Giáo viên hào phóng ban phát điểm không còn là cá biệt

25/04/2019 06:55
Thảo Ly
(GDVN) - Nhiều giáo viên "cấy, sạ" điểm một cách âm thầm và khéo léo, không phải kiểu “ăn vụng chẳng biết chùi mép” như một giáo viên ở tỉnh Ninh Thuận vừa qua.

Một giáo viên dạy môn Công nghệ tại Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám (Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) đã hào phóng ban phát hàng trăm con điểm 10 cho học sinh khối lớp 9.

Sổ điểm có tất cả học sinh đều đạt điểm 10 môn Công nghệ. (Ảnh: H.L)
Sổ điểm có tất cả học sinh đều đạt điểm 10 môn Công nghệ. (Ảnh: H.L)

Phóng tay cho mưa điểm 10

Cụ thể, lớp 9/2 sĩ số 31 học sinh, mỗi học sinh được cho 3 điểm 10 (2 điểm hệ số 1 và 1 điểm hệ số 2), tổng cộng 93 điểm 10.

Lớp 9/1 sĩ số 32 học sinh thì chỉ mới vào 2 cột điểm hệ số 1 tổng cộng 64 điểm 10, tức là, mỗi học sinh đã được 2 điểm 10…{1}

Điểm 10 hệ số 1 là điểm miệng, điểm 10 hệ số 2 là điểm viết.

Với kiểu cho điểm của giáo viên này, chúng ta dễ dàng nhận thấy đây là cách cho điểm khống mà thầy cô giáo trong nghề hay nói đùa “điểm sạ, điểm cấy”.

Theo quy định, ở những môn học này, một học kỳ học sinh có một lần kiểm tra miệng.

Một tuần có một tiết học, mỗi tiết thầy cô sẽ kiểm tra miệng từ 2-3 học sinh. Nhưng có tiết, thầy cô phải kiểm tra nhiều hơn thế vì có những em lần trước còn nợ (không thuộc bài) xin khất lần sau.

Hết học kỳ 1, cả lớp sẽ đủ điểm miệng. Việc kiểm tra miệng không chỉ lấy đủ điểm miệng theo quy định mà còn nhắc nhở học sinh phải học bài cũ thường xuyên.

Một học kỳ, với môn học này cũng chỉ có một bài kiểm tra 1 tiết. Số điểm học sinh đạt được trong tiết kiểm tra sẽ được nhân hệ số 2.

Tiết kiểm tra được quy định rõ ràng trong phân phối chương trình.

Thế nhưng không hiểu sao giáo viên dạy Công nghệ ở Ninh Thuận lại phải dùng đến thủ thuật “cấy, sạ” như thế này?

Chỉ có thể lý giải, là do vào tiết học thầy cô không bao giờ kiểm tra bài cũ học trò, nên gần hết học kỳ xuống tay “sạ” cho nhanh.

Còn tiết kiểm tra 1 tiết, sao giáo viên không kiểm tra theo quy định?

Có thể là do học sinh làm bài kiểm tra trước đó quá tệ (nhiều điểm thấp) nên giáo viên không sử dụng kết quả của bài kiểm tra ấy vì sợ chỉ tiêu chất lượng môn dạy của mình không đạt nên chọn giải pháp “cấy” cho nhanh và không ảnh hưởng đến thi đua của bản thân mình?

“Cấy, sạ” điểm không còn là chuyện lạ ở các trường học

Giáo viên Công nghệ hào phóng cho học sinh các lớp toàn điểm 10

Chuyện bỏ kết quả bài kiểm tra yếu để “cấy, sạ” điểm cao hay ban tặng “không” những điểm miệng để tránh môn dạy của mình bị nhiều điểm yếu trong thực tế vẫn diễn ra ở nhiều trường học.

Có điều nhiều giáo viên "cấy, sạ" điểm một cách làm âm thầm và khéo léo nên không bị ai phát hiện, không phải kiểu “ăn vụng chẳng biết chùi mép” như một giáo viên ở tỉnh Ninh Thuận vừa qua.

Việc khéo léo thể hiện ở chỗ, mặc dù là điểm “ma”, điểm “cấy, sạ” nhưng căn bản cũng được căn cứ vào học lực, sự tiến bộ của từng học sinh để thầy cô giáo ấy cân đối sao cho hợp lý.

Một số thầy cô giáo cho biết, không bao giờ cho học sinh cùng một thang điểm. Thầy cô sẽ tự đánh giá và cân nhắc để ghi điểm sao cho phù hợp với năng lực riêng của từng em.

Ví như một học sinh có lực học giỏi sẽ được ghi cho điểm 9 hoặc 10. Một học sinh chỉ có lực học khá được ghi điểm 7, 8.

Nhưng một học sinh có lực học trung bình ghi điểm 6 và học sinh yếu kém sẽ được ghi điểm 5 hoặc thậm chí điểm 8,9 (trường hợp học sinh này có các con điểm kiểm tra khác quá thấp).

Xin điểm, chạy điểm thói quen từ dướ

Bởi thế, không ít học sinh biết những con điểm “ma” thầy cô ban tặng cho mình nhưng không thắc mắc vì cũng khá phù hợp với trình độ của các em.

Dẹp nạn “cấy, sạ” bằng cách nào?

Học sinh lười học, coi thường bộ môn cũng một phần do giáo viên thường xuyên"cấy, sạ" điểm cho các em. 

Dù biết là tác hại, nhưng không ít thầy cô vẫn thực hiện. Không phải thương học trò điểm thấp mà thầy cô đang thương chính mình.

Dùng thủ thuật “cấy, sạ” điểm cho học sinh là xuất phát từ việc muốn bộ môn của mình dạy đạt chỉ tiêu chất lượng nhà trường quy định.

Chính căn bệnh thành tích đã “khống chế” hành động của giáo viên.

Bởi thế, muốn dẹp nạn “cấy, sạ” điểm hiện nay ở nhiều trường học đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo ra công văn bãi bỏ một số chỉ tiêu áp đặt như nhiều người đề nghị thì lâu quá.

Từng thầy cô phải biết "nói không với bệnh thành tích" để tự thay đổi mình. 

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/Ban-doc/Giao-vien-Cong-nghe-hao-phong-cho-hoc-sinh-cac-lop-toan-diem-10-post197727.gd

Thảo Ly