Làm thế nào để phụ huynh không tránh buổi họp cuối năm?

19/05/2018 07:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Nhiều bậc phụ huynh đã đúc rút ra nhận xét rằng, họp phụ huynh đầu năm chủ yếu là đòi tiền, họp phụ huynh cuối năm chủ yếu là nghe chửi và lên án…

LTS: Đưa ra giải pháp để có được một buổi họp phụ huynh cuối năm hiệu quả, đạt được mục đích, tạo sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh, từ đó giúp học sinh tiến bộ hơn trong học tập, cô Phan Tuyết đã có bài viết chia sẻ.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Thời điểm này, khá nhiều trường đã và đang chuẩn bị cho một buổi họp phụ huynh cuối năm.

Khác với sự chờ đợi, háo hức của những phụ huynh có con em chăm ngoan học giỏi thì một số phụ huynh có con chưa ngoan, học yếu lại thờ ơ, hững hờ với việc đi họp.

Có người còn nói thẳng “chưa đi cũng biết được nội dung cuộc họp ấy là gì? Chủ yếu là lên án, kể tội những học trò vi phạm nên ngồi nghe xấu hổ và chán lắm”.

Cũng có số ít không mặn mà vì cho rằng nội dung những cuộc họp này không mới nên không đi họp cũng hiểu được nội dung cuộc họp thế nào.

Buổi học phụ huynh cuối năm (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).
Buổi học phụ huynh cuối năm (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại).

Xấu hổ vì những lời nhận xét thẳng thắn của giáo viên

Ai cũng biết, mục đích chính của những cuộc họp phụ huynh là xích lại mối liên hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm thảo luận, lấy ý kiến, tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh.

Thế nhưng hầu như các cuộc họp phụ huynh bây giờ ở cả 3 cấp học đều chưa đạt được điều này. Bởi, đa phần các thầy cô đã triển khai sai.

Thế nên nhiều phụ huynh mới đúc rút ra nhận xét (đúng đến từng chi tiết) rằng, họp phụ huynh đầu năm chủ yếu là đòi tiền, họp phụ huynh cuối năm chủ yếu là nghe chửi và lên án…

Buổi họp phụ huynh cuối năm, giáo viên đã có kết quả kiểm tra đánh giá từng học sinh trong tay.

Theo đúng tinh thần chỉ đạo của từng trường “giáo viên không được phê phán trực tiếp từng học sinh trong buổi họp. Sau cuộc họp, sẽ mời riêng từng phụ huynh để trao đổi nếu cần”.

Giữa nhà trường và phụ huynh đâu chỉ có tiền và tiền...

Thế nhưng ở các cuộc họp phụ huynh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông hầu như giáo viên đều nhận xét từng em ngay trong cuộc họp.

Điều này đã làm một số phụ huynh có con chưa ngoan, học yếu phiền lòng vì họ cho rằng như thế là bẽ mặt với những người xung quanh, là làm con xấu hổ khi ai cũng biết chuyện”.

Không nói lúc này thì nói lúc nào?

Không ít người lên án giáo viên khi phê bình học sinh trước cuộc họp. Không phải thầy cô không hiểu được điều nêu khuyết điểm của học trò trước đám đông là hoàn toàn không nên.

Nhưng có trong nghề mới hiểu “Không nói lúc này thì nói lúc nào?” đó là chia sẻ thật của khá nhiều thầy cô.

Trong thực tế, khá nhiều phụ huynh có con học yếu thường hay vi phạm nội quy trường lớp là những học sinh có cha mẹ ít quan tâm đến các em.

Thế nên, thầy cô khó có cơ hội gặp gỡ để trao đổi, để phối hợp giáo dục khi cần.

Gọi điện thoại nhiều khi chỉ nghe tiếng ò í e mà không liên lạc được hoặc đổ chuông không ai bắt máy, cũng chẳng bao giờ gọi lại. Gửi giấy mời đến nhà cũng chẳng bao giờ đi.

Chuyện buồn sau buổi họp phụ huynh

Sau cuộc họp (dù giáo viên đã mời đích danh) gặp gỡ nhưng hầu như phụ huynh cũng đi về…giải pháp cuối cùng, giáo viên buộc phải nhận xét, nhắc nhở trực tiếp trong cuộc họp là lẽ đó.

Phụ huynh sợ phải nghe con bị phê bình trước đám đông chán họp đã đành, số khác chê nội dung triển khai trong cuộc họp đơn điệu, rập khuôn bao năm vẫn thế.

Làm gì để những buổi họp phụ huynh hiệu quả hơn?

Làm thế nào để có một buổi họp phụ huynh hiệu quả, đạt được mục đích, tạo được sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh nhằm giúp học sinh tiến bộ hơn trong học tập và tu dưỡng luôn là điều trăn trở với những thầy cô giáo có tâm.

Có giáo viên chia sẻ mình đã quay lại một số tiết học, một số hoạt động ở lớp chuẩn bị trình chiếu cho phụ huynh xem trong buổi họp.

Cho học sinh ghi lại những điều khiến con thích thú khi đến trường, những khó khăn gặp phải trong học tập, những mong muốn, những nguyện vọng đối với thầy cô, với bố mẹ khi ở nhà...

Các em sẽ viết ra suy nghĩ của mình, giáo viên sẽ trực tiếp trao đổi với phụ huynh.

Hay việc một giáo viên ở Hà Nội đã chia sẻ kinh nghiệm tổ chức buổi họp phụ huynh cuối năm của mình trên (Báo Vietnamnet) khá thú vị như việc chuẩn bị phong bì “Cảm ơn, Xin lỗi, Hứa hẹn, Mong ước”.

Tôi đã nói chuyện với phụ huynh như thế

Cho học sinh viết những lời nhắn nhủ đến phụ huynh, rồi bỏ vào mỗi phong bì đó, không cần ghi tên, cô sẽ lựa chọn và đọc cho phụ huynh nghe trong buổi họp.

Học sinh đã rất hồn nhiên và có những điều các em viết vừa trẻ con, vừa sâu sắc đến không ngờ.

Hay việc ghi nhận những điều tốt, những lời khuyên nên và không nên của bạn bè một cách nhẹ nhàng.

Mỗi học sinh sẽ được tất cả các bạn học sinh khác trong lớp khenhoặc góp ý với mình.

Giáo viên cho học sinh đọc rồi thu lại, buổi họp phụ huynh phát lại cho các bố mẹ các em xem…

Thông qua những lời nhận xét chân thật có phần dí dỏm của các bạn học sinh trong lớp thì thông điệp mà giáo viên muốn gửi gắm đến phụ huynh đặc biệt là những phụ huynh có con học yếu, chưa ngoan cũng khá đầy đủ và rõ ràng.

Nghĩ rằng nếu tổ chức được những cuộc họp phụ huynh như thế này chắc chắn không có phụ huynh nào cảm thấy nhàm chán nữa.

Phan Tuyết