Dạy học trò tương thân tương ái, chớ có đặt chỉ tiêu bổ đầu đóng góp bao nhiêu

28/10/2020 06:57
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ai muốn ủng hộ bao nhiêu, ủng hộ theo khả năng và bằng chính cái tâm của mình. Với cách làm này, những học sinh không có tiền hoặc có tiền ít cũng đỡ bị mặc cảm.

Trận lũ lụt kinh hoàng vừa qua tại miền Trung đã gây thiệt hại lớn cho người dân. Những mất mát đau thương đã chạm vào trái tim người dân cả nước. Mọi người đều hướng về miền Trung ruột thịt như hướng về người thân yêu trong gia đình.

Học sinh bỏ tiền ủng hộ vào thùng quyên góp (Ảnh CTV)

Học sinh bỏ tiền ủng hộ vào thùng quyên góp (Ảnh CTV)

Khắp nơi, phong trào kêu gọi ủng hộ miền Trung đã lan rộng trong từng nhà, từng khu phố, thôn xóm và trong từng trường học phong trào ủng hộ, quyên góp cũng được phát động một cách rộng rãi.

Phát động phong trào ủng hộ trong nhà trường, giáo viên sẽ giáo dục học sinh tình tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều. Đồng thời cho các em thấy được, chia sẻ, giúp nhau trong gian khó hoạn nạn còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

Tuy thế, nhiều trường học hiện nay đã sai ngay từ hình thức thực hiện việc ủng hộ từ thiện nên sự tự nguyện đã bị triệt tiêu mà thay vào đó là cuộc ganh đua ngầm giữa các cá nhân trong một lớp học và giữa các lớp học với nhau trong một nhà trường.

Trường học triển khai các phong trào ủng hộ thế nào?

Đầu tiên, tổng phụ trách phát động phong trào ủng hộ ngay trong buổi chào cờ đầu tuần.

Trong tuần học sinh các lớp sẽ chủ động nộp tiền cho giáo viên chủ nhiệm. Cuối tuần, giáo viên sẽ tổng hợp số tiền của lớp và mang lên phòng Đội để nộp.

Thực tế cho thấy, giáo viên chủ nhiệm nào quan tâm đến việc này thì gần như lớp học ấy sẽ thu được số tiền ủng hộ nhiều hơn.

Cách mà một số thầy cô chia sẻ là mỗi buổi tới lớp, học sinh sẽ mang tiền lên nộp, giáo viên thu và công bố trước lớp ai ủng hộ bao nhiêu.

Sau đó, thầy cô tuyên dương trước lớp những học sinh ủng hộ nhiều nhằm khuyến khích học sinh còn lại theo hình thức noi gương.

Trẻ nhỏ được khen, được khuyến khích đương nhiên sẽ về đốc thúc cha mẹ cho tiền nhiều mang lên nộp.

Cũng đã có học sinh nộp số tiền khá lớn, giáo viên nghi ngờ điều tra thì hóa ra em ấy lấy trộm tiền của mẹ để nộp với mong muốn được dẫn đầu cả lớp về mức tiền ủng hộ.

Cuộc cạnh tranh ngầm giữa các lớp

Tiền ủng hộ nộp về trường sẽ được ghi điểm cho hoạt động phong trào. Lớp nhiều tiền nhất sẽ nhận điểm thi đua cao, lớp ít tiền đương nhiên điểm thi đua thấp.

Nếu điểm thi đua này liên tục thấp, giáo viên cũng sẽ được hiệu trưởng nhắc nhở vì làm công tác chủ nhiệm chưa tốt. Vì sao lớp của cô A. thầy B. lại thu được nhiều còn lớp cô thì không? Nếu kinh tế khó khăn thì phải khó khăn chung chứ?

Cũng vì chuyện này, một số giáo viên đã tự bỏ tiền túi mình để số tiền quyên góp của lớp được nhiều hơn các lớp khác.

Điểm về hoạt động phong trào cùng với điểm thi đua về nề nếp sẽ là căn cứ để xếp thi đua các lớp vào cuối học kỳ và cuối năm học. Vị thứ này, cũng sẽ ảnh hưởng đến việc đánh giá và xếp loại công tác của giáo viên cuối năm.

Với kiểu làm như trên, đã biến việc ủng hộ tự nguyện thành cuộc cạnh tranh ngầm giữa các lớp, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của một phong trào. Vậy làm thế nào để phong trào ủng hộ mang ý nghĩa tốt đẹp của việc làm từ tâm?

"Bố mẹ em đã ủng hộ rồi"

Năm nay mình dạy lớp 3 ở ngôi trường gần sát chân núi. Trường nghèo, phụ huynh cũng nghèo vì đa số làm nông nghiệp, mà nghề nông gần đây thì lắm dịch bệnh trên cây trồng.

Mấy ngày hôm trước, miền Trung xảy ra thiên tai, mình dành nửa giờ cuối cùng của tuần để dạy học trò câu: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương; người trong một nước phải thương nhau cùng”, cũng như câu “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ”.

Học trò mình nhiều em đỏ hoe mắt khi nghe mình kể lũ lụt miền Trung là thế nào; cảnh nhà ngập, trâu bò chết, bao nhiêu thứ vật dụng của bà con trôi trong làn nước đục.

Chính vì vậy, khi trường phát động quyên góp ủng hộ miền Trung thì các em nhỏ đều kể: “Thầy ơi, em nói với ba mẹ đóng tiền ủng hộ rồi thầy à”.

Có em khoe: “Mẹ em mới bán con gà. Mẹ nói, khi thôn (xóm) tới thu sẽ ủng hộ miền Trung. Học trò nói vậy, mình là giáo viên càng làm gương hơn, mong sao chút lòng đến tay đồng bào. Như thế cũng là ấm lòng và mình đinh ninh tập trung vào giảng dạy.

Cho đến chiều qua, anh giáo viên Tổng phụ trách trực tiếp gặp mình, nói: “Phiền thầy cố gắng thu tiền ủng hộ của các em để nộp cho Tỉnh Đoàn’’ Mình nói: “Bạn không thấy học trò của trường đa số là học trò nghèo ư?

Có em tôi biết bụng đói đến trường vì cha mẹ chúng`đi làm từ sớm. Có em tôi biết, chúng không hề biết quà vặt. Em nào đó, được cha mẹ cho một ít tiền còm để ăn trước khi vào lớp, số đó cũng không nhiều. Vậy ta có nên thu tiền các em khi mà ở địa phương, cha mẹ các em ít nhiều đã đóng khi người của thôn xóm đến từng nhà thu?”.

Anh tổng phụ trách ngây người ra một lúc, rồi lập lại: “ Nhưng trên yêu cầu, à...à... phải thu trên tinh thần ...tự nguyện đó !… thầy không thu thầy phải chịu trách nhiệm, đây là đóng góp cho đồng bào miền Trung”.

Phát động phong trào ủng hộ dưới cờ, để thùng ủng hộ tại sân trường ai ưng bỏ bao nhiêu thì tùy

Phong trào ủng hộ nào được phát động, nhà trường cũng đều nói học sinh nhịn quà sáng để ủng hộ (bởi, các em đã làm gì ra tiền). Vậy nên, để thùng từ thiện tại sân trường, em nào muốn ủng hộ và ủng hộ bao nhiêu sẽ tự động bỏ tiền vào mà không cần phải ghi tên và ghi lớp.

Ai muốn ủng hộ bao nhiêu là tùy, ủng hộ theo khả năng và bằng chính cái tâm của mình. Với cách làm này, những học sinh không có tiền hoặc có tiền ít cũng đỡ bị mặc cảm.

Ủng hộ trên tinh thần tự nguyện nên ai ủng hộ nhiều ít là tùy khả năng của mình. Đừng giao chỉ tiêu, đừng "bổ đầu" bởi cách làm đó sẽ biến ý hoạt động có nghĩa tốt đẹp nhân văn trở thành gánh nặng cho nhiều người.

Đỗ Quyên