Giáo viên mổ xẻ sự vô lí trong đáp án môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục

24/07/2021 07:08
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đáp án có những phần cho không điểm là hạn chế lớn nhất của đề thi môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông nhiều năm qua.

Ngày 9/7, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Tôi thấy đề thi Ngữ văn có những câu hỏi vô duyên, không phù hợp với lứa tuổi 18”.

Bài viết đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận. Chỉ sau ít ngày đăng tải, bài viết đã nhận về hơn 300 ngàn lượt xem, được nhiều trang facebook chia sẻ cho giáo viên, học sinh tham khảo.

Ở phạm vi bài viết này, tôi phân tích thêm những điều chưa đề cập về sự vô lí của đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông mà nhiều năm qua người viết không thấy ai lên tiếng.

Đáp án có những phần cho không điểm

Từ lúc kì thi trung học phổ thông quốc gia bắt đầu (năm 2015) cho đến kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay (năm 2021), đáp án môn Ngữ văn có những điều phi lí, học sinh không cần làm hoặc làm sơ sài nhưng vẫn có điểm, cụ thể ở câu Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học.

Để bạn đọc dễ bề theo dõi, tôi lấy đáp án năm nay (đáp án của những năm trước cơ bản cũng giống vậy) làm căn cứ để phân tích những điều bất cập này.

Thứ nhất, đáp án câu Nghị luận xã hội cho không điểm những nội dung sau: “bảo đảm hình thức đoạn văn” (0,25 điểm). Có nghĩa là, thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng-phân-hợp, móc xích hoặc song hành thì được trọn vẹn số điểm này.

Tuy nhiên, hầu như giám khảo chỉ cần thấy học sinh có viết đoạn văn (chưa cần biết hay, dở, ngắn, dài), lùi đầu dòng và không xuống dòng thì mặc định cho 0,25 điểm.

Tiếp đến, thí sinh “xác định được vấn đề cần nghị luận” (sự cần thiết phải biết cống hiến) thì được 0,25 điểm. Cần biết rằng, nếu thí sinh xác định sai vấn đề nghị luận, chỉ có thể viết lạc đề (không liên quan gì đến sự cần thiết phải cống hiến) hoặc viết lan man, không trọng tâm, sao lại được được điểm phần này?

Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)
Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Tiếp theo, thí sinh “bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt” - được 0,25 điểm. Nhiều hội đồng chấm cho phép thí sinh sai không quá 7 lỗi chính tả, ngữ pháp thì cho trọn điểm. Nhưng nói thật, giám khảo phải chấm hàng trăm bài, rồi có thí sinh làm bài từ 10-12 trang giấy thi, lấy đâu ra thời gian mà đếm lỗi chính tả, ngữ pháp nên hầu như ai cũng được điểm.

Điều đáng nói là, phần sáng tạo yêu cầu thí sinh “thể hiện sâu sắc vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ” - cho 0,25 điểm. Nhiều giám khảo vì thương học sinh của địa phương mình mà “lách luật” cho trọn điểm phần này, mặc dù chất lượng đoạn văn chỉ ở mức trung bình.

Nhiều giám khảo cho biết, năm nay rất nhiều thí sinh chỉ liệt kê chuyện ngành y chống dịch Covid-19 thế nào, rồi gương người tốt việc tốt trong dịch bệnh ra làm sao, không đi vào trọng tâm vấn đề (sự cần thiết phải biết cống hiến) nhưng vẫn được 1,25 - 1,5 điểm.

Lẽ ra, với học sinh lớp 12 thì phải bỏ quy định ở phần “đảm bảo hình thức đoạn văn”; “xác định được vấn đề cần nghị luận”; “chính tả, ngữ pháp”, bởi đây là những yêu cầu bắt buộc, ai cũng phải “sạch nước cản”, chứ sao lại cho không điểm.

Vậy nên mới có chuyện, điểm câu Nghị luận xã hội là 2,0 nhưng phần nội dung chỉ chiếm 1,0 điểm nên dù thí sinh viết dở thì bài thi cũng được chấm dao động từ 1,25-1,5 điểm đều tăm tắp, còn bài nào viết chữ đẹp, sạch sẽ có thể lên 1,75 điểm.

Thứ hai, đáp án câu Nghị luận văn học cũng tương tự như câu Nghị luận xã hội. Cụ thể, thí sinh đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: “mở bài nêu được vấn đề”; “thân bài triển khai được vấn đề”; “kết bài khái quát được vấn đề” – được 0,25 điểm.

Tiếp theo, “xác định được vấn đề cần nghị luận: nội dung và nghệ thuật đoạn thơ” (Sóng, Xuân Quỳnh); “vẻ đẹp nữ tính trong thơ Xuân Quỳnh” – được 0,5 điểm.

Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Một điều cũng kì lạ là, phần “triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm”, thí sinh “giới thiệu khái quát về tác giả Xuân Quỳnh, tác phẩm “Sóng” và đoạn thơ” thì được 0,5 điểm – phần này trùng lắp với phần “đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: mở bài nêu được vấn đề” – như thế thí sinh được cho không điểm đến 2 lần.

Tiếp đến, thí sinh “bảo đảm chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt” – được 0,25 điểm. Thí sinh “viết sáng tạo, thể hiện sâu sắc vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ” – cho 0,5 điểm, cũng là những phần thí sinh được cho không điểm hoặc cho thêm điểm một cách tùy tiện.

Trừ đi những phần như đã nói, phần nội dung bài văn Nghị luận văn học chỉ còn lại 2,5/5 điểm, thế nên thí sinh làm bài đạt mức điểm từ 2,5 – 3,5 điểm cũng không có gì lạ.

Thay lời kết

Cá nhân người viết nhiều năm làm giám khảo tự luận môn Ngữ văn nhận thấy, việc Bộ Giáo dục ra đáp án còn bất cập đã nảy sinh một số vấn đề sau đây.

Thứ nhất, giám khảo chấm bài không đều tay dẫn đến mất công bằng cho thí sinh. Ví như, cùng một bài thi, nhưng giám khảo 1 chấm 7,0 điểm còn giám khảo 2 chấm 8,5 điểm. Vậy nên 2 giám khảo phải thảo luận để ra điểm số cuối cùng. Thường thì 2 giám khảo sẽ lấy ngưỡng trung bình của điểm lệch 1,5 chia đôi được 0,75 điểm và tổng điểm toàn bài là 7,75 điểm.

Như thế có 2 trường hợp xảy ra, hoặc là thí sinh bị thiệt thòi khi chỉ được 7,75 (giám khảo 2 chấm 8,5 điểm) hoặc thí sinh không xứng đáng được điểm số này (giám khảo 1 chỉ chấm 7,0 điểm).

Cá biệt, cá nhân tôi rất bức xúc khi gặp trường hợp 2 giám khảo chấm lệch điểm rất cao. Đó là, giám khảo 1 chấm 7,0 điểm (chấm chính xác) nhưng giám khảo 2 chấm đến 8,75 điểm (chấm quá rộng vì “lách luật” như đã đề cập).

Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Theo quy định, tổ trưởng/tổ phó tổ chấm phải chấm lần 3, sau đó lấy điểm trung bình của 3 giám khảo thì ra điểm số cuối cùng của bài thi. Nhưng có quy định định bất thành văn ở một tỉnh phía Nam (xin không nêu tên), đó là nếu giám khảo 3 chấm trùng tổng điểm của một trong hai giám khảo thì được lấy điểm số đó làm điểm cuối cùng, không cần phải chia 3.

Vậy nên mới có chuyện giám khảo 3 lười chấm, cứ nhìn thấy điểm của giám khảo nào cao thì chỉ việc phiên điểm ra như thế. Ví dụ, giám khảo 1 chấm 7,0 điểm, giám khảo 2 chấm 8,75 thì giám khảo 3 cũng chấm 8,75 điểm và lấy điểm trùng là 8,75 điểm (lệch so với giám khảo 1 đến 1,75 điểm là điều không thể chấp nhận được).

Thứ hai, cũng liên quan đến đáp án nên nhiều giám khảo cho biết, điểm số của một tỉnh phía Nam năm nay chủ yếu dao động từ 6 – 6,5 điểm. Như thế, trừ học sinh yếu và khá, giỏi, còn lại điểm thi phân hóa theo kiểu “cá mè một lứa”.

Cũng là môn tự luận Ngữ văn, nhưng thế hệ chúng tôi thi đại học vào những năm 2000 thì không có chuyện điểm số như thế này, mà phân hóa rất rõ từ giỏi, khá, trung bình, yếu kém, kể cả điểm liệt – 0 điểm.

Thứ ba, khi viết bài này, tôi cũng đã có câu trả lời chính xác mà bản thân băn khoăn cả năm nay, đó là vì sao kết quả phân tích dữ liệu điểm thi năm 2020 do Bộ Giáo dục công bố cho thấy An Giang là tỉnh có điểm trung bình môn ngữ văn cao nhất nước, với mức điểm là 7,62.

Mức điểm này cao hơn 1 điểm so với mức trung bình chung của cả nước là 6,6; và cao hơn khá nhiều so với địa phương xếp thứ 2 là Bình Dương (7,28).

Điều đáng nói là các điểm cao từ 9 điểm trở lên ở môn Ngữ văn cũng “tập trung” vào thí sinh của tỉnh An Giang. Thống kê từ dữ liệu điểm thi cho thấy cả nước có 870.534 thí sinh dự thi môn ngữ văn thì có 10.157 thí sinh đạt điểm từ 9 trở lên (chiếm khoảng 1,17%) thì An Giang có tới 1.471 thí sinh (chiếm 14,48%) cao nhất cả nước.

Kính mong Bộ Giáo dục cầu thị lắng nghe về sự bất cập của đề thi và đáp án môn Ngữ văn kì thi tốt nghiệp được đăng tải trên Giáo dục Việt Nam để có hướng hay đổi sao cho phù hợp, nhằm mục đích tạo sự công bằng cao nhất cho các thí sinh xét tuyển vào đại học.

Tài liệu tham khảo:

//giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lo-hong-trong-du-thao-quy-che-thi-tot-nghiep-trung-hoc-pho-thong-post215404.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên