Nhờ “cái vòng luẩn quẩn” chúng tôi đã có nhà có xe

14/04/2017 06:06
Phan Tuyết
(GDVN) - Cũng nhờ vay ngân hàng, chúng tôi mới có được nhà để ở, có xe để đi, nuôi con cái ăn học bằng chị bằng em như biết bao người khác.

LTS: Đồng cảm với những đồng nghiệp đang mắc nợ ngân hàng, tuy nhiên, cô giáo Phan Tuyết cũng cho rằng chính nhờ những khoản vay này mà giáo viên mới có thể mua đất, mua nhà, tậu xe như biết bao người.

Cô Phan Tuyết cũng chia sẻ thêm nhiều thầy cô còn biết cách đầu tư làm ăn từ vốn vay của ngân hàng để đời sống khấm khá hơn.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết!

Đọc bài “Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên” tôi thật sự thấy đồng cảm vì bài viết như rút ra từ gan ruột của những nhà giáo vẫn đang là “con nợ của nhiều ngân hàng”.

Nhưng cũng nhờ như thế, chúng tôi mới có được nhà để ở, có xe để đi, nuôi con cái ăn học bằng chị bằng em như biết bao người khác.

Trước những năm 2000 các ngân hàng chưa có mặn mà với việc cho vay nên phần lớn giáo viên đều sống vô cùng khó khăn.

Với đồng lương eo hẹp của cả hai vợ chồng nhà giáo, cái ăn hàng ngày phải căn cơ mới đủ thì mơ gì đến mua phương tiện đi lại, trang thiết bị trong nhà chứ nói gì đến những việc lớn hơn như mua đất đai xây nhà cửa. 

Nhờ vay ngân hàng mà các thầy cô có nhà có xe như bao người. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)
Nhờ vay ngân hàng mà các thầy cô có nhà có xe như bao người. (Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Sau năm 2000, nhiều ngân hàng đã mở cửa và đối tượng họ hướng tới là giáo viên bởi lực lượng này rất đông.

Chỉ là cho vay theo kiểu tín chấp (trả bằng lương hàng tháng tiền gốc cộng tiền lãi) nhưng phần lớn thầy cô giáo đã rất vui mừng, hồ hởi.

Thế rồi, người người làm thủ tục vay. Trong một trường học khoảng 45 người có lẻ phải đến 44 người làm hồ sơ vay.

Mức vay lúc đó cũng được vài chục triệu/người. Số tiền vay đã được dùng mua xe, mua máy tính để phục vụ công tác giảng dạy, mua đất để an cư lạc nghiệp...

Nhờ “cái vòng luẩn quẩn” chúng tôi đã có nhà có xe ảnh 2

Nợ ngân hàng và cái vòng luẩn quẩn của giáo viên

Từ ngày được vay ngân hàng, hàng tháng dù thế nào cũng phải dành ra một khoản tiền tương ứng để trả nên nhà nhà bắt buộc phải thắt chặt chi tiêu.

Cứ sau 3 năm chu kì vay và trả hết, một chu kì vay mới lại bắt đầu.

Và cứ thế, cứ thế, nhiều mảnh đất được mua, nhiều căn nhà được xây nên, con cái cũng được ăn học đàng hoàng hơn.

Chưa nói đến một số người nhờ biết đầu tư nên chỉ ít năm sau đất lên giá đã bán đi một ít nên có tiền xây nhà. 

Vài năm trở lại đây, lương của giáo viên tuy chưa cao nhưng cũng đã được ưu tiên về tiền đứng lớp và thâm niên, nhiều ngân hàng cũng đã mời gọi với nhiều hình thức cho vay hấp dẫn khác như tiền vay thấu chi không phải trả gốc hàng tháng chỉ cần trả tiền lời.

Rồi mức tiền vay của giáo viên cũng tăng lên đáng kể, có giáo viên đã vay tới vài trăm triệu đồng để đầu tư trồng trọt và chăn nuôi như trồng thanh long, trồng keo, bạch đàn, nuôi heo, nuôi bò…

Vay nhiều nhưng thời hạn trả cũng tăng nên hàng tháng, giáo viên chỉ cần phải bỏ ra ít tiền để trả là được.

Nhờ “cái vòng luẩn quẩn” chúng tôi đã có nhà có xe ảnh 3

Thầy ăn lương vợ, tranh thủ việc trường, làm ngoài là chính

Nhiều gia đình giáo viên dù thu nhập hàng tháng của hai vợ chồng khoảng 10 triệu đồng và phải nuôi hai con ăn học trong khi thầy cô không làm thêm bất cứ việc gì khác.

Thế mà căn nhà cấp 4 được xây dựng khang trang với đầy đủ tiện nghi, không ít người nhìn vào tỏ ý thán phục.

Nói về điều này, cô Vân một giáo viên chia sẻ “Nhờ ngân hàng cả đó, nếu họ không cho vay mình lấy đâu ra số tiền lớn như thế để mua đất làm nhà? Để sắm sửa vật dụng?”.

Trong khi chờ đợi sự quan tâm đến cuộc sống của các giáo viên thì việc các ngân hàng giải quyết nhanh gọn thủ tục cho vay cũng là cách để giúp các thầy cô phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống yên tâm chăm lo cho sự nghiệp trồng người của chính mình.

Phan Tuyết