Rau sạch, thịt lợn sạch, thầy và trò cùng nhau ăn Tết

14/01/2020 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Xuân đang về trên khắp mọi miền của Tổ Quốc. Tại các trường vùng cao cũng đang rục rịch chuẩn bị một cái Tết ấm no, vui vẻ cho học sinh.

Rau sạch, thịt lợn sạch, thầy và trò cùng nhau gói bánh chưng

Vườn rau xanh mướt của trường phổ thông dân tộc bán trú xã An Lương (Văn Chấn, Yên Bái) đã sẵn sàng phục vụ học sinh trong những ngày giáp Tết. Đã thành thông lệ, năm nào nhà trường cũng tổ chức những bữa ăn chiều cuối năm cho học sinh.

Thông lệ này được duy trì qua nhiều năm với mong muốn: Học sinh có một cái Tết ấm no và vui vẻ, hạnh phúc với mái trường.

Mùa đông, ở trường bán trú, học sinh không còn lạnh
Mùa đông, ở trường bán trú, học sinh không còn lạnh

So với học sinh miền xuôi, học sinh các trường vùng cao, vùng sâu, vùng xa  có thể thiệt thòi hơn về mặt vật chất nhưng về mặt tình cảm thì không bao giờ thiếu.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Quang Diện cho biết:

“Toàn bộ rau sạch được trồng ở trường đều do học sinh tự tay vun vén.

Những luống rau xanh mướt sẽ phục vụ chính bữa ăn của các em.

Không chỉ những ngày Tết mà những ngày thường học sinh cũng luôn được đảm bảo những bữa ăn ngon và an toàn. Nhà trường cũng cố gắng cải thiện khẩu phần ăn cho các em.

Tất nhiên vào những ngày giáp Tết nhất là sau ngày ông Công, ông Táo bữa ăn sẽ đầy đặn hơn so với ngày bình thường. Nhà trường cũng cố gắng tổ chức gói bánh chưng cho học sinh”.

Những luống rau xanh mướt phục vụ bữa ăn ngày Tết cho học sinh (Ảnh:V.N)
Những luống rau xanh mướt phục vụ bữa ăn ngày Tết cho học sinh (Ảnh:V.N)

Cách dăm quả núi, tại ngôi trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt (Mù Cang Chải, Yên Bái), những luống rau của thầy và trò cũng đang lên xanh mơn mởn. Những luống rau này phục vụ chính nhu cầu ăn uống của học sinh.

Những ngày giáp Tết, không khí Xuân đang về trên từng chùm hoa, nóc nhà. Trong khoảng đất nhỏ xinh, những đứa trẻ người dân tộc H’Mông, người Dao đang vun xới những luống rau. Những luống rau sạch, thịt lợn sạch, hoa quả sạch phục vụ chính bữa ăn của các em.

Mỗi tuần nhà trường đều tổ chức hai buổi văn nghệ cho học sinh. Vào những ngày này, đội văn nghệ của trường tích cực tập luyện các tiết mục chào đón Xuân. Các tiết mục văn nghệ vừa mang âm hưởng văn hóa dân gian lại có giá trị giáo dục to lớn.

Nhiều trường duy trì bữa ăn tất niên cho học sinh (Ảnh:V.N)
Nhiều trường duy trì bữa ăn tất niên cho học sinh (Ảnh:V.N)

Cô Nguyễn Thị Liên, hiệu trường trưởng Phổ thông Dân tộc Bán trú Nậm Khắt vui mừng chia sẻ những thành tích nhà trường đã đạt được. Đặc biệt là thành công của mô hình dồn điểm lẻ về điểm chính, mô hình vườn rau cho em và bữa ăn “cơm có thịt” do nhà trường tổ chức:

“Những luống rau sạch và tươi tốt do chính học sinh và thầy cô vun vén. Chúng tôi luôn đảm bảo nguồn thực phẩm sạch phục vụ học sinh quanh năm nhất là những dịp giáp Tết Nguyên đán”.

Không chỉ đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, những bữa ăn tươi ngon, dinh dưỡng cho học sinh. Tại nhiều trường vùng cao, không khí đón Xuân cũng được trang hoàng rực rỡ.

Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng được các trường tổ chức (Ảnh:V.N)
Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng được các trường tổ chức (Ảnh:V.N)

Ngôi trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Nghĩa Thuận năm nào cũng mổ lợn chia cho học sinh hoặc dùng để gói bánh chưng. Những chú lợn này được nuôi bằng thức ăn và cơm thừa của học sinh bán trú.

Cô giáo Đinh Loan Vân, hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Tết của học sinh và thầy cô giáo vùng cao tuy điều kiện vật chất không bằng dưới xuôi. Tuy nhiên các trường luôn cố gắng tổ chức đón Tết thật vui vẻ và ấm no cho thầy và trò nhà trường.

Bên cạnh việc nuôi lợn chúng tôi cũng có mô hình trồng rau sạch do thầy và trò tự chăm sóc. Thông qua hoạt động này bên cạnh việc đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cũng là một cách giáo dục tinh thần yêu lao động cho học sinh”.

Không lơ là ổn định lớp, đảm bảo học sinh không bỏ học

Tại huyện Trạm Tấu – huyện khó khăn nhất của tỉnh Yên Bái, thầy và trò trường Tiểu học bán trú xã Bản Công luôn cố gắng duy trì sĩ số lớp trong khoảng từ 98-100%.

Thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm trước đây sau mỗi kỳ nghỉ hè và giáp Tết, sau Tết nhà trường rất vất vả vận động học sinh đi học.

Trường học bán trú đã thay đổi giáo dục vùng cao
Trường học bán trú đã thay đổi giáo dục vùng cao

Tại một số thôn bản, vào giúp giáp Tết thường có tình trạng học sinh khó khăn bỏ học để đi làm thời vụ kiếm thêm tiền phụ gia đình.

Mấy năm trước chúng tôi còn phải đốt đuốc, băng rừng đến từng thôn bản để vận động học sinh đi học. Tuy nhiên bây giờ tình trạng này không còn nữa.

Bên cạnh công tác vận động và kết hợp với chính quyền địa phương thì ý thức và nhận thức của học sinh, phụ huynh đã được nâng lên đáng kể.

Bản thân phụ huynh học sinh cũng nhận thấy cho con đi học được nhiều lợi ích hơn ở nhà. Các em đến trường được học tập, vui chơi, ăn uống đầy đủ. Phụ huynh vì thế rất phấn khởi”.

Cô giáo Trần Thu Hằng, hiệu trưởng trường Tiểu học Tả Ngài Chồ (Lào Cai) phấn khởi: 

“Hiện nay tình trạng học sinh bỏ học dịp đầu năm và dịp giáp Tết là gần như không còn nữa.

Trường và lớp của chúng tôi luôn duy trì sĩ số 100% học sinh đi học đầy đủ. Bên cạnh công tác vận động, tuyên truyền, một trong những tiến bộ đó là nhận thức của phụ huynh đã thay đổi. 

Với một xã vùng biên như Tả Ngài Chồ, trước đây các em thường bỏ học đi làm thuê. Nhưng hiện nay học sinh được tạo mọi điều kiện ăn học cho nên các em không còn bỏ học nữa”.

Học sinh được dạy con chữ, dạy cách làm người (Ảnh:V.N)
Học sinh được dạy con chữ, dạy cách làm người (Ảnh:V.N)

Thành công trong việc đảm bảo sĩ số của các trường vùng cao dịp giáp Tết chứng minh được hiệu quả của mô hình trường bán trú.

Vào dịp này, trường của cô Hằng lại nô nức tổ chức các hoạt động văn nghệ, múa hát hoặc thi làm tranh từ các sản vật địa phương như hạt ngô, hạt gạo.

Cô Hằng nhấn mạnh: “Thông qua các hoạt động này nhà trường cũng muốn các em có một không khí học tập lành mạnh. 

Bên cạnh đó chúng tôi cũng thường xuyên lồng ghép các yếu tố văn hóa truyền thống vào trong các bài giảng. Để làm sao học sinh vừa học, vừa vui mà không mất đi nguồn cội”.

Xuân đã về trên những ngôi trường vùng cao. Một năm qua, giáo dục vùng cao đã có nhiều khởi sắc. 

Những ngôi trường bán trú với các thầy cô thay cha, thay mẹ học sinh luôn mở rộng cánh tay đón các em vào lòng; dạy học sinh con chữ, dạy các em làm người.

Vũ Ninh