Ngày xưa ông bà, cha mẹ, thầy cô đã dạy chúng ta những gì?

07/04/2019 06:25
NHẬT DUY
(GDVN) - Một khi người lớn thực dụng, người lớn quên đi những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, của dân tộc mình thì cái gì đến, ắt sẽ đến.

Thế hệ 7x, 8x trở về trước được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh kinh tế gia đình, đất nước còn muôn vàn khó khăn.

Thế nhưng, điều mà trẻ con bây giờ không có được đó là tình yêu thương mộc mạc từ những ông bà, cha mẹ thầy cô đã dạy dỗ và cho ta quá nhiều.

Những đêm hè bên chiếc quạt mo cau phe phẩy, trẻ em nghe những lời ru, nghe những câu chuyện dân dã xưa xa mà thấm dần vào nhân cách. Điều quan trọng là trẻ em nghe và thuộc được rất nhiều những câu chuyện, những câu ca dao thấm đẫm tình yêu thương con người.

Lớn lên, biết cảm thương, chia sẻ với mọi người, mọi cảnh đời, biết vươn lên trong cuộc sống lúc khó khăn.

Giáo dục trẻ còn nhiều nỗi lo (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)
Giáo dục trẻ còn nhiều nỗi lo (Ảnh minh họa: Báo Người lao động)

Làm sao chúng ta quên được những tiếng ru hời của bà, của mẹ trong những đêm khuya vắng vẻ: “Gió mùa thu mẹ ru con ngủ/ Năm canh chầy mẹ thức đủ năm canh”. Hay, “Cơm cha áo mẹ, chữ thầy/ Nghĩ sao cho bõ những ngày ước ao...”.

Làm sao quên được cái cảnh mỗi buổi sáng đợi mẹ đi chợ về chia cho miếng bánh  đa, bánh đúc, trái ổi, trái thị quê nhà.

Làm sao quên được những mùi rơm rạ buổi chiều đông quện hòa trong mùi khoai, ngô nướng thơm lừng.

Cũng vì cái đói, cái nghèo nên trẻ em 5-6 tuổi đã biết quét nhà, chăm em, biết lội ruộng làm cỏ, đi cấy, biết bắt con tôm, con tép phụ với bữa ăn gia đình.

Đứa nào không siêng năng được gọi là “công tử bột”; “trai cảnh”; “đồ nhác” và bị xóm làng xem khinh. Vì thế, công việc nhà cửa, ruộng đồng, bếp núc gần như trẻ em đều thành thạo từ rất sớm.

Khi đến trường, lớp học tuềnh toàng rơm rạ, mỗi năm học trò phải góp vài cái tranh (kết bằng thân cây lúa) để nhà trường lợp mái.

Thầy cô dạy cho trò không chỉ kiến thức, đạo đức mà còn dạy quét lớp, lao động từ khi học tiểu học. Lên cấp 2 là mỗi lớp có thêm một vài sào ruộng để chăm sóc nhằm thực hiện chủ trương tăng gia sản xuất.

Ngày xưa ông bà, cha mẹ, thầy cô đã dạy chúng ta những gì? ảnh 2Nhìn sách giáo khoa hiện hành, mơ cho con em được học chương trình cũ

Mỗi tuần, học trò phải vào trường lao động ít nhất 1 buổi. Vất vả, cơ cực mà lại vui, lại khỏe mạnh để trưởng thành.

Lớn lên, biết giữ gìn ý tứ, biết nói năng lễ phép, biết nhớ đến nguồn cội của mình.

Thầy cô bấy giờ không phải lo thành tích, mỗi lớp chỉ vài đứa học trò xếp loại khá là đã thành công lắm rồi.

Vì thế, mỗi thế hệ học trò đi qua, thầy cô vẫn nhớ đến những trò nghèo vượt khó, nghĩa tình. Tình thầy trò vì thế mà keo son, bền vững.

Đất nước phát triển đi lên, những nghèo đói, cơ cực đã đi qua, kinh kế đa phần người dân đã khấm khá hơn xưa rất nhiều.

Các gia đình đều thực hiện kế hoạch hóa gia đình nên mỗi nhà chỉ 1-2 đứa con. Vì thế, các em được cưng chiều nhiều hơn, chăm sóc kỹ lưỡng hơn.

Thôi thì đời ông bà, cha mẹ đã cực khổ quá nhiều, đến con cháu cũng mong nó mở mày, mở mặt thì quá tốt chứ sao.

Mỗi đứa trẻ bây giờ có đến 3-4 người lớn chăm sóc, đưa đón. Công việc đồng áng cũng ít người làm, tất cả dành thời gian cho con em mình học hành, vui chơi và giải trí.

Nhiều khi, trong gia đình còn xung khắc về cách dạy dỗ con em mình. Bởi, ông bà có cái lý của ông bà, cha mẹ có cái lý của cha mẹ. Người này la đã có người khác bênh vực.

Phần lớn trẻ con bây giờ ngoài giờ học chỉ biết cắm cúi màn hình điện thoại, máy tính.

Các em thông minh hơn, nhanh nhạy hơn và ngay từ nhỏ đã biết thần tượng người này, người kia.

Các em thần tượng về các ngôi sao ca nhạc, bóng đá, điện ảnh, thần tượng về Khá “bảnh”, thần tượng những bài hát có câu từ tục tĩu, các em biết quán xá, biết sống ảo và yêu đương cũng sớm hơn…

Ngày xưa ông bà, cha mẹ, thầy cô đã dạy chúng ta những gì? ảnh 3Khi thầy cô bị tước hết công cụ và uy lực, khó tránh học trò bạo lực, hỗn hào

Thầy cô bây giờ cũng giàu có hơn xưa. Một số thầy cô mở lớp dạy thêm để kiếm thêm nguồn thu nhập.

Học sinh nào đóng tiền thì học, không có tiền thì thôi.

Để chắc ăn, nhiều thầy cô thu tiền từ ngay ngày đầu năm học để tạo sự ràng buộc cho học trò đến với mình.

Thầy cô bây giờ còn mãi lo đổi mới, cứ đổi chưa xong cái này lại bước vào đổi cái khác. Hết cuộc thi này lại đến cuộc thi khác…

Thầy cô bây giờ còn phải lo thành tích mà cấp trên đã ấn cho mình, học trò học dở mà không dám cho thi lại, chẳng thể để lưu ban.

Nhiều bậc phụ huynh bây giờ cũng lo lắng cho con em mình hơn. Ngay từ khi bước vào mầm non đã lo trường nào dạy tốt, trường nào dạy tiếng Anh, dạy kỹ năng sống để đưa con em mình vào.

Không có hộ khẩu tại những ngôi trường đó cũng chẳng có hề chi, cha mẹ đều lo được cả. Khi vào phổ thông cũng phải chọn trường tốt, thầy cô giáo giỏi, có tiếng tăm để gửi gắm con mình.

Ừ, tốn thêm chút tiền có là gì đâu, miễn là con mình có môi trường học tập tốt để hướng tới tương lai.

Con học dở, học kém cũng chẳng phải là vấn đề gì to tát cả, vào đại học mà còn chạy được thì sợ gì ra trường không có nơi làm việc tốt.

Chẳng ai muốn cứ mãi đói nghèo, khổ cực và cũng chẳng có thời gian nào trở lại với hiện thực bây giờ. Nhưng, môi trường sống tạo nên năng lực và phẩm chất của mỗi con người.

Một khi người lớn thực dụng, người lớn quên đi những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình, của dân tộc mình thì cái gì đến, ắt sẽ đến.

NHẬT DUY