Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên dừng thí điểm song bằng

02/08/2018 07:00
Vũ Thái
(GDVN) - Luật Giáo dục quy định, ai tự ý thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Biết trái quy định, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn làm 

Bài viết "Phép vua" thua lệ Sở Giáo dục Hà Nội đăng ngày 27/7 vừa qua, chúng tôi đã phân tích việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tổ chức thí điểm "song bằng" liên kết với tổ chức nước ngoài làm dịch vụ thu phí trong trường công lập là trái quy định tại Điều 6, Nghị định 86/2018/NĐ-CP ngày 6/6/2018 của Chính phủ.

Tuy nhiên, Nghị định 86/2018/NĐ-CP chỉ có hiệu lực từ ngày 1/8/2018.

Trước đó hoạt động hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được quy định tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP ngày 26/9/2012 của Chính phủ. Nghị định 73/2012/NĐ-CP chỉ rõ:

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Liên kết đào tạo là hình thức hợp tác giữa cơ sở giáo dục Việt Nam và cơ sở giáo dục nước ngoài nhằm thực hiện chương trình đào tạo để cấp văn bằng hoặc cấp chứng chỉ mà không thành lập pháp nhân.

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: VA / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tiến sĩ Chử Xuân Dũng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, ảnh: VA / Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

2. Cơ sở giáo dục bao gồm cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và cơ sở giáo dục thường xuyên.

3. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng nghề.

4. Cơ sở dạy nghề bao gồm trung tâm dạy nghề, trường trung cấp nghề và trường cao đẳng nghề.

5. Cơ sở giáo dục đại học bao gồm trường đại học và trường cao đẳng...

Điều 7. Đối tượng và phạm vi liên kết đào tạo

1. Đối tượng liên kết đào tạo:

a) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam;

b) Cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học được thành lập và hoạt động hợp pháp ở nước ngoài, được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng hoặc cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài công nhận về chất lượng và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của Việt Nam công nhận.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tổ chức cho các trường công lập liên kết với nước ngoài triển khai dịch vụ có thu phí dù với bất kỳ tên gọi nào, cũng không được pháp luật cho phép. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đứng ra tổ chức cho các trường công lập liên kết với nước ngoài triển khai dịch vụ có thu phí dù với bất kỳ tên gọi nào, cũng không được pháp luật cho phép. Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân.

Các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông không nằm trong đối tượng được liên kết đào tạo với nước ngoài.

Công dân được làm những gì pháp luật không cấm [1] còn cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép [2].

Trên tinh thần đó, có thể thấy rằng việc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức cho các trường phổ thông công lập liên kết với nước ngoài để làm dịch vụ, là trái cả Nghị định 73/2012/NĐ-CP lẫn Nghị định 86/2018/NĐ-CP.

Tính bất khả thi của đề án thí điểm "song bằng" 

Báo Sài Gòn Giải phóng Online ngày 21/3/2018 dẫn lời Tiến sĩ Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết:

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cùng các chuyên gia của Tổ chức Giáo dục Cambridge đã phải bàn bạc, lên kế hoạch để gộp những phần giống nhau giữa chương trình giáo dục phổ thông do Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam ban hành và chương trình đào tạo bằng tiếng Anh. [3]

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng thừa biết, thừa nhận sự quá tải khi học sinh phải học 2 chương trình 1 lúc, ông cũng biết rõ việc tích hợp kiến thức, lược bỏ những nội dung kiến thức chung trong cả 2 chương trình là việc khó.

Bởi theo giải thích của chính thày Chử Xuân Dũng, một số môn học có tên gọi chương bài nghe giống nhau, nhưng nội dung, phương pháp tiếp cận kiến thức, phương pháp giảng dạy khác nhau.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên dừng thí điểm song bằng ảnh 3

Hà Nội đang lấy chỗ học của con em nhân dân lao động để làm dịch vụ?

(Đó là chưa kể đến phương pháp tư duy, tính hệ thống, tính chỉnh thể của 2 chương trình này khác nhau).

Nhưng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã nghiên cứu, "lên một sơ đồ rõ ràng giữa 2 chương trình" nhằm giảm thiểu sự chồng chéo để học sinh vẫn đảm bảo đủ kiến thức, năng lực dù chỉ học nội dung tương tự ở một chương trình".

Những phần kiến thức giao nhau thì sẽ chọn dạy ở chương trình Cambridge để tăng cường hơn việc học tập ngôn ngữ tiếng Anh của học sinh, đó là khẳng định của Tiến sĩ Chử Xuân Dũng trên báo giới.

Thực tế cho đến nay, tất cả mới dừng lại ở quảng cáo của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội mà không có "sơ đồ rõ ràng" nào được công bố. Thông tin đề án các trường thí điểm cũng rất sơ sài.

Trong buổi giao lưu trực tuyến "Học song bằng từ lớp 6: Băn khoăn và kỳ vọng", bà Bùi Thị Minh Nga, Phó trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho hay:

"Sở chỉ đạo lựa chọn các bộ môn tham gia trong chương trình đào tạo song bằng bảo đảm đúng chuẩn của CIE, không cắt xén, thêm bớt.

...Dựa trên chương trình đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam, chúng tôi căn cứ vào các bộ môn và các kiến thức trùng của hai chương trình, dựa trên căn cứ của chương trình Cambridge để giảm tải cho các cháu học sinh. 

Tôi xin khẳng định chương trình song bằng không cắt xén chương trình của Cambridge."

Như vậy có thể thấy, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ đạo không cắt xén chương trình Cambridge, cái còn lại có thể cắt xén là chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Có thể tìm thấy minh chứng cho việc này qua Khung chương trình đào tạo song bằng IGCSE của chương trình lớp 6, năm học 2018-2019 Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân:

Môn Toán: tích hợp, giảm 1 tiết chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bổ sung 4 tiết theo chương trình IGCSE. [4]

Ảnh chụp màn hình một phần chương trình kế hoạch thí điểm song bằng tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân.
Ảnh chụp màn hình một phần chương trình kế hoạch thí điểm song bằng tại Trường Trung học cơ sở Nghĩa Tân.

Đấy là kế hoạch trên giấy. Còn trên thực tế để dạy được chương trình Cambridge phải cắt xén bao nhiêu tiết học, thậm chí môn học thì chỉ các trường "thí điểm" mới thấu.

Những thầy cô nào, trường nào lớp nào đã từng dạy thí điểm các chương trình, môn học mới, phương pháp mới có lẽ hiểu điều này hơn ai hết.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành của Việt Nam quá tải, ôm đồm, hàn lâm là điều ai cũng thấy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã thừa nhận và có chỉ đạo giảm tải khi học riêng 1 chương trình này. 

Cho nên, chất thêm 1 chương trình mới bằng tiếng Anh lên vai học sinh quả thực là một gánh nặng ghê gớm, nếu có phải "cắt xén" cũng là điều có thể hiểu được;

Nhưng hiệu trưởng các trường thí điểm song bằng cần lưu ý, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 118 Luật Giáo dục, nếu tự ý thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục.

Ngày 15/6/2018 Tiến sĩ Chử Xuân Dũng có ký quyết định số 1192/QĐ-SGDĐT phê duyệt đề án "Thí điểm chương trình đào tạo song bằng Trung học cơ sở Việt Nam và Chứng chỉ IGCSE, Anh Quốc" tại Trường Trung học cơ sở Chu Văn An, quận Tây Hồ.

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên dừng thí điểm song bằng ảnh 5

Nguy cơ tham nhũng chính sách trong giáo dục Thủ đô từ thí điểm song bằng

Quyết định này căn cứ vào Công văn số 760/BGDĐT-GDTrH ngày 5/3/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc đồng ý về chủ trương cho Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai thí điểm chương trình nhà trường:

Học chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam và chương trình IGCSE của CAIE, Anh Quốc tại một số trường trung học cơ sở của Hà Nội. [5]

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng nên đọc kỹ lại Công văn số 760/BGDĐT-GDTrH ngày 5/3/2018 xem, Bộ Giáo dục và Đào tạo có nội dung nào cho phép Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cũng như các trường thí điểm có được "thêm, bớt số môn học, nội dung giảng dạy đã được quy định trong chương trình giáo dục" không.

Nếu không, thầy Chử Xuân Dũng lẫn 9 vị hiệu trưởng các trường tham gia thí điểm "song bằng" nên hết sức thận trọng, kẻo phạm vào Điều 118 Luật Giáo dục.

Nên dừng thí điểm "song bằng" khi còn chưa gây hậu quả

Được biết thí điểm "song bằng" bắt nguồn từ sự quan tâm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đối với sự nghiệp giáo dục Thủ đô và Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, ngôi trường có bề dày truyền thống.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung mong muốn phát triển cơ sở giáo dục này trở thành ngôi trường đẳng cấp quốc tế về chất lượng giáo dục của Thủ đô, và đưa chương trình Cambridge vào nhà trường là một trong những ý tưởng để thực hiện mục tiêu ấy.

Thông báo kết luận của tập thể lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố tại cuộc họp triển khai, thực hiện thí điểm đào tạo chương trình song bằng tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An (số 201/TB-UBND ngày 22/3/2017) đã cho thấy rõ điều này:

Ủy ban nhân dân thành phố biểu dương Sở Giáo dục và Đào tạo đã ủng hộ và chuẩn bị nội dung chương trình thí điểm đào tạo song bằng tại Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, liên kết song bằng phù hợp với chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có chất lượng giáo dục và đào tạo phổ thông. [6]

Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ, việc thí điểm, liên kết đào tạo phải "phù hợp với chỉ đạo của Trung ương".

Nhiệm vụ còn lại là Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phải nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xã hội hóa giáo dục, những điều luật pháp Nhà nước cho phép và không cho phép trong lĩnh vực liên kết đào tạo với nước ngoài;

Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên dừng thí điểm song bằng ảnh 6

"Song bằng" - dạy thêm có tổ chức và bóng dáng những sân sau

Trên cơ sở đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự, bằng chính sách và không tốn ngân sách, không trái các văn bản quy phạm pháp luật.

Thậm chí Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội còn có thể tham gia góp ý xây dựng luật bằng chính thực tiễn quản lý, tháo các "chốt" chính sách để giáo dục Thủ đô, giáo dục cả nước cất cánh.

Lẽ ra với vai trò, trách nhiệm là người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô, Tiến sĩ Chử Xuân Dũng nên tham mưu cho lãnh đạo Thành phố những giải pháp hội nhập quốc tế về giáo dục bằng chính sách chứ không phải ngân sách, hiệu quả mà không tốn tiền.

Bởi lẽ cơ sở giáo dục phổ thông công lập có nhiệm vụ và thiên chức riêng của nó, việc liên kết với nước ngoài làm dịch vụ là điều Nhà nước không cho phép.

Bên cạnh đó là tính phản nhân văn, phi giáo dục và bất khả thi khi hình thành các dịch vụ liên kết với nước ngoài có thu phí trong nhà trường công lập.

Vậy Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có thể làm gì?

Tiến sĩ Chử Xuân Dũng thừa biết, trẻ em nước Anh học 1 chương trình đã "vã mồ hôi", trẻ em Việt Nam muốn "du học tại chỗ" như mong muốn của lãnh đạo Thủ đô, thì nên kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chính phủ, Quốc hội cho phép các trường tư thục mở cửa hợp tác quốc tế

Việt Nam muốn các nước công nhận văn bằng chứng chỉ bậc học phổ thông của mình, thì tại sao chúng ta không công nhận văn bằng của họ?

Như thế, học sinh Việt Nam nào muốn học chương trình quốc tế, thì chỉ cần học 3 môn bằng tiếng Việt để giữ bản sắc, truyền thống và sợi dây tình cảm gia đình, quê hương, dân tộc, đó là Tiếng Việt / Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

Còn lại hãy để thời gian, sức lực của con trẻ và đầu tư của gia đình tập trung vào chương trình quốc tế đã được thừa nhận rộng rãi.

Ngân sách nhà nước cho giáo dục nên tập trung lo cho các nhóm yếu thế trong xã hội, con em nhân dân lao động.

Còn các dịch vụ giáo dục có thu phí đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân thuộc tầng lớp trung lưu trở nên, hãy để khối tư thục làm, Nhà nước đừng nhảy vào cạnh tranh với họ, vừa dễ thất thoát, vừa sao nhãng nhiệm vụ chính trị trung tâm.

Quốc hội đang sửa Luật Giáo dục, thiết nghĩ Tiến sĩ Chử Xuân Dũng hoàn toàn có thể kiến nghị đưa nội dung này vào chương mới, Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Như vậy mới có thể thực sự góp phần thay đổi căn bản và toàn diện diện mạo giáo dục Thủ đô nói riêng, cả nước nói chung.

Những điều này hoàn toàn nằm trong tầm tay Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh, hai địa phương có trình độ kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục và hội nhập cao nhất cả nước.

Chỉ có điều, làm như vậy tuy rất có lợi cho Thủ đô / thành phố, cho đất nước, nhưng sẽ không còn các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm trang thiết bị vật chất cũng như quyền cấp phép cho các đơn vị cung cấp chương trình quốc tế muốn tham gia, hay các trường muốn "thí điểm", liệu các cơ quan tham mưu về giáo dục có còn động lực?

Nguồn:

[1]http://www.sggp.org.vn/cong-dan-duoc-lam-nhung-gi-ma-phap-luat-khong-cam-352142.html

[2]http://vneconomy.vn/thoi-su/thong-diep-2014-cua-thu-tuong-20140101051614210.htm

[3]http://www.sggp.org.vn/dao-tao-song-bang-trong-truong-pho-thong-huong-di-moi-505904.html

[4]http://thcsnghiatan.caugiay.edu.vn/tin-tuc-su-kien/ke-hoach-thuc-hien-chuong-trinh-song-bang-cambritgde-cua-tru.html

[6]https://vanban.hanoi.gov.vn/documents/10182/2518750/TB-201-2017.pdf

Vũ Thái