Không biết tin học bản thân giáo viên rất khổ, học sinh cũng rất thiệt thòi

04/12/2020 06:02
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bỏ chứng chỉ tin học không đồng nghĩa với việc giáo viên từ bỏ ý định học tin học bởi công việc của người thầy ngày nay thường gắn liền với những chiếc máy tính.

Môn tin học là một môn học bắt buộc đã được giảng dạy tại các trường phổ thông từ năm 2002 và cũng là môn đã được đưa vào chương trình đào tạo ở trường cao đẳng, đại học từ hơn 20 năm trước.

Song hành cùng với việc giảng dạy ở các nhà trường thì các trung tâm tin học cũng mở ở khắp nơi để chiêu sinh, đào tạo. Vì thế, phần lớn giáo viên hiện nay đã tự làm chủ được các phần mềm mà ngành giáo dục triển khai.

Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận giáo viên hiện nay rất yếu về công nghệ thông tin, thậm chí có một số thầy cô giáo không sử dụng được máy tính và chưa biết truy cập internet để đọc email, vào điểm điện tử…

Một số thầy cô thường lấy lý do lớn tuổi và tự mặc định về việc mình không biết về tin học nên những chuyện rất đơn giản cũng phải nhờ người thân, đồng nghiệp làm thay.

Cho dù trong tháng 12 này sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học cho giáo viên nhưng thời điểm này đang là lúc ngành giáo dục triển khai tập huấn trực tuyến đại trà cho giáo viên.

Vì thế, dù bỏ chứng chỉ nhưng bắt buộc giáo viên phải có kiến thức về tin học nếu không thì những thầy cô này sẽ khó có thể hoàn thành những công việc của mình và cũng dẫn đến những thiệt thòi cho học trò của mình.

Việc tập huấn, giảng dạy của giáo viên ngày nay thường gắn liền với những chiếc laptop (Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ)

Việc tập huấn, giảng dạy của giáo viên ngày nay thường gắn liền với những chiếc laptop

(Ảnh minh họa: Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Phú Thọ)

Ngành giáo dục đang khởi động việc tập huấn trực tuyến cho giáo viên

Ai cũng thấy được vai trò quan trọng của công nghệ thông tin trong giai đoạn hiện nay, nhất là đối với những thầy cô giáo đang trực tiếp giảng dạy cho học trò ở các nhà trường.

Đặc biệt là thời điểm này, ngành giáo dục các địa phương đang triển khai tập huấn trực tuyến đại trà cho giáo viên- đây là những công việc mà những năm trước Bộ chưa bao giờ triển khai đến giáo viên phổ thông.

Việc tập huấn trực tuyến hiện nay có rất nhiều phần việc khác nhau nên bắt buộc toàn bộ giáo viên phổ thông phải thực hiện mới có thể đảm bảo công việc tập huấn của mình.

Bởi, mỗi thầy cô phải có một tài khoản riêng để tập huấn về chương trình tổng thể, chương trình môn học mà mình đang giảng dạy. Các phần mềm được các nhà mạng thiết kế rích rắc với nhau.

Khi thực hiện tập huấn trực tuyến, giáo viên gần như phải độc lập làm việc từ phần xem về lý thuyết, nội dung chương trình, xem video và làm bài tập trắc nghiệm, làm kế hoạch, soạn giáo án…

Cái khó là trong các video này được lồng ghép cả bài tập trắc nghiệm để bắt buộc giáo viên phải xem nội dung video thì mới làm được bài tập. Sau đó, mới làm bài tập trắc nghiệm riêng và kế hoạch nộp trực tiếp trên trang trực tuyến.

Những nội dung này đối với những thầy cô có kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin thì không khó khăn gì nhưng với những thầy cô yếu sẽ vất vả và mất nhiều thời gian.

Đặc biệt, những thầy cô mà không có kiến thức về tin học thì vất vả vô cùng bởi nếu không nhờ người thân hay đồng nghiệp giúp đỡ thì không thể nào làm được.

Nhưng, phần tập huấn chuyên môn nếu nhờ người thân sẽ rất khó khăn mà nhờ đồng nghiệp thì vô cùng bất tiện và có lẽ cũng chẳng mấy đồng nghiệp dũng cảm giúp đỡ vì họ cũng phải làm bài tập của họ.

Hơn nữa, nếu có nhờ người khác học thay, làm bài tập thay thì giáo viên lại không nắm được kiến thức tập huấn mà ngành đang triển khai. Một khi đã không nắm được kiến thức bồi dưỡng, tập huấn về chương trình mới thì khi giảng dạy sẽ khó có thể dạy tốt cho học trò.

Tuy nhiên, thực tế thì vẫn còn một bộ phận thầy cô không thể làm được các phần việc như tập huấn mà trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình như gửi email, đọc email, soạn giáo án, ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy.

Vì thế, ngay cả chuyện giáo án vẫn phải đi xin đồng nghiệp, đi mua của người ngoài, vào điểm điện tử cũng phải nhờ vả, thậm chí làm cái đề kiểm tra cũng không thể tự mình đánh máy, in ấn được. Trong khi, tính bảo mật đề kiểm tra học kỳ bao giờ cũng phải đặt lên hàng đầu.

Vậy nên, nếu giáo viên yếu hoặc không biết về công nghệ thông tin thì chắc chắn sẽ gặp muôn vàn khó khăn trong thời gian tới đây bởi việc tập huấn trực tuyến bắt buộc giáo viên phải thao tác trên máy tính hoặc điện thoại thông minh với rất nhiều các nội dung khác nhau.

Dù bỏ chứng chỉ thì giáo viên cũng cần thiết phải học tin học

Thông tin tháng 12 này thì sẽ xóa bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ cho giáo viên nhưng thực tế đây là bỏ lối học hình thức, tốn kém cho giáo viên. Kiến thức ngoại ngữ có lẽ không quá quan trọng với phần lớn giáo viên không dạy ngoại ngữ nhưng kiến thức tin học thì giáo viên nào cũng cần thiết.

Bỏ chứng chỉ tin học không đồng nghĩa với việc giáo viên từ bỏ ý định học tin học bởi công việc của người thầy ngày nay thường gắn liền với những chiếc máy tính được nối mạng internet.

Chẳng hạn, ngay từ những tháng đầu năm nay, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát thì giáo viên đã phải giảng dạy trực tuyến.

Lúc đó, một số giáo viên còn lấy lý do này, lý do khác để thoái thác việc giảng dạy vì có những trường chỉ yêu cầu mỗi môn/ khối chỉ cần 1 giáo viên giảng dạy mà thôi.

Nhưng, bây giờ khi mà ngành giáo dục đã tính đến phương án một phần nội dung bồi dưỡng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được dưỡng trực tuyến và chuyện dạy trực tuyến đối với chương trình chính khóa cho học sinh cũng đã được Bộ tính toán đến.

Vì thế, bỏ chứng chỉ tin học nhưng bắt buộc giáo viên phải tự trau dồi thêm kiến thức môn học này mới có thể đáp ứng được yêu cầu công việc hàng ngày.

Thực ra, việc tranh thủ học thêm kiến thức cơ bản về tin học không phải mất quá nhiều thời gian học tập và thực tế là không quá khó khăn đối với những thầy cô giáo.

Khi có kiến thức về tin học thì thầy cô không chỉ chủ động được công việc của mình ở trường, chủ động khai thác những lợi thế về công nghệ thông tin trên mạng internet mà học sinh cũng ít bị thiệt thòi khi học tập.

Bởi bây giờ mà thầy cô không sử dụng được máy tính, chỉ dạy học truyền giảng kiến thức đơn thuần như hàng chục năm trước đây thì rất dễ dẫn đến nhàm chán cho học trò.

KIM OANH