Phụ huynh lớp 1 phải đóng góp mua 17 danh mục, Sở Giáo dục Ninh Bình nói gì?

03/10/2020 06:49
Vũ Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình cho biết, đã yêu cầu phòng giáo dục báo cáo việc phụ huynh Lê Hồng Phong phải đóng góp mua 17 danh mục.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, phụ huynh Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) bức xúc trước việc ban đại diện cha mẹ học sinh lớp bổ đầu mỗi phụ huynh đóng góp trên 1,5 triệu đồng mua sắm 17 hạng mục.

Theo đó, phụ huynh lớp 1 Trường Tiểu học Lê Hồng Phong gửi kèm theo bảng kê hàng loạt đồ dùng với tổng số tiền lên đến trên 41,8 triệu đồng và 450.000 tiền quỹ lớp.

Với số học sinh 38 em, mỗi phụ huynh sẽ phải đóng góp trên 1,5 triệu đồng khi con lên lớp một ngay thời điểm mới bước vào năm học mới.

Có ý kiến phụ huynh cho rằng, việc ban phụ huynh “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” đứng ra lo lắng, mua sắm cho các con mới bước vào lớp 1 rất đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, việc lạm dụng danh nghĩa ban phụ huynh lớp để việc đóng góp đầu năm trở thành gánh nặng đối với phụ huynh thì không nên và không đúng với tinh thần của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Lương Thị Thanh Vân, Trường phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ninh Bình cho biết đã nắm được thông tin vụ việc tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Bà Lương Thị Thanh Vân cũng cho biết thêm, qua nắm bắt tình hình, nội dung phụ huynh phản ánh là ban phụ huynh lớp tự đứng ra thu. Nhà trường không phát động, không có chủ trương.

Cũng theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ninh Bình, tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong chưa tiến hành họp ban phụ huynh các lớp đầu năm học.

Bà Lương Thị Thanh Vân khẳng định: “Bảng kê các thiết bị, đồ dùng cần mua trên là do ban phụ huynh một lớp tự liệt kê ra. Còn việc đóng góp thì chưa phụ huynh nào phải đóng góp. Đó là việc làm sai của ban phụ huynh.

Ngày từ đầu năm học cũng như trong các cuộc họp, Phòng luôn quán triệt rất nhiều lần về vấn đề thu chi đầu năm học để không xảy ra những vấn đề liên quan đến đóng góp khiến phụ huynh bức xúc”.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường TH Lê Hồng Phong.

Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (Thành phố Ninh Bình). Ảnh: Trường TH Lê Hồng Phong.

Trong khi đó, bà Bùi Thị Khuyên, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình cho biết, Sở đã nắm được thông tin đóng góp tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong.

Bà Bùi Thị Khuyên cũng cho biết: “Sở đã yêu cầu lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo Thành phố Ninh Bình báo cáo, giải trình về nội dung báo phản ánh".

Theo bà Khuyên, Sở sẽ tiếp tục ban hành văn bản để chấn chỉnh việc thu chi đầu năm, đặc biệt đối với các ban phụ huynh lớp, ban phụ huynh trường.

Danh mục cần mua sắm tại lớp 1C Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ảnh: PHCC.

Danh mục cần mua sắm tại lớp 1C Trường Tiểu học Lê Hồng Phong. Ảnh: PHCC.

Trao đổi với phóng viên, cô Nguyễn Thị Bích Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Hồng Phong cho biết: “Sau khi báo phản ánh, nhà trường đã họp với ban phụ huynh lớp 1C về danh sách phụ huynh phải đóng trên 1,5 triệu đồng.

Ban phụ huynh lớp đã nhận sai và nói do ban phụ huynh tự lên danh sách và đang trong quá trình xin ý kiến các phụ huynh trong lớp chứ chưa thu.

Nhà trường cũng đã chấn chỉnh và yêu cầu ban phụ huynh lớp đó và các ban phụ huynh trong toàn trường thực hiện nghiêm theo thông tư 55 của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như hướng dẫn, chỉ đạo của các cấp”.

Trước đó, phụ huynh lớp 1C Trường Tiểu học Lê Hồng Phong bức xúc trước việc ban phụ huynh lớp đưa ra một loạt danh sách các khoản phải mua sắm rồi bổ đầu phụ huynh. Bình quân mỗi phụ huynh sẽ đóng góp trên 1,5 triệu đồng vào đầu năm học.

Phụ huynh này cho rằng: "Nếu như điều hòa lớp 5 ra trường không để lại thì đầu cấp phụ huynh có thể cùng đóng góp để cho các con mát mẻ trong 5 năm học tiểu học.

Tuy nhiên, còn có quá nhiều khoản khác phụ huynh lớp phải đóng tiền mua như tủ gỗ, rèm lớp, lắp khóa, tivi....chẳng lẽ những đồ dùng, thiết bị này dùng mấy năm đã hỏng mà phải thay mới. Đây là những khoản rất vô lý và trở thành gánh nặng cho phụ huynh.

Đâu phải một nhà có một cháu đi học mà mấy cháu cùng đi học mà lớp nào cũng đóng như này thì đầu năm học mới còn gì là vui nữa".

Nói về ban đại diện cha mẹ học sinh, từng nhiều người cho rằng họ như những “cánh tay nối dài” của ban giám hiệu nhà trường.

Bởi vậy, để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động hiệu quả vì học sinh, các phụ huynh đều có quyền lợi và trách nhiệm chung, ban đại diện cha mẹ học sinh và nhà trường phải có cách lấy ý kiến công khai, dân chủ trong mọi kế hoạch, hoạt động.

Để ban đại diện cha mẹ học sinh hoạt động tốt, hiệu quả cần thực hiện đúng theo quy định điều lệ. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho học sinh, vì học sinh.

Tránh trường hợp nhiều cha mẹ phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” thuận theo ban đại diện, ban giám hiệu mà trong lòng không vui.

Vũ Phương