Những điểm mới đáng lưu ý nhất trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2014

25/02/2014 07:26
Xuân Trung (ghi)
(GDVN) - Thi tốt nghiệp năm 2014 chỉ gói gọn trong 2 ngày với 4 môn thi, trong đó có các môn tự chọn, với phương án này liệu có gây khó khăn cho thí sinh?

Chiều muộn ngày 24/2 Bộ GD&ĐT tổ chức họp báo chính thức về thi và công nhận tốt nghiệp THPT năm 2014, trong đó có nhiều điểm mới được áp dụng từ năm 2014. Tiến tới sẽ có một kỳ thi quốc gia chung và môn thi có thể sẽ chỉ còn 4 bài thi.

Xung quanh vấn đề này, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục khảo thí và kiểm định chất lượng (Bộ GD ĐT) đã có những giải đáp.

Trong suốt kỳ thi học sinh chỉ có một số báo danh

PV: Ông có thể nói qua về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay?

Ông Mai Văn Trinh: Chúng ta vẫn giữ nguyên các môn Toán, Văn, Lịch sử, Địa lý thi tự luận còn Hóa, Sinh, Lý, vẫn thi trắc nghiệm. Riêng Ngoại ngữ hướng dần tới đánh giá những kỹ năng toàn diện hơn của học sinh, vì vậy năm nay chúng ta sẽ có thêm phần tự luận song song với phần trắc nghiệm.  

Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT). Ảnh Xuân Trung

Về cách thức tổ chức thi, để tránh rủi ro Bộ sẽ thi theo nguyên tắc: Mỗi một học sinh sẽ có một số báo danh duy nhất trong suốt kỳ thi, phòng thi sẽ được viết theo môn, trong mỗi ca thi chỉ có duy nhất một môn thi.

Dự kiến, buổi sáng đầu tiên sẽ thi môn Văn, Hóa, buổi chiều thi môn Sử, Vật lý; hôm sau sáng thi môn Toán, Ngoại ngữ, chiều thi Sinh học và Địa lý. 

Bảo đảm mỗi ca thi chúng ta có 75 phút để thực hiện các thao tác kỹ thuật. Việc xen kẽ các môn tự nhiên và xã hội sẽ giúp chúng ta giảm tới mức thấp nhất khả năng một thí sinh có thể phải thi hai ca liên tục. 

Ông vừa nói môn thi Ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận song song với phần trắc nghiệm, vậy thời gian thi có thay đổi không, hình thức thi này có áp dụng cho cả kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ không?

Thời gian thi môn Ngoại ngữ ở kỳ thi tốt nghiệp vẫn là 60 phút. Tuy nhiên, như tôi nói việc làm này không phải mới vì trong các năm trước chúng ta cũng đã sử dụng các dạng đề như vậy, năm nay có thể tăng cường thêm, cả về diện rộng, chiều sâu. Nhưng hướng là sẽ sử dụng câu hỏi mở, chúng ta tiệm cận dần.

Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT đưa ra, tương lai sẽ chỉ có 1 kỳ thi quốc gia chung với 4 bài thi (thay thế 4 môn thi)  theo phương pháp tích hợp. Vậy, việc chuẩn bị cho lộ trình này đã được thực hiện đến đâu thưa ông?

Trong 2 - 3 năm trở lại đây chúng ta đã có những điều chỉnh trong việc dạy theo hướng tổng hợp, đặc biệt trong đề thi của cả hai kỳ thi chúng ta đã đưa vào các câu hỏi mở, từ đó đòi học sinh phải có tri thức tổng hợp, các hiểu biết xã hội để giải quyết vấn đề, hướng này sẽ được tiến hành từng bước từ đơn giản tới phức tạp, từ nông đến sâu…

Để đến một lộ trình nào đó sẽ đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra, đánh giá phù hợp và có thể tiến tới được mục tiêu – chuyển từ 4 môn thi thành 4 bài thi. Tức là trong các bài thi sẽ chứa đựng kiến thức tích hợp của nhiều môn khác nhau, bộc lộ được tính ứng dụng kiến thức.

Không sợ học sinh học lệch

Với phương án thi tốt nghiệp của Bộ, sẽ có thêm các môn tự chọn, có thể tưởng tượng một số môn sẽ không có thí sinh nào chọn như môn Lịch sử, Bộ đã tính đến phương án này chưa? 

Năm nay chúng ta sử dụng kết quả đánh giá tốt nghiệp theo cả quá trình học 3 năm cấp 3, vì vậy để có kết quả tốt thì học sinh không thể lơ là 3 năm học tất cả các môn khác. Nếu xét từng học sinh thì đúng là các em chỉ chọn 2 môn theo sở thích, có thể chọn cả hai môn tự nhiên hoặc cả hai môn xã hội. 

Nhưng xét ở bình diện quốc gia, chúng ta có 6 môn tự chọn, nhiều hơn so với trước (chỉ có 2 môn hoặc 3 môn do Bộ chỉ định). Nhìn rộng ra thì chính xác là toàn diện hơn, đều hơn, nhìn về tổng thể thì học sinh sẽ phát huy được năng lực của mình nhiều hơn là học lệch. 

Tại sao Bộ lại quyết định bỏ việc miễn thi cho 20% học sinh giỏi? 

Việc dự kiến miễn thi cho 20% học sinh giỏi là một chủ trương đúng và có tính chất khuyến khích học sinh. Tuy nhiên, sau khi trao đổi với các cơ sở giáo dục về việc này thì có một thực tế đặt ra là điều kiện, hoàn cảnh mỗi địa phương khác nhau. 

Thứ 2, việc miễn thi có phần gây phức tạp khó khăn cho địa phương trong việc triển khai. Vì vậy, Bộ chủ trương trong năm nay chưa thực hiện miễn thi tốt nghiệp.

Năm nay Bộ có lắng nghe ý kiến phản hồi để đưa môn Ngoại ngữ thành môn tự chọn, nhưng việc dạy và học môn này trong trường phổ thông có bất cập, yếu kém, và Bộ cũng nói việc xem Ngoại ngữ là môn cộng điểm cũng là cách để tiến nhanh, nâng cao chất lượng ngoại ngữ trong đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020. Vậy lần này chuyển thành môn tự chọn thì ngoại ngữ phải chăng đi ngược lại mong muốn?

Trong bối cảnh chúng ta hướng tới hội nhập quốc tế thì môn ngoại ngữ là rất quan trọng, chúng ta đang thực hiện những giải pháp rất căn bản để giữ ổn định đó. Chúng ta đánh giá đúng vai trò môn ngoại ngữ dù là có thi là môn khuyến khích hay hiện là tự chọn thì đều đánh giá đúng vị trí của môn ngoại ngữ.

Việc đưa ngoại ngữ thành môn tự chọn là trên cơ sở tiếp thu những góp ý, nguyện vọng của học sinh, phụ huynh và xã hội. Lộ trình môn ngoại ngữ chắc chắn phải là môn thi bắt buộc, nhưng khi đó hình thức thi ngoại ngữ cũng sẽ khác, linh hoạt hơn, toàn diện hơn.

Xin cảm ơn ông.
Xuân Trung (ghi)