Phó thủ tướng: Sau phổ thông, giáo dục như ma trận

15/08/2014 15:45
Xuân Trung
(GDVN) - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, chúng ta xác định mô hình giáo dục giữa các cấp học sao để tương thích với quốc tế, vấn đề này phải làm rõ.

Xếp hạng, kiểm định đại học nên để các Hiệp hội độc lập

Đánh giá về hệ thống giáo dục hiện nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, mặc dù Nghị quyết TƯ nói trước mắt giữ hệ thống giáo dục như hiện nay. Chương trình, sách giáo khoa phổ thông định hướng hoặc 2-3 năm cuối sẽ được phân ra, phân hóa theo tự nhiên, xã hội, hàn lâm hay ứng dụng. Về hệ thống này theo Phó thủ tướng sẽ cần phải bàn kỹ. 

“Tuy nhiên, bậc phổ thông cũng dễ hiểu không có nhiều rắc rối nhưng bắt đầu sau phổ thông thì như một ma trận, và tôi cũng đã được xem một vài mô hình cung cấp, có hình vuông, hình thoi, hình tròn và các mũi tên đánh chung vào với nhau rất lằng nhằng” Phó thủ tướng bày tỏ.

Phó thủ tướng: Sau phổ thông, giáo dục như ma trận ảnh 1

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam có ý kiến chỉ đạo Hội nghị hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng từ xa., được truyền hình trực tuyến. Ảnh Phan Hoàng.

Cũng theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, giáo dục phải làm sao xác định bậc trung cấp như thế nào, bậc cao đẳng như thế nào khi mà ngay bậc cao đẳng có tới 3 loại (Cao đẳng nói chung, Cao đẳng nghề, Cao đẳng cộng đồng) và đến Đại học, phân ra theo luật Giáo dục đại học đang tiến hành làm phân tầng.

Phân tầng có Đại học nghiên cứu, Đại học ứng dụng, Đại học thực hành…Phó thủ tướng đặt câu hỏi vậy từng khối hình vuông, hình tròn ấy như thế nào, liên thông lẫn nhau ra làm sao để tương thích với quốc tế thì phải làm rõ.

Tiếp đến là xếp hạng đại học sẽ căn cứ vào đâu, ai kiểm định? Phó thủ tướng cho rằng, Luật Giáo dục đại học quy định Nhà nước công nhận xếp hạng các trường đại học nhưng liệu Nhà nước có chuẩn bị để kiểm định phục vụ cho xếp hạng hay không? Do đó, đây là câu chuyện liên quan tới vai trò của hiệp hội, của tổ chức độc lập.

Theo ý kiến của Phó thủ tướng, nếu đúng theo xu hướng thì Bộ GD&ĐT không nên trực tiếp làm quá trình này mà tốt nhất là nên để hiệp hội làm.

“Sau này chúng ta có hệ thống, có ô, mũi tên, các số đính kèm, ai nhìn cũng hiểu, rõ ràng tương thích với thế giới, có  tổ chức độc lập tin cậy đánh giá từng trường là tham số rất tốt để học sinh, phụ huynh định hướng. Tôi đề nghị các đồng chí có trách nhiệm cùng bàn, cùng làm tiếp và bàn ở Uỷ ban đổi mới giáo dục quốc gia chính thức công bố lên cơ cấu hệ thống cơ cấu này” Phó thủ tướng chỉ đạo.

Làm sao trường công nhưng hiệu quả phải như Doanh nghiệp

Trước các câu chuyện của nhiều trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Nhà nước chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục, y tế và các dịch vụ công, các vấn đề này phải được xem xét nghiêm túc.

Phó thủ tướng lấy ví dụ, cách đây 20 năm trước đất nước có 11.000 doanh nghiệp nhà nước, sau đó cho doanh nghiệp quốc doanh phát triển và cũng trải qua nhiều lần sửa các luật để tạo môi trường bình đẳng như ngày nay. Tuy nhiên, cùng với việc sửa các luật, nghị định, chính sách để doanh nghiệp quốc doanh phát triển còn có một công đoạn quan trọng (có lúc gọi là đổi mới hoặc tái cơ cấu) sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước từ 11.000 xuống dưới 1.000, trong khi vẫn khuyến khích các doanh nghiệp ngoài quốc doanh phát triển.

Về số lượng các trường Đại học, cao đẳng ngoài công lập hiện nay theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng còn rất ít, tỷ lệ học sinh còn ít. Nhưng giáo dục hay y tế là dịch vụ đặc biệt vì liên quan đến con người nên không thể đơn giản làm như doanh nghiệp là giải tán bớt đơn vị công để cho tư nhân phát triển. Tuy nhiên, Phó thủ tướng lưu ý, chúng ta phải tính tới cơ chế quản lý làm sao trường là trường công nhưng hiệu quả như một doanh nghiệp.

Phó thủ tướng: Sau phổ thông, giáo dục như ma trận ảnh 3

Chông gai con đường đến lớp của trẻ mầm non thành phố

Không thể cho con vào trường công do hạn hẹp chỉ tiêu, nhiều phụ huynh quyết định chuyển sang trường tư, nhưng tìm trường ưng ý lại càng khó.

“Các trường Đại học công bây giờ là lực lượng chính, Nhà nước đầu tư rất nhiều tiền của, đất đai, nhà cửa, đào tạo giáo viên, bây giờ chúng ta làm sao khuyến khích thực hiện đúng tinh thần tự chủ. Nhưng tự chủ với một tinh thần Nhà nước đã đầu tư cho chúng tôi rồi, bây giờ chúng tôi không cần bầu sữa của Nhà nước nữa. Bây giờ phải tính cụ thể, sòng phẳng” Phó thủ tướng cho biết.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng lưu ý các trường công còn phải tính thêm 1 năm Nhà nước rót thêm là bao nhiêu, nếu chia ra từng học sinh thì tiền cộng lại là bao nhiêu, ngoài học phí còn các khoản thu gì nữa?

“Chúng ta phải tính toán sao cho chúng ta xin tự chủ đừng để cảnh thừa mấy chục tỷ trong tài khoản mà không tiêu được vì phải xin phép. Nhưng muốn tự chủ được phải mạnh dạn không xin ngân sách nữa. Chúng ta có làm được không? Chúng ta làm được. Tôi giật mình hóa ra mấy trường đã xin tự chủ mà xin mãi không được. 

Tôi đề nghị bộ phải quyết liệt cái này nếu có thể được thì phải sớm đưa ra Chính phủ xem giao quyền tự chủ cho các trường về nhân sự, tài chính, chương trình đào tạo như thế nào, đi kèm với đó thì đó học phí ở mức nào. Trên một tinh thần trước mặt động viên, tạo điều kiện cho những trường mạnh dạn, dũng cảm tham gia tự chủ tiến tới dần dần toàn hệ thống trường công phải như vậy. Qua đó gắn với giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho các trường tư thục” Phó thủ tướng chỉ đạo.

Xuân Trung