Những đứa trẻ chạy sô học hè

25/06/2015 05:08
Phan Tuyết
(GDVN) - Hè là khoảng thời gian để trẻ vui chơi hay tranh thủ học tập? Câu hỏi này đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều của phụ huynh.

LTS: Việc học là việc cả đời, ai cũng biết câu đó. Nhưng có mấy người hiểu ý nghĩa thực của câu nói này? Họ không hiểu, nên dù con cái được nghỉ hè, họ vẫn buộc các con phải đi học...

Cô giáo Phan Tuyết đã thay lời mà nêu lên thực trạng đáng buồn này.

Trước khi đi vào vấn đề chính, phải thừa nhận rằng có một số phụ huynh đã biết tận dụng những ngày hè quý báu của trẻ để cho các em về thăm quê, đi du lịch hay tham gia trải nghiệm ở những lớp dạy kĩ năng sống. Một số khác lại sử dụng kì nghỉ hè của trẻ theo sở thích riêng của chúng, rất hữu ích. 

Vậy nhưng, thay vì cho các em vui chơi, giải trí, nhiều bậc cha mẹ đã tận dụng khoảng thời gian này bắt con trẻ nhồi nhét đủ loại kiến thức vào đầu chúng, hết học chương trình mới đến học các môn năng khiếu…

Lịch học hè của nhiều học sinh còn dày đặc hơn cả trong năm học.

Trẻ mệt mỏi vì lịch học chạy sô (Ảnh: kienthucgiadinh)
Trẻ mệt mỏi vì lịch học chạy sô (Ảnh: kienthucgiadinh)

Thử đọc thời gian biểu của cậu bé Huy, học sinh lớp 3 ở Bình Thuận: Sáng 7 giờ -9 giờ học văn hóa; 9 giờ 30 – 11 giờ 30 học thêm Anh Văn ở trung tâm.

Chiều 2 giờ - 4 giờ học vẽ ở nhà thiếu nhi; 4 giờ 30- 6 giờ 30 học võ. Cứ thế ngày nào cũng lặp lại những công việc ấy. 

Nhà chỉ có mình Huy nên cha mẹ luôn đầu tư vì sợ:“Nó thua chúng bạn”. Mẹ Huy không đi làm mà chỉ việc làm tài xế đưa em đi học nơi này rồi đến nơi khác.

Mẹ Huy nói: “Chở nó đi học không mệt nhưng cực nhất là gọi con dậy mỗi lúc nó ngủ.

Sáng phải lay con dậy lúc 6 giờ 30 phút để làm vệ sinh và ăn sáng. Chiều dậy lúc 1 giờ 30 phút. Nhiều hôm gọi hoài mới dậy còn làu bàu mẹ:“Sao hè mà mẹ bắt con phải học nhiều thế, con không thích nghỉ hè đâu”. Nghĩ thương con nhưng không học, qua năm thua chúng bạn thì sao”

Còn cô bé Bảo Ngọc học sinh lớp 4, cũng ở Bình Thuận lại được cha mẹ gửi luôn ở một cơ sở của một giáo viên đã về hưu. Sáng học bài đến hơn 10 giờ, ăn cơm, rồi ngủ. Chiều học tới 4 giờ. 

Mẹ đón ra chỉ kịp đưa bé tới hàng bánh canh ăn vội là đến giờ chở con tới lớp học Anh Văn của một trung tâm gần đó.

Nhìn bé mệt mỏi, uể oải đưa muỗng bánh canh lên miệng tôi cảm thấy ái ngại. Tôi hỏi mẹ bé:“Sao cho con học nhiều thế, trông nó mỏi mệt tiếp thu sao nỗi”?

Mẹ em phân trần“Biết thế nhưng không học qua năm sao theo kịp? Nghe nói lớp 4 là chương trình khó nhất nên em rất sợ cháu học đuối”. 

Các bé lớp lớn còn thế những bé năm nay mới bắt đầu vào lớp 1 thì sao? Ngoài việc gửi cho con học thêm kiến thức lớp 1, một số phụ huynh còn gửi các em luyện viết chữ đẹp ở một số địa điểm khác.

Nhìn những đứa trẻ còn non nớt cặm cụi đưa từng nét chữ sao cho tròn ô, đúng chiều cao, đúng độ rộng…mà thấy thương. 

Học kiến thức lớp 1, luyện viết chữ đẹp xong, mẹ lại tất tả chở con qua trung tâm Anh ngữ.

Con vào học, ba mẹ nhấp nhỏm đứng chờ để còn kịp cho bé vào lớp học đàn sau đó. Có em mệt mỏi, muốn ngủ nên ngáp ngắn ngáp dài, uể oải bước đi trong tiếng giục giã của ba mẹ.

Những đứa trẻ chạy sô học hè ảnh 2

Cha mẹ chính là thủ phạm đánh cắp mùa hè tuyệt vời của con trẻ

GDVN) - Nhiều cha mẹ đã gây sức ép cho con như thế, tước đoạt mất mùa hè ngắn ngủi của con sau 10 tháng trời đằng đẵng sách vở...

Và còn nhiều rất nhiều những đứa trẻ học hết ca này phải chạy qua ca khác, học đủ thứ mà cha mẹ thích, dù mệt mỏi, dù không hào hứng nhưng các em cũng không được phép nghỉ.

Bắt con học nhiều là bởi cha mẹ luôn có những nỗi lo, sự kỳ vọng quá lớn vào những đứa con của mình.

Họ nghĩ học nhiều “không được cái này cũng được cái khác”. Vì thế, nhiều gia đình đang đánh cắp dần tuổi thơ của các em.

Phan Tuyết