Hội nhập giáo dục và hội nhập kinh tế toàn cầu

30/10/2014 07:04
Liên Hương
(GDVN) - Hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và các nước luôn được coi là ưu tiên trong các vấn đề hợp tác song phương.

Trong hai chuyến đi gần đây của Thủ tướng Chính phủ  Nguyễn Tấn Dũng sang Châu Âu và Ấn độ  vào tháng 10 năm 2014, hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và các  nước luôn được coi là ưu tiên trong các vấn đề hợp tác song phương.
 
Tại Đức, các vấn đề hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề luôn là thế mạnh của hợp tác giữa hai bên. Trong chuyến đi vừa qua, công ty tư vấn Giáo dục Quốc Anh iEC đã ký kết với tập đoàn Điện tử Phoenix Contact của Đức hỗ trợ cho hai phòng thực hành ứng dụng trong lĩnh vực điện và tự động hóa cho hai trường Cao đẳng nghề Việt Nam.

Ở Đức, chất lượng đào tạo được đánh giá bằng giá trị phục vụ cho công nghiệp, cho cuộc sống. Đào tạo đại học và đào tạo nghề phục vụ những mục tiêu và phân khúc quan trọng khác nhau trong nền kinh tế và phát triển.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nếu như trước đây trong các trường học ở Đức, các phòng thí nghiệm – training centre - nhằm giúp cho học sinh thực tập các lý thuyết mình học được, thì nay, học đã đi xa hơn, nhằm đưa các lý thuyết đó trở thành những bài học thực tế áp dụng được trong cuộc sống, tiết kiệm thời gian và công sức.

Chẳng hạn, quá trình tự động hóa sẽ được chia thành nhiều công đoạn thành những module nhỏ, để học sinh có thể thả sức sáng tạo chế tác thành những máy móc khác nhau phục vụ cho cuộc sống và sản xuất. Các trung tâm này gọi là các trung tâm ứng dụng -  application centre. Đến thăm trường Cao đẳng nghề Ostwestfalen - Lippe, thăm trung tâm ứng ứng dụng tại nơi đây, các sinh viên đang chế tạo máy sản xuất bỏng ngô để bán tự động, quy trình rất đơn giản và nhanh chóng, máy móc đều vận hành tự động.

Hoặc ở mức cao hơn nữa để học sinh để có thể nghiên cứu các đề tài lớn hơn thì lại có các Trung tâm nghiên cứu và Phát triển – research and Development  centre. Các trung tâm này có sự góp sức của các công ty sản xuất – industry, một phần của Nhà nước và một phần của nhà trường. Như vậy sẽ giúp việc đào tạo của các trường, các khóa học gần với nhu cầu của xã hội, của các tập đoàn sản xuất hơn.

Ở Châu Á, Malaysia, Singapore,  Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã luôn hoạt động theo phương thức này.

Còn trong chuyến thăm Ấn Độ gần đây nhất của Thủ tướng Chính phủ, một biên bản ghi nhớ cũng đã được ký kết với sự chứng kiến của ba Bộ trưởng: Bộ Công thương, bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính và chủ tịch Phòng Thương Mại và công nghiệp Việt nam VCCI về gói cung cấp học bổng cho học sinh và sinh viên Việt Nam thông qua công ty Quốc Anh IEC từ trường SSM, đặc biệt ưu tiên cho lĩnh vực hợp tác đào tạo cho lĩnh vực dệt may, tạo mẫu và IT.

Trong chuyến đi này, lần đầu tiên Vietjetair đã được sử dụng làm chuyên cơ đưa đoàn đại biểu của hơn 70 doanh nghiệp hàng đầu Việt nam đồng hành cùng Vietnam airlines tháp tùng Thủ tướng tới đất nước Ấn độ. Tại đây, Viet jet air cũng đã cam kết sẽ mở đường bay tới Ấn độ trong tháng 12 này. Đây cũng là một bước đột phá và công nhận sự phát triển vượt bậc của một hãng hãng hàng không tư nhân non trẻ đã giúp Vn hội nhập nhanh chóng.

Đất nước Việt Nam với một ví trí giao thoa giữa khu vực Đông bắc Á năng động nhất của nền kinh tế thế giới, với những cường quốc hùng mạnh về tài chính, phát minh và sản xuất như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan... và khu vực Asean đang liên kết mạnh mẽ để cùng phát triển.

Có nhiều cơ hội để hợp tác, hội nhập. Việt Nam có thể trở thành trung tâm hay nằm ngoài  khu vực năng động nhất này? Điều đó sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các chính sách thu hút, hỗ trợ đầu tư của nhà nước và những công ty năng đông đang mở đường đưa Việt Nam hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu.

Liên Hương