Thưa Thứ trưởng, 3 thầy cô dạy 1 môn ai kiểm tra, đánh giá, vào điểm, ký học bạ?

12/10/2021 06:40
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã 2 lần chỉ đạo về dạy học tích hợp nhưng các nhà trường trung học cơ sở vẫn chưa thể “xoay sở” sao cho hợp lí.

Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo nói rằng, để dạy tốt được môn học tích hợp Khoa học tự nhiên thì cần nhận thức đầy đủ về môn học và chỉ đạo thống nhất từ Bộ Giáo dục đến giáo viên.

Thế nhưng, những chỉ đạo của Bộ Giáo dục về dạy học các môn tích hợp nói chung và môn Khoa học tự nhiên cũng chỉ mang tính gợi ý, tham khảo, còn thực tế các nhà trường đang loay hoay chưa biết phải “tích” thế nào cho “hợp”.

Bộ Giáo dục hỏi dạy môn Khoa học tự nhiên thế nào, các trường có dám nói thẳng?

Ngày 5/10/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã có cuộc trao đổi trực tuyến với một số Phòng Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục cấp trung học cơ sở trên địa bàn Thành phố Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hình ảnh cuộc trao đổi trực tuyến giữa Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ với một số đơn vị giáo dục trên địa bàn Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 ngày 5/10. Ảnh: moet.gov.vn.

Hình ảnh cuộc trao đổi trực tuyến giữa Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ với một số đơn vị giáo dục trên địa bàn Hà Nội về việc dạy học môn Khoa học tự nhiên lớp 6 ngày 5/10. Ảnh: moet.gov.vn.

Tại buổi trao đổi này, các cơ sở giáo dục đã chia sẻ một số cách làm sáng tạo trong thực hiện dạy môn Khoa học tự nhiên, đặc biệt là việc bố trí giáo viên, sắp xếp thời khoá biểu sao cho hợp lý, hiệu quả.

Theo dõi sự hiến kế của một số hiệu trưởng ở Hà Nội về việc triển khai dạy môn Khoa học tự nhiên trên địa bàn thành thành phố, cá nhân tôi cảm thấy băn khoăn về cách thức thực hiện và xin có đôi điều cùng chia sẻ.

Thứ nhất, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự (quận Long Biên) cho biết, nhà trường “chạy” tuần tự chương trình theo sách giáo khoa để học sinh tiếp thu được tốt nhất và có thời điểm giáo viên môn Khoa học tự nhiên bị tăng số tiết dạy.

Cá nhân tôi cho rằng, giáo viên môn Khoa học tự nhiên bị tăng số tiết dạy, chắc chắn thầy và trò sẽ thêm áp lực, là đi ngược lại chủ trương giảm tải kiến thức của Chương trình giáo dục phổ thông mới. Hơn nữa, giáo viên dạy tăng tiết thì phải trả tiền dư giờ, tốn thêm ngân sách kéo theo phúc lợi của người lao động bị giảm sút.

Vậy nên, nếu hiệu trưởng cho rằng, việc sắp xếp thời khóa biểu môn Khoa học tự nhiên tuần tự theo chương trình sách giáo khoa thì giáo viên sẽ gặp rất thuận lợi e có phần khiên cưỡng.

Hơn nữa, Bộ Giáo dục hỏi các trường dạy môn Khoa học tự nhiên thế nào, tôi nghĩ cũng ít lãnh đạo dám nói thẳng về những khó khăn vì tế nhị.

Thứ hai, hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngô Gia Tự chia sẻ thêm, với phần nội dung giới thiệu về bộ môn Khoa học tự nhiên, nhà trường tổ chức dạy từ tuần 1 đến tuần 4 với 4 tiết/tuần; 2 tiết do giáo viên Vật lí thực hiện, 2 tiết do giáo viên Sinh học học thực hiện.

Từ tuần 5 đến tuần 10 dạy chương “Chất và sự biến đổi của Chất”, liên quan nhiều hơn đến kiến thức Hoá học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Hóa học đảm nhận, thời lượng 4 tiết/tuần. Tuần 11 đến tuần 18 dạy chương “Vật sống” thiên về kiến thức Sinh học, trường bố trí giáo viên chuyên môn Sinh học đảm nhiệm, thời lượng 4 tiết/ tuần. Tương tự như vậy với các phần nội dung còn lại ở các tuần tiếp theo.

Như thế, nhà trường phải thay đổi thời khóa biểu ít nhất 3 lần/học kì, 6 lần/năm. Trong khi đó, việc sắp thời khóa biểu phải dựa vào 3 yếu tố cơ bản: cơ sở vật chất nhà trường, thời gian học của học sinh và thời gian giảng dạy của giáo viên.

Dư luận từng phản ánh về tình trạng học sinh bị quá tải về học hành, cặp sách quá nặng… một phần cũng do các trường sắp xếp thời khóa biểu bất hợp lí. Chẳng hạn, có buổi tập trung toàn các môn khoa học xã hội, học sinh phải ghi nhớ quá kiến thức.

Bên cạnh đó, việc thay đổi thời khóa biểu liên tục cũng sẽ ảnh hưởng đến công việc của giáo viên. Theo tôi được biết, nhiều giáo viên phải giảng dạy 2 trường thì mới đủ chi phí trang trải cho cuộc sống. Việc nhà trường thay đổi thời khóa biểu nhiều lần trong học kì, giáo viên làm sao có thể sắp xếp thời gian thỉnh giảng ở trường thứ hai.

Dạy học các môn tích hợp không chỉ khó khăn về thời khóa biểu

Đại diện Bộ Giáo dục cho biết, bài toán đặt ra với môn tích hợp (Khoa học tự nhiên) là sắp xếp thời khoá biểu, tôi cho rằng đây là cách nhìn phiến diện. Trên diễn đàn Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, giáo viên đã chỉ ra rất nhiều bất cập khi triển khai dạy học tích hợp.

Có thể liệt kê một số bài viết đáng chú ý như: “Dạy môn học tích hợp, coi chừng sẽ thành thầy bói xem voi” (16/2/2021). Bài viết đã thẳng thắn chỉ ra 2 điều, môn học tích hợp – hiểu không đúng bản chất của khái niệm tích hợp và đi ngược với xu thế chuyên môn hóa, giáo viên không đủ năng lực để dạy.

Hay bài viết: “Tình hình này tôi e việc tích hợp 2-3 môn vào 1 sách sẽ vỡ trận” (ngày 4/7/2021) cho biết, giáo viên cốt cán cũng không biết phải “tích” thế nào cho “hợp”, khó tránh khỏi đào tạo giáo viên kiểu cưỡi ngựa xem hoa.

Hoặc bài viết: “3 thầy dạy 1 môn nhưng chẳng biết ai sẽ chịu trách nhiệm đánh giá chính” (ngày 10/10) đặt vấn đề, giáo viên nào sẽ vào điểm sổ cá nhân, học bạ và chịu trách nhiệm chính trong đánh giá học sinh cho môn tích hợp là câu hỏi chưa có lời giải.

Vậy nên, việc Bộ Giáo dục chỉ mới tìm hiểu hình thức triển khai dạy học tích hợp qua một số trường ở Thành phố Hà Nội để rồi kết luận, “đây là minh chứng khẳng định hoàn toàn có thể dạy học tốt môn Khoa học tự nhiên, quan trọng là sự quyết tâm của các cán bộ quản lý, giáo viên để tìm ra cách làm hay, phù hợp với điều kiện dạy học của nhà trường”, theo tôi là vội vàng, chưa thỏa đáng.

Trước đó, ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022 và hướng dẫn thực hiện 2 môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lí đối với lớp 6 cho năm học này.

Tuy vậy, những hướng dẫn của Bộ Giáo dục cũng rất chung chung, kiểu như: “Căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên”. “Nhà trường cần chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học”.

Cho đến thời điểm này, Bộ Giáo dục đã 2 lần chỉ đạo về dạy học tích hợp nhưng các nhà trường trung học cơ sở vẫn chưa thể “xoay sở” sao cho hợp lí. Rất mong Bộ Giáo dục “sẽ tiếp tục có sự trao đổi, chỉ đạo để các Sở/Phòng hiểu đúng, tạo thuận lợi để nhà trường thực hiện hiệu quả” như lời Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ trao đổi với các cơ sở giáo dục ngày 5/10/2021.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thu-truong-do-bai-toan-dat-ra-voi-mon-tich-hop-la-sap-xep-thoi-khoa-bieu-post221536.gd?

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/day-mon-hoc-tich-hop-coi-chung-se-thanh-thay-boi-xem-voi-post215631.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tinh-hinh-nay-toi-e-viec-tich-hop-2-3-mon-vao-1-sach-se-vo-tran-post219090.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/3-thay-day-1-mon-nhung-chang-biet-ai-se-chiu-trach-nhiem-danh-gia-chinh-post221406.gd

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/qua-bong-tich-hop-2-3-mon-vao-1-sach-cac-truong-se-do-the-nao-post219101.gd

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Cao Nguyên