đã có 23 trường đại học địa phương.

Và toàn cầu hóa đã có tác động trực tiếp lẫn gián tiếp đến các cơ sở giáo dục đại học nói chung và các trường đại học địa phương ở Việt Nam nói riêng.

Tuy nhiên, các trường đại học địa phương ở Việt Nam hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do bối cảnh toàn cầu hóa mang lại. 

Ngày 17/5/2018, Câu lạc bộ các trường Đại học địa phương (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tự chủ đại học địa phương trong giai đoạn hiện nay”. (Ảnh: Đại học Hùng Vương)
Ngày 17/5/2018, Câu lạc bộ các trường Đại học địa phương (Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) phối hợp với Trường Đại học Hùng Vương tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tự chủ đại học địa phương trong giai đoạn hiện nay”. (Ảnh: Đại học Hùng Vương)

Cụ thể, Phó giáo sư Nguyễn Đức Vượng và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy Viễn cho rằng, toàn cầu hóa đã kích thích sự phát triển của khoa học - công nghệ, từ đó đòi hỏi lực lượng lao động phải không ngừng nâng cao trình độ để theo kịp sự phát triển của khoa học - công nghệ

Tuy nhiên, với xuất phát điểm còn thấp cả về cơ sở vật chất, trình độ đội ngũ giảng viên và nguồn lực tài chính thì việc đào tạo đáp ứng đúng nhu cầu xã hội theo đúng sứ mạng đã tuyên bố cũng gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo ở các trường đại học địa phương.

Toàn cầu hóa kéo theo sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các cơ sở giáo dục đại học. Điều này đã tạo ra sự khó khăn cho các trường đại học địa phương trong công tác tuyển sinh

Hơn nữa, sức ép cạnh tranh từ nền kinh tế thị trường do toàn cầu hóa mang lại cũng đã làm một số trường đại học địa phương có xu hướng từ bỏ các ngành đào tạo truyền thống đã có thế mạnh từ lâu đời để chuyển sang đào tạo các ngành mới không thuộc thế mạnh của mình nhằm phù hợp với thị hiếu của người học.

Hệ quả kéo theo là sự suy giảm về chất lượng đào tạo và gây thừa nguồn nhân lực do sự không tương ứng giữa cung và cầu của thực tế.

Nhìn nhận từ những nguyên nhân này, Phó giáo sư Nguyễn Đức Vượng và Thạc sĩ Nguyễn Hữu Duy Viễn đưa ra một số giải pháp nhằm đổi mới công tác đào tạo tại các trường đại học địa phương nhằm thích ứng với bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ sở pháp lý đối với các trường đại học địa phương

Hiện nay, vị trí và vai trò của các trường đại học địa phương trong tổng thể hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng và chính thức.

Điều này đã gây ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại của các trường đại học địa phương. 

Đại học địa phương và con đường khấp khểnh khó đi ảnh 2Học sư phạm xong, không xin được việc thì biết làm gì?

Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ cần khẩn trương quy hoạch mạng lưới và phân định chức năng một các đầy đủ cho các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam, trong đó có các trường đại học địa phương. 

Theo chúng tôi, các trường đại học địa phương nên được quy định theo loại hình “trường đại học cộng đồng” với vai trò là “cửa ngõ” nhằm thực hiện các chức năng cơ bản: liên thông và chuyển tiếp để người học địa phương tiếp cận giáo dục đại học (chuyển tiếp vào đại học vùng hoặc đại học quốc gia). 

Để thực hiện được mục tiêu này thì quy chế đào tạo liên thông và chuyển tiếp cần được sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Việc quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ phận cấu thành hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam có một ý nghĩa rất quan trọng trong sự tồn tại, phát triển của các trường đại học địa phương và mối quan hệ, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các bộ phận cấu thành hệ thống cơ sở giáo dục đại học Việt Nam.

Thứ hai, chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên

Với định hướng ứng dụng, tinh gọn kiến thức hàn lâm đồng thời chú trọng đến đào tạo kỹ năng đang được các trường đại học địa phương lựa chọn thì phương pháp tổ chức dạy học cũng có sự thay đổi theo. 

Điều này đòi hỏi đội ngũ giảng viên cần được chuẩn hóa về năng lực chuyên môn, kinh nghiệm từ thực tế sản xuất và năng lực thực hành, kỹ năng tổ chức lớp học phù hợp với yêu cầu mới. 

Đại học địa phương và con đường khấp khểnh khó đi ảnh 3“Bỏ tiền ra là phải tính đến hiệu quả”

Việc chuẩn hóa trình độ đội ngũ giảng viên có thể được thực hiện thông qua việc phối hợp với các doanh nghiệp để giảng viên tiếp cận quy trình công việc thực tiễn hoặc thực hiện các nghiên cứu hợp tác và chuyển giao công nghệ giữa trường đại học với doanh nghiệp về các ngành nghề đang được trường đại học địa phương đào tạo.

Thứ ba, đào tạo bám sát nhu cầu thị trường lao động

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, thị trường lao động ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc đánh giá chất lượng đào tạo.

Do đó, các trường đại học địa phương cần tăng cường khảo sát nhu cầu lao động theo từng ngành nghề làm cơ sở cho việc điều chỉnh, thay đổi cơ cấu, quy mô ngành nghề đào tạo của mình bám sát nhu cầu thực tiễn. Điều này giúp khắc phục tình trạng thừa so với nhu cầu thực tế. 

Đồng thời, các trường đại học địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức, các nước phát triển để trao đổi, chuyển giao công nghệ hiện đại, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực mà địa phương đang có nhu cầu lớn, nhất là lĩnh vực công nghệ cao. 

Vấn đề thiết lập quan hệ với nhà sử dụng lao động (các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) trên địa bàn và lân cận cũng cần được đẩy mạnh. 

Trên cơ sở này sẽ thúc đẩy việc ký kết hợp đồng đào tạo và cung ứng lao động theo nhu cầu, giúp đảm bảo đầu ra, tạo dựng niềm tin, sự hấp dẫn và thuyết phục đối với người học trong việc lựa chọn các trường đại học địa phương để theo học. 

Bên cạnh đó, việc đào tạo ở các trường đại học địa phương cũng cần chú ý đến nhu cầu xuất khẩu lao động của địa phương để tham gia vào tiến trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu lao động của các quốc gia có nhu cầu.

Điều này góp phần thu hút các đối tượng đã tốt nghiệp phổ thông lựa chọn việc học ở các trường đại học địa phương để làm khâu trung gian trước khi xuất khẩu lao động. 

Thứ tư, cân bằng giữa kiến thức và kỹ năng trong đào tạo 

Thực trạng hiện nay cho thấy việc dạy học ở các cơ sở giáo dục đại học còn mang nặng tính hàn lâm, lý thuyết. Trong khi đó, hiện nay các trường đại học địa phương đã dần xác định theo định hướng ứng dụng.

Do đó, các nội dung kiến thức mang tính hàn lâm, lý thuyết nên được tinh gọn để tăng cường thời lượng cho việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng.

Đặc biệt là vấn đề đào tạo ngoại ngữ cho người học được xem là một công cụ quan trọng trong việc hội nhập thì cần phải được quan tâm một cách đúng mức. 

Thùy Linh