Quy định mới có khiến giáo viên bất lực khi dạy học sinh cá biệt?

09/11/2020 06:07
NHẬT KHOA
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hiện nay, ngành giáo dục và cả giáo viên vẫn đang “lúng túng” trong việc xử lý học sinh vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng.

Gần đây, tranh luận rất nhiều về các quy định mới của ngành giáo dục như giáo viên không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường hay việc cho phép học sinh được sử dụng điện thoại di động vào mục đích học tập nếu được giáo viên cho phép.

Đây là hai vấn đề tranh cãi gay gắt nhất, trái chiều nhất. Tuy nhiên, theo tôi những lợi ích thì chưa thấy nhưng những hệ lụy thì rất rõ ràng.

Theo quan điểm cá nhân tôi, hiện nay đang trong giai đoạn cần chấn chỉnh nề nếp, dạy thật học thật, khi mà nhiều vụ bạo lực học đường gia tăng thì việc ban hành các quy định trên hiện nay, sẽ khiến việc giáo dục học sinh cá biệt, giáo dục học sinh nói chung, tinh thần tôn sư trọng đạo có phần khó giáo dục hơn. Có thể thay bằng các biện pháp khác nhân văn hơn cho cả thầy và trò.

Giáo viên còn quyền gì xử lý học sinh vi phạm kỷ luật?

Mới đây nhất, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành dự thảo (lần 2) Thông tư Quy định về khen thưởng và kỉ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông thay thế Thông tư 08/1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ảnh minh họa chụp từ màn hình phóng sự của VTV.

Ảnh minh họa chụp từ màn hình phóng sự của VTV.

Thì tại dự thảo mới chỉ còn 3 hình thức kỷ luật gồm: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.

Bên cạnh đó, tại Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học được ban hành kèm theo Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2020 thì không được xử lý kỷ luật học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện bằng hình thức phê bình trước lớp, trước trường.

Cụ thể, căn cứ vào khoản 2 Điều 38 Thông tư số 32, học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm;

Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm;

Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Với những quy định mới này, thì thực tế giáo viên trực tiếp đứng lớp thì không còn quyền gì để xử lý học sinh, chỉ được nhắc nhở mà nhắc nhở chung, chứ nhắc nhở tên trước lớp không khéo lại vi phạm quy định không được phê bình học sinh trước lớp.

Giáo viên đã trực tiếp đứng lớp sẽ thấy nỗi khổ của giáo viên, áp lực những chỉ tiêu “ảo” về học sinh lên lớp, xử lý học sinh nhất là học sinh cá biệt hiện nay có rất nhiều trong trường.

Hiện nay ngành giáo dục và cả giáo viên vẫn đang “lúng túng” trong việc xử lý học sinh vi phạm, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng.

Nên nếu không có biện pháp xử lý phù hợp thì môi trường giáo dục sẽ trở nên bạo lực hơn, học sinh sẽ có nhiều học sinh vi phạm hơn, cá biệt hơn.

Với những quy định trên, thì hiện nay hầu như đã không còn “quyền” để xử lý học sinh cá biệt hay các học sinh khác.

Cả lãnh đạo nhà trường và hội đồng sư phạm hiện nay đều rất khó trong xử lý, hay nói cách khác là đang “bất lực” trong việc xử lý và tìm ra cách xử lý các học sinh vi phạm.

Nếu bây giờ khi dạy một học sinh cứ liên tục vi phạm nhiều nội quy như không học bài, không làm bài, đi trễ, trốn tiết,… thậm chí xúc phạm nhân phẩm, thân thể học sinh và cả giáo viên thì ngoài việc liên hệ gia đình thì giáo viên còn lấy “quyền” gì để xử lý học sinh.

Những chuyện “tày đình” như học sinh xúc phạm nhân phẩm, thân thể giáo viên xuất hiện trong thời gian gần đây, do giáo viên lúng túng trong cách xử lý, nay cộng thêm quy định trên thì rõ ràng có thể sẽ có rất nhiều trường hợp giáo viên “bất lực” với học sinh cá biệt, dạy học theo kiểu “sống chết mặc bây”.

Một thực tế nếu học sinh biết vâng lời giáo viên, biết “sợ” giáo viên thì không chỉ em đó học tốt mà cả lớp cũng học tốt, mà “sợ” là do nội quy tốt.

Nội quy bao gồm khen thưởng và kỷ luật, khi mà chúng ta không có kỷ luật, không có cả kỷ luật tích cực thì lấy gì để giáo dục học sinh. Rõ ràng lợi bất cập hại.

Học sinh phổ thông sử dụng điện thoại, đa số có “hại”

Hiện nay, với quy định chỉ có giáo viên bộ môn mới có quyền không cho hay cho học sinh sử dụng điện thoại vì mục đích học tập.

Do đó, trường học sẽ không còn cấm học sinh đem điện thoại vào trường, được sử dụng điện thoại trong trường, sau đó khi vào lớp thì giáo viên bộ môn mới yêu cầu học sinh không được sử dụng điện thoại hoặc cho sử dụng vì mục đích học tập.

Khi đó, giáo viên cấm học sinh tuy nhiên sẽ không quản lý được, học sinh sẽ sử dụng “lén lút” truy cập mạng, nhắn tin, quay phim, chụp hình,… không tập trung học, giáo viên sẽ rất khó quản lý, thậm chí gây nhiều hệ lụy khôn lường.

Ngay cả khi giáo viên cho phép học sinh sử dụng vì mục đích học tập nhưng học sinh làm việc khác, giáo viên cũng không thể quản lý nổi.

Việc ban hành quy định cho học sinh sử dụng điện thoại truy cập tài liệu học tập, tham khảo tuy có ý tốt tuy nhiên không thể thực hiện được vì lứa tuổi học sinh cấp 2, 3 rất hiếu động, khi có điện thoại sẽ không tập trung vào bài học mà chỉ tập trung vào những việc khác, giáo viên không sử dụng điện thoại sẽ rất “loạn”, vả lại nếu cho truy cấp thì cả lớp 40 – 50 học sinh, mỗi học sinh phải có một điện thoại di động.

Việc này, nên có thể cho thử nghiệm ở một vài trường chuyên, lớp chọn đánh giá hiệu quả rồi mới triển khai sẽ được đồng thuận hơn.

Hiện nay, tôi tin rằng rất ít giáo viên nào có thể điều khiển được cho học sinh sử dụng điện thoại để dạy học. Nếu chỉ có thì thông qua tiết tin học phần internet hoặc hoạt động ngoài giờ, trải nghiệm.

Tại cơ quan tôi khi làm một khảo sát thì cả 100% đều đồng ý với quy định không cho học sinh sử dụng điện thoại vì “hại” nhiều hơn lợi. Thậm chí tập thể sư phạm còn làm đơn kiến nghị tập thể lên hiệu trưởng, không cho học sinh sử dụng điện thoại.

Muốn tham khảo tài liệu, ngữ liệu học tập thì học sinh có thể sử dụng trong giờ khác, còn trong giờ học là điều không thể, rất khó quản lý vả lại thời gian 1 tiết học cũng không cho phép.

Có một thực tế rằng trong các phiên họp hội đồng, các buổi tập huấn ngay cả việc giáo viên sử dụng điện thoại để truy cập mạng xã hội, nhắn tin, xem video,… còn khó quản lý chứ đừng nói gì đến học sinh.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu và có các văn bản phù hợp để khi thực thi, giáo viên không bị bỏ rơi, giáo viên không phải chịu thiệt thòi, áp lực khi thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục. Đừng để môi trường giáo dục méo mó, thầy không ra thầy, trò không ra trò.

NHẬT KHOA