Dạy học qua truyền hình, tôi thấy Truyền hình Hà Nội làm khá tốt

09/09/2021 06:48
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đối với những vùng sâu, vùng xa hẻo lánh, truyền hình phát huy được thế mạnh phủ sóng, không cần đường truyền Internet và các thiết bị thông minh mà vẫn học được.

Với thời đại công nghệ 4.0, giáo dục không chỉ dừng lại ở các phương pháp dạy truyền thống là học sinh đến trường để học. Ngày càng nhiều các phương pháp học tập mới ra đời dựa trên các nền tảng kỹ thuật số, một trong số đó là dạy học trên truyền hình. Trong giai đoạn hiện nay khi dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp đã khiến cho các em học sinh phải tạm ngừng đến trường thì việc triển khai dạy học trên truyền hình là phương án tối ưu bởi độ phủ sóng khắp mọi nơi, vùng xâu, vùng xa.

Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với thầy Ngô Quý Thu, người am hiểu giáo dục trực tuyến tại Hà Nội về vấn đề dạy học qua truyền hình. Thầy Thu cho biết: “Học qua truyền hình thuận tiện cho mọi đối tượng, là sự kết hợp giữa âm thanh, hình ảnh nhận được ngay lập tức trên màn hình ti vi, nó đến gần và nhanh hơn nhiều nền tảng trực tuyến khác, cũng như với phương pháp truyền thống.

Đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, truyền hình phát huy được thế mạnh phủ sóng, không cần phải có đường truyền Internet và các thiết bị thông minh mà vẫn học được bởi hầu như nhà nào cũng có ti vi, giúp các em học sinh ở những vùng khó khăn vẫn có cơ hội được trau dồi tri thức. Ngoài ra có thể sử dụng tất cả các thiết bị hỗ trợ âm thanh và hình ảnh khác, kết hợp hiệu quả chúng với nhau như biểu đồ, phim, slide, đồ thị, bảng, máy chiếu… đều có thể được sử dụng trong kỹ thuật giảng dạy qua truyền hình.

Việc dạy học trên truyền hình sẽ giúp cho tất cả mọi học sinh được trải nghiệm bài giảng của những giáo viên giỏi nhất, thầy cô đều là những giáo viên top đầu của địa phương đó được Sở Giáo dục lựa chọn để giảng dạy. Để có thể dạy học trên truyền hình, giáo viên đó chắc chắn phải là người có chuyên môn giỏi. Vì vậy, học qua truyền hình sẽ giúp các bạn học sinh có cơ hội tiếp xúc với phương pháp dạy của đội ngũ sư phạm bậc nhất cả nước”.

Theo thầy Thu: "Việc dạy học trên truyền hình, mọi học sinh sẽ được trải nghiệm bài giảng của những giáo viên giỏi top đầu được Sở Giáo dục lựa chọn để giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Theo thầy Thu: "Việc dạy học trên truyền hình, mọi học sinh sẽ được trải nghiệm bài giảng của những giáo viên giỏi top đầu được Sở Giáo dục lựa chọn để giảng dạy. Ảnh: NVCC.

Có nhiều ý kiến cho rằng học trên truyền hình khó thu hút được người học, không tương tác được nên học sinh nhàm chán, nhiều khi cứ bật ti vi lên rồi để đó dẫn tới việc học không hiệu quả. Về vấn đề này, thầy Thu nói:

“Ví dụ: Kênh của Đài truyền hình Hà Nội, tôi thấy họ ngoài việc phát trên sóng, sau đó bài giảng này lại được đưa lên Youtube để những học sinh nào không kịp theo dõi trên truyền hình sẽ có thể xem lại cho kỹ, đây cũng là bài toán giải quyết được vấn đề xem lại nhiều lần, học sinh có thể gửi câu hỏi đến giáo viên ngay dưới video đó và hầu hết là giáo viên đều trả lời.

Có một điều mà tôi lưu ý, các giáo viên dạy trên truyền hình cần thấu hiểu được đây là môi trường dạy gián tiếp, nên việc giảng bài cần phải được thay đổi để thu hút học sinh hơn so với cách thông thường. Giáo viên chú ý đến giọng nói cần phải truyền cảm hơn, ngoại hình trang phục cũng là một yếu tố thu hút người học, và việc này đã được thể hiện ở những lời nhận xét, góp ý, khen ngợi rất nhiều từ phía học sinh cũng như cha mẹ các em cuối mỗi bài học.

Học trên truyền hình, bản chất của việc này nó đòi hỏi sự chủ động rất cao từ phía học sinh và phụ huynh, muốn thành công phải có sự kết hợp giữa 2 phía giáo viên và gia đình học sinh. Học trên truyền hình, muốn học sinh thấy thú vị hơn thì yếu tố tiên quyết là phương pháp giảng của giáo viên, cách truyền đạt sinh động, dễ hiểu, hơn nữa với khung giờ phát sóng đó giáo viên có bị “gò” vào thời gian không? Bởi nhiều khi giáo viên muốn truyền tải nhưng lại hết thời gian phát sóng, việc này rất cần sự phối hợp, tạo điều kiện từ các đài truyền hình để có thời gian truyền tải trọn vẹn nội dung bài học.

Chính vì vậy, các Sở Giáo dục địa phương cần cân nhắc thấu đáo, cố gắng ưu tiên chương trình phát sóng để làm sao đủ hết học trình của từng môn học, bởi nhiều khi với môn học này cần phải có thời gian và số buổi nhất định thì mới truyền tải được hết kiến thức, nhưng bên truyền hình chỉ sắp xếp được số buổi phát sóng ít hơn, dẫn đến bài giảng của giáo viên không trọn vẹn, có thể giáo viên sẽ phải dạy nhanh hơn để kịp tiến độ, không còn được tự chủ, mất đi tính sáng tạo trong bài giảng. Việc này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự tiếp thu kiến thức của học sinh, nhất là với học sinh cấp I, thậm chí là cả cấp II”.

Các cơ sở giáo dục cần tạo ra các bài học trên truyền hình theo yêu cầu riêng phù hợp nhu cầu cụ thể của từng địa phương. Với những lợi ích đó, việc dạy và học qua truyền hình rất thích hợp để mở rộng và làm phong phú thêm kinh nghiệm học tập của học sinh, tạo sự quan tâm thực sự đối với chủ đề đang được dạy; cung cấp nhiều trải nghiệm khác biệt so với phương pháp học truyền thống; kích thích những học sinh học chậm, thụ động hơn bằng cách phát triển một cách tiếp cận mới với những học sinh này; cung cấp cơ hội học hỏi, tạo ra các sản phẩm có thể cải thiện khả năng học tập”.

Muốn việc dạy học qua truyền hình có hiệu quả, giáo viên cần có những giáo án phù hợp với hình thức dạy này, đây là tương tác một chiều nên rất cần thầy cô chuẩn bị những giáo án, học liệu ngắn gọn, dễ hiểu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Muốn việc dạy học qua truyền hình có hiệu quả, giáo viên cần có những giáo án phù hợp với hình thức dạy này, đây là tương tác một chiều nên rất cần thầy cô chuẩn bị những giáo án, học liệu ngắn gọn, dễ hiểu. Ảnh minh họa: TTXVN.

Cần sự phối hợp chặt chẽ của giáo viên

Cũng về vấn đề này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với cô Nguyễn Minh Ngọc - Giáo viên Trường Trung học cơ sở Đakrông (Hướng Hóa, Quảng Trị). Cô Ngọc nói:

“Để việc học trên truyền hình có hiệu quả, cần phải lưu ý mấy điểm sau: Thứ nhất, cần phải có kênh cho học sinh xem lại, nếu không đăng được trên Youtube thì đài truyền hình cần bố trí phát lại bài giảng đó vào một khung giờ khác, thậm chí phát lại 2 đến 3 lần bởi học qua truyền hình thì học sinh không thể tạm dừng lại được như với học trực tuyến qua thiết bị thông minh. Việc này tôi thấy truyền hình Hà Nội làm khá tốt.

Thứ 2, cần phải có công cụ để “đo” được sự tham gia theo dõi bài giảng của người học, bởi nếu chỉ học qua truyền hình mà không có ra bài tập, không có tiếp nhận phản hồi và giáo viên không thể biết được học sinh có ghi chép hay không, vậy nên rất cần có sự phối hợp với nhà trường và giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn cùng theo dõi bài giảng đó, để sau bài giảng học sinh có thể hỏi trực tiếp các giáo viên của mình về những vấn đề chưa rõ, và cũng thông qua giáo viên sẽ ra bài tập, kiểm tra được học sinh có theo dõi, ghi chép và làm bài tập hay không.

Nếu làm được như vậy thì việc học qua truyền hình mới có hiệu quả, còn nếu không chỉ là “hên xui”, bởi nếu gia đình nào có phụ huynh sát sao với việc học của con thì học qua truyền hình mới có kết quả. Gia đình nào bố mẹ bận, hoặc mải đi làm, phó mặc cho con tự học mà không có được sự trợ giúp từ phía thầy cô và nhà trường thì việc học đó cũng giống như là xem một chương trình trên truyền hình mà thôi, xem xong lại quên hết, nhất là với các con cấp I.

Việc này theo tôi, các Sở Giáo dục cần lên phương án tổng thể ngay từ đầu, phân công giáo viên phải làm những gì khi học sinh kết thúc mỗi bài giảng qua truyền hình, tạo lập sự tương tác sau bài học ra sao, mỗi tiết học đối với cấp tiểu học, hoặc cấp II, cấp III cần bao nhiêu thời gian, phát lại bài giảng mấy lần vào khung giờ nào…có như vậy thì việc phối hợp giữa đài truyền hình các địa phương và giáo viên mới nhịp nhàng, chặt chẽ, đem lại chất lượng cho bài học”.

Cô Ngọc cho biết: “Nếu để so sánh hiệu quả giữa việc học qua truyền hình và việc học trực tuyến qua các thiết bị thông minh, có tương tác trực tiếp thì cũng khó nói.

Nếu học sinh ở khu vực có đường truyền Internet tốt, có đầy đủ thiết bị kết nối đầu cuối, nhà trường có điều kiện tổ chức các buổi học qua các phần mềm được thiết kế riêng cho việc dạy học thì tất nhiên sẽ tốt bởi có sự tương tác, hỏi đáp giữa giáo viên và học sinh, thái độ học tập của các em cũng sẽ nghiêm túc hơn, giáo viên có thể kiểm tra xem học sinh có học, có làm bài tập hay không để kịp thời uốn nắn.

Nhưng với những vùng khó khăn, vùng sâu, đường truyền Internet không có, dân cư chưa có điều kiện mua sắm các thiết bị công nghệ cao thì theo tôi việc dạy học qua truyền hình vẫn là giải pháp căn bản, kết hợp với sự sát sao của giáo viên thì học sinh hoàn toàn có thể tiếp thu được kiến thức, không bị gián đoạn việc học tập, và về mặt truyền thụ kiến thức có thể được đánh giá ngang nhau”.

Cô Ngọc nhấn mạnh: “Muốn việc dạy học qua truyền hình có hiệu quả, giáo viên cần có những giáo án phù hợp với hình thức dạy này, đây là tương tác một chiều nên rất cần thầy cô chuẩn bị những giáo án, học liệu ngắn gọn, dễ hiểu, tránh việc sử dụng quá nhiều chữ nhất là đối với các con cấp tiểu học. Giáo viên cần kiểm soát được tốc độ phát triển của một bài học trên truyền hình. Đôi khi, bài giảng đó diễn ra quá nhanh đối với học sinh đang theo học và tốc độ của bài giảng là không kiểm soát được.

Đặc biệt rất cần sự sát sao, kiểm tra của giáo viên, cũng như giải đáp những thắc mắc về nội dung bài giảng của học sinh, giúp các em tiếp nhận được kiến thức một cách đầy đủ nhất. Có như vậy thì việc học qua truyền hình mới có chất lượng”.

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 ngày 6/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức triển khai năm học mới thích ứng với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn, học tập kinh nghiệm của các nước và điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và truyền thông phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức dạy học qua truyền hình, bảo đảm cho các em học sinh được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng nhất là những nơi dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trước đó, ngày 2/9, Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam ký kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về giải pháp ưu tiên cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở được chuyển sang học đại trà qua các kênh truyền hình cả nước trong mùa dịch Covid-19. Theo Hiệp hội, ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã kiến nghị lên Chính phủ giải pháp cho học sinh, sinh viên được chủ động chuyển sang học đại trà theo phương thức từ xa (bao gồm dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình) ngay trong mùa dịch Covid-19.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Tùng Dương