Đôi điều cùng tác giả Nguyễn Nguyên qua bài viết về đề kiểm tra môn Ngữ văn 9

03/11/2019 06:54
Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài
(GDVN) - Bài viết trao đổi với tác giả Nguyễn Nguyên về một số đơn vị kiến thức gây tranh cãi trong một đề kiểm tra môn Ngữ văn 9.

Ngày 31/10/2019, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết Đôi điều cùng tác giả Cao Nguyên qua bài: Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?nhằm mục đích trao đổi với tác giả về một số đơn vị kiến thức ở một đề kiểm tra môn Ngữ văn 9 còn gây tranh cãi.

Đa phần, tác giả Nguyễn Nguyên đồng tình với bài viết khi chỉ ra nhiều vấn đề hạn chế về kiến thức của một đề kiểm tra môn Ngữ văn9 (như đã dẫn). Tuy nhiên, có 2 điều mà tác giả Nguyễn Nguyên còn băn khoăn, đó là:

Thứ nhất, ở câu 2 của phần Đọc hiểu, người ra đề đã yêu cầu như sau: “Câu thơ ‘Nao nao dòng nước uốn quanh’ sử dụng biện pháp tu từ nào? Ý nghĩa của việc sử dụng biện pháp tu từ ấy?”.

Tác giả Cao Nguyên cho rằng: “Câu thơ này không hề có biện pháp tu từ nào cả mà chỉ đơn thuần là Nguyễn Du tả cảnh ngụ tình - mượn cảnh vật để diễn tả tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi ngày vui qua mau”. 

Và tác giả Nguyễn Nguyên nêu ý kiến, câu thơ này có biện pháp tu từ bởi, từ láy “nao nao” là phép tu từ “nhân hóa” đã diễn tả nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật, tâm trạng man mác, bâng khuâng, hẫng hụt của chị em Thúy Kiều khi ra về sau lễ hội.

Đề khảo sát chất lượng 8 tuần học kì 1 môn Ngữ văn 9 (Ảnh: Cao Nguyên).
Đề khảo sát chất lượng 8 tuần học kì 1 môn Ngữ văn 9 (Ảnh: Cao Nguyên).

Chúng tôi khẳng định, từ “nao nao” trong câu thơ “Nao nao dòng nước uốn quanh” không hề có phép tu từ nhân hóa nhằm diễn tả tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi ra về sau lễ hội.

Trước hết, phần ghi nhớ của bài “Nhân hóa” được ghi ở trang 57, sách Ngữ văn 6, tập 2 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam như sau:

“Nhân hóa là gọi hoặc tả con vật, cây cối, đồ vật…bằng những từ ngữ vốn được dùng để gọi hoặc tả con người; làm cho thế giới loài vật, cây cối, đồ vật…trở nên gần gũi với con người, biểu thị được những suy nghĩ, tình cảm của con người”.

Chiếu theo định nghĩa trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy, từ “nao nao” trong câu “Nao nao dòng nước uốn quanh” (Trích, Truyện Kiều – Nguyễn Du) rõ ràng không diễn tả nỗi buồn thấm sâu vào cảnh vật, tâm trạng man mác, bâng khuâng, hẫng hụt của chị em Thúy Kiều khi ra về sau lễ hội như tác giả Nguyễn Nguyên hiểu. Bởi, theo nhiều từ điển thì từ “nao nao” được giải nghĩa như sau:

(1) Nao nao (tt): 1. Tối tối, hoang mang. Nghe vậy dầu không sợ chớ cũng nao nao. 2. Quay cuồn cuộn. Nao nao dòng nước uốn quanh (Truyện Kiều – Nguyễn Du). (Từ điển Viện Khoa học xã hội và Nhân văn, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin).

(2) Nao nao đg. 1. Hơi chột dạ, bối rối trong lòng với những xúc động nhẹ và kéo dài. 2. (dòng nước) Chảy hơi mạnh. Dòng nước cuốn nao nao. (Nguyễn Văn Hùng – Thái Xuân Đệ, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin).

(3)Nao nao tt: 1. Lòng xao động vì xúc cảm. 2. Chỉ nước chảy nhanh, mặt nước xao động. (Ngôn ngữ Việt Nam, Từ điển tiếng Việt, Nhà xuất bản Từ điển Bách khoa).

Qua cách giải nghĩa của cả 3 cuốn từ điển thì từ “nao nao” có 2 nét nghĩa: 1) chỉ cảm xúc (tính từ); 2) chỉ dòng nước chảy hơi mạnh (động từ).

Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?
Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?

Cho nên từ “nao nao” trong câu thơ “Nao nao dòng nước uốn quanh” phải được hiểu theo nét nghĩa thứ 2: chỉ dòng nước chảy (hơi mạnh).

Vì vậy, một lần nữa có thể khẳng định, câu thơ này không hề sử dụng phép tu từ nhân hóa mà chỉ đơn thuần là Nguyễn Du tả cảnh ngụ tình - mượn cảnh vật để diễn tả tâm trạng của chị em Thúy Kiều khi ngày vui qua mau. 

Để bài viết khách quan, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một Tiến sĩ ngôn ngữ học (xin giấu tên), nguyên giảng viên của Trường Đại học Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh), là tác giả chủ biên phần tiếng Việt của sách Văn trước thời điểm thay sách giáo khoa năm 2000, thầy khẳng định:

“Câu thơ ‘Nao nao dòng nước uốn quanh’ không sử dụng phép tu từ nhân hóa”. Và thầy cũng giải thích theo như cách hiểu mà chúng tôi đã trình bày ở trên.

Còn Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, giáo viên môn Ngữ văn của Hệ thống giáo dục Học Mãi (Hà Nội) nêu quan điểm, câu thơ này có sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, vì từ “nao nao” được đưa lên đầu câu. (Theo cách diễn đạt bình thường, ta viết: Dòng nước nao nao uốn quanh – tác giả).

Chúng tôi đồng tính với ý kiến của Tiến sĩ Trịnh Thu Tuyết, nhưng trong chương trình Ngữ văn bậc trung học cơ sở, không có bài học nào về phép đảo ngữ cả nên dĩ nhiên học sinh không thể trả lời đúng đáp án này.

Thứ 2, tác giả Nguyễn Nguyên lập luận: “Câu thơ: ‘Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi’ có nghĩa là 63 ngày trôi qua của mùa xuân.

Hiểu như vậy, ta sẽ thấy câu thơ của Nguyễn Du có lý và hoàn toàn đúng chứ không phải giống như tác giả Cao Nguyên và bạn đọc cho rằng Tiết thanh minh ‘thường rơi vào ngày 4 hoặc 5 tùy theo năm’.

Chúng ta nên nhớ rằng, thời Nguyễn Du viết Truyện Kiều và cách tính mùa trong năm thì người ta vẫn dùng tháng, ngày âm lịch (lịch ta) để tính. Lịch tây (dương lịch) có thể thời Nguyễn Du chưa dùng”.

Đôi điều cùng tác giả Cao Nguyên qua bài: Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?
Đôi điều cùng tác giả Cao Nguyên qua bài: Thầy cô ơi, sao lại ra đề Văn lạ vậy?

Theo chúng tôi, câu thơ: “Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, nên hiểu mùa xuân đã sang tháng thứ 3 (nghĩa là 60 ngày đã trôi qua) chứ không phải “63 ngày trôi qua của mùa xuân” thì có lẽ chính xác hơn.

Chúng tôi cũng xin chia sẻ thêm về cách hiểu “tiết thanh minh” trong câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng ba” (Truyện Kiều - Nguyễn Du) với bạn đọc như sau:

Câu thơ “Thanh minh trong tiết tháng ba” phải hiểu là: Tết Thanh minh (diễn ra, xảy ra, hoạt động) trong tiết tháng ba (tiết trời tháng ba).

Tiết tháng ba chính là Tiết Thanh minh (mốc phân chia giai đoạn biến đổi của khí hậu, thời tiết), một trong 24 tiết khí của lịch cổ Trung Quốc.

Lịch pháp Trung Quốc căn cứ vào sự vận chuyển của trái đất xung quanh mặt trời biểu hiện thành từng mốc thay đổi của thời tiết, khí hậu, chia ra thành 24 tiêu chí gọi là Tiết khí hoặc Tiết.

Sở dĩ gọi tên Thanh minh vì trong tiết này trời đất trong sáng, thời tiết bắt đầu ấm áp, dễ chịu, rất thuận lợi cho công việc cấy cày, trồng trọt. 

Tiết Thanh minh còn được gọi là tiết tháng ba vì tuy mỗi năm, đầu tiết cuối tiết có xê xích một vài ngày khác nhau (do vòng quay của trái đất không hoàn toàn tròn), song bao giờ cũng nằm trong tháng ba Âm lịch.

Về sau, người ta tính theo Dương lịch và Tiết Thanh minh được cố định vào ngày 4 tháng 4 Dương lịch.

Thạc sĩ Ngôn ngữ học Phan Thế Hoài