Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta

23/04/2017 07:49
Giáo sư Lâm Quang Thiệp
(GDVN) - Thể chế Hội đồng trường sẽ tạo một sự “dịch chuyển quyền lực” khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của những người lãnh đạo cấp cao.

LTS: Trong quá trình đổi mới giáo dục đại học ở nước ta, quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của trường đại học dần dần được tăng cường và nâng cao.

Đặc biệt việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục đại học từ năm 2003 là một bước tiến đáng ghi nhận. 

Tuy nhiên quá trình áp dụng thể chế hội đồng trường trong giáo dục đại học nước cho ta đến nay xảy ra không suôn sẻ, nguyên nhân chủ yếu là đưa vào một thể chế mới mà không có sự chuẩn bị tạo nên sự đồng thuận và đưa ra một lộ trình hợp lý. 

Tại sao lại như vậy? Trong bài viết này, Giáo sư Lâm Quang Thiệp – nguyên Vụ trưởng vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) chỉ rõ nguyên nhân đó. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Thứ nhất, tiến trình đổi mới về cơ chế quản lý trong hệ thống giáo dục đại học 

Trước thời kỳ đổi mới giáo dục đại học nước ta được quản lý theo kiểu nào? 

Lúc đó hệ thống kinh tế xã hội nước ta nói chung được quản lý theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, và giáo dục đại học cũng không nằm ngoài cơ chế đó. 

Chỉ tiêu đào tạo hàng năm được giao cho trường đại học theo kế hoạch nhà nước, kinh phí đào tạo kể cả học bổng cho toàn bộ sinh viên (mà số lượng rất nhỏ) được Nhà nước cấp từ ngân sách, sinh viên tốt nghiệp được Nhà nước phân phối cho các cơ sở kinh tế quốc doanh và cơ quan nhà nước.  

Với cơ chế kế hoạch hóa tập trung cao độ đó, hiển nhiên chương trình đào tạo cũng được Nhà nước (Bộ) quy định xem như một sự đặt hàng, đội ngũ cán bộ quản lý, viên chức, giáo chức chủ yếu cũng được quản lý từ Bộ, cơ quan “chủ quản” của cơ sở giáo dục đại học. 

Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta (Ảnh minh họa dẫn nguồn từ trường Đại học Hùng Vương)
Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta (Ảnh minh họa dẫn nguồn từ trường Đại học Hùng Vương)

Từ năm 1987, sau Đại hội Đảng lần thứ VI, kinh tế xã hội nói chung và giáo dục đại học nói riêng bước vào thời kỳ đổi mới. 

Nếu trước đây khái niệm tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học không được nhắc đến, thì trong quá trình đổi mới, quyền tự chủ của các trường đại học được đề cập đến và ngày càng được nâng cao.  

Về tài chính, trường đại học có quyền tìm thêm các nguồn ngoài ngân sách nhà nước, qua học phí của sinh viên và nhiều thu nhập khác nhờ các hợp đồng đào tạo, nghiên cứu khoa học, sản xuất, dịch vụ xã hội. 

Về kế hoạch, ngoài chỉ tiêu đào tạo do Nhà nước giao, trường đại học có thể đề xuất quy mô tuyển sinh dựa vào khả năng đào tạo của mình và nhu cầu của xã hội. 

Về mặt chuyên môn, trường đại học có quyền dựa vào những định mức tổng quát của Bộ về khung chương trình và tỷ lệ các  khối kiến thức để xây dựng chương trình đào tạo các ngành chuyên  môn của mình, có quyền đề xuất các ngành đào  tạo mới khi phát hiện ra nhu cầu của xã hội, có quyền tổ chức biên soạn sách giáo khoa và tài liệu giảng dạy. 

Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta ảnh 2

Hiệu trưởng nắm quyền bổ nhiệm dân chủ sẽ không còn



Về quan hệ quốc tế, trường đại học có quyền đặt quan hệ và ký kết các văn bản hợp tác với các trường đại học nước ngoài. 

Như vậy, rõ ràng quyền tự chủ nói trên đã tạo điều kiện cho các trường đại học chủ động triển khai rất nhiều hoạt động có hiệu quả, góp phần đưa hệ thống đại học nước ta thoát ra khỏi những thời kỳ hết sức khó khăn và đem lại nhiều thành tựu mới.

Ngoài việc đổi mới về cơ chế quản lý, một số loại hình trường đại học mới cũng ra đời.

Từ năm 1994, Đại học quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh và 3 trường đại học khu vực ở Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng được tổ chức theo mô hình đại học đa lĩnh vực, trong đó hai đại học quốc gia được giao quyền tự chủ khá cao. 

Sau đó các trường đại học và cao đẳng ngoài công lập ra đời, và cho đến năm 2010 trong cả nước đã có 80 trường đại học và cao đẳng ngoài công lập, đào tạo khoảng 15% trong tổng số hơn 2,2 triệu sinh viên đại học trong cả nước. 

Các trường này hoạt động theo những quy  định quyền tự chủ khá rộng rãi về tổ chức, tài chính và học thuật. 

Như vậy, quá trình đổi mới đại học cũng là quá  trình tăng cường quyền tự chủ của các trường đại học. 

Cũng như toàn bộ hệ thống kinh tế xã hội của đất nước, hệ thống giáo dục đại học nước ta từ khi đổi mới đến nay đang ở trong một thời kỳ chuyển tiếp từ cơ chế quản lý cũ sang cơ chế quản lý mới. 

Những thành tựu chính của quá trình đổi mới giáo dục đại học được thể chế hóa trong Luật Giáo dục ban hành vào năm 1998, năm 2005 và sửa đổi năm 2010, trong đó một điều khẳng định quan trọng nhất về cơ chế quản lý mới đối với các trường Đại học là khẳng định quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học. (Luật Giáo dục, 1998(1) ,2005(3) , 2009 (4))

Thứ hai, việc đưa thể chế hội đồng trường vào hệ thống giáo dục đại học nước ta

Một bước tiến quan trọng về thể chế quản lý giáo dục đại học  là việc đưa vào thực thể hội đồng trường đầu tiên trong Điều lệ trường Đại học năm 2003 (2),sau đó khẳng định trong Luật Giáo dục năm 2005 (3), Luật Giáo dục sửa đổi năm 2009 (4) và Điều lệ trường Đại học năm 2010 (Điều lệ trường Đại học, 2010(5)).

Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta ảnh 3

Phải tìm ra lý do vì sao Hội đồng trường tốt như vậy mà không phát huy hiệu quả?

Điều 33 trong (5) quy định:

“Hội đồng trường đối với trường đại học công lập, hội đồng quản trị đối với trường đại học tư thục là tổ chức chịu trách nhiệm quyết định về phương hướng hoạt động của nhà trường, huy động và giám sát việc sử dụng các nguồn lực dành cho trường, gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội, bảo đảm thực hiện mục tiêu giáo dục.”

Khoản 2 của điều 33 trong (5) liệt kê các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây của hội đồng trường: 

a) Quyết nghị về mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của trường bao gồm kế hoạch phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm. 

b) Quyết nghị về quy chế hoặc sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; 

c) Quyết nghị về chủ trương xây dựng bộ máy tổ chức, chủ trương tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ, chủ trương về tài chính, tài sản, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị từ nguồn vốn quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 50 của Điều lệ này; huy động nguồn lực cho nhà trường; 

d) Quyết nghị về định hướng hoạtđộng đào tạo, khoa học và công nghệ của trường; 

đ) Giám sát việc thực hiện các nghị quyết của hội đồng trường, việc thực hiện quy chế dân chủ trong các hoạt động của nhà trường; 

e) Hàng năm tổ chức đánh giá Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, các hoạt động của Hội đồng khoa học và đào tạo và các hội đồng tư vấn khác (nếu có) theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

g) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, giải trình về các hoạt động, việc thực hiện các cam kết và kết quả dự kiến của trường. 

h) Giới thiệu nhân sự để cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng; 

i) Giám sát các hoạt động của nhà trường; định kỳ hoặc đột xuất yêu cầu Hiệu trưởng báo cáo và giải trình về các hoạt động của trường; khi cần thiết, yêu cầu các đơn vị trong trường báo cáo, giải trình về các hoạt động liên quan. 

k) Thông qua về: việc thành lập, sáp nhập, chia tách và giải thể các đơn vị trong trường; kế hoạch ngân sách, mức học phí; chỉ tiêu tuyển sinh, kế hoạch tuyển sinh và phương thức tuyển sinh; danh sách thành viên của Hội đồng khoa học và đào tạo, Hội đồng tư vấn”.

Điều 34 trong (5) quy định Hội đồng trường bao gồm “đại diện tổ chức Đảng, Ban giám hiệu, giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục, đại diện các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà trường, đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh có liên quan”.  

“Hội đồng trường có tổng số thành viên là số lẻ, từ 15 đến 31 thành viên, bao gồm các thành phần đương nhiên, thành phần mời và thành phần bầu, trong đó thành phần bầu chiếm không quá 70% tổng số thành viên của Hội đồng trường. Thành phần đương nhiên gồm Bí thư Đảng ủy và Hiệu trưởng nhà trường. 

Thành phần mời gồm: đại diện cho cơquan trực tiếp quản lý trường, đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo; đại diện các đơn vị sản xuất, kinh doanh có liên quan. Thành phần bầu gồm đại diện cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên thuộc các đơn vị trong trường”. 

“Hội đồng trường bầu Chủ tịch và Thư ký của Hội đồng trường theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và đa số phiếu. Chủ tịch Hội đồng trường là chuyên trách, chịu trách nhiệm điều hành Hội đồng trường thực hiện các nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 33”.

Đồng thời, Điều 35 trong (5) quy định:

“Hiệu trưởng trường đại học là người đại diện theo pháp luật của nhà trường; chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý và điều hành các hoạt động của nhà trường theo các quy định của pháp luật và của Điều lệ này”, và “Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Hiệu trưởng các trường đại học công lập trên cơ sở đề nghị của Hội đồng trường”. 

Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta ảnh 4

Lý do nào đang cản trở thành lập Hội đồng trường?

Như vậy Điều lệ trường đại học đã quy định khá rõ về chức năng nhiệm vụ của hội đồng trường và quan hệ giữa hội đồng trường với hiệu trưởng. 

Về thành phần hội đồng trường có thể nhận xét là điều lệ chưa chú ý đến đại diện của sinh viên, một thành phần quan trọng trong các nhóm có lợi ích liên quan và chưa nhấn mạnh đến số lượng đại diện từ bên ngoài nhà trường.

Về một trong nhiệm vụ quan trọng theo thông lệ của hội đồng trường là lựa chọn hiệu trưởng thì Điều lệ còn dè dặt, quy định hội đồng giới thiệu nhân sự để cơ quan có thẩm quyền bổ nhiệm, và cũng không nêu rõ có quyền đề nghị miễn nhiệm hiệu trưởng. 

Tuy nhiên, trong điều kiện ở một nước mà hệ thống giáo dục đại học chưa quen với thể chế hội đồng trường thì những quy định như trên là khá tiến bộ. Vấn đề là có biện pháp để đưa được các quy định này vào đời sống giáo dục đại học hay không.    

Thứ ba, thực trạng về việc áp dụng thể chế hội đồng trường trong giáo dục đại học nước ta

Tuy vậy, cho đến năm 2010 trong cả nước chỉ khoảng 10 trường đại học có hội đồng trường. 

Qua khảo sát của chúng tôi ở một số trường đại học, hầu hết các trường, trong đó có trường đã thành lập Hội đồng trường gần 5 năm (Trường Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, Trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) và các trường chưa có hội đồng trường, đều xem hội đồng trường là mang tính hình thức và không có tác dụng.

Thực tế về thể chế Hội đồng trường với giáo dục đại học nước ta ảnh 5

Sắp tổ chức hội thảo về Hội đồng trường

Ngoài ra, một số ý kiến từ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho thấy tác dụng của hội đồng Đại học Quốc gia chỉ giới hạn như hội đồng tư vấn, mọi quyền quyết định nằm trong tay Ban Giám đốc. 

Chỉ có một trường duy nhất là trường Đại học Tôn Đức Thắng, một trường đại học công lập trực thuộc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng hoạt động của hội đồng trường là có hiệu quả. 

Và các trường được khảo sát đều cho biết theo thể chế hiện nay các hiệu trưởng và hiệu phó đều do cơ quan chủ quản bổ nhiệm, không qua đề nghị của hội đồng trường, hiệu trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước cơ quan chủ quản của mình. 

Trong thực thi, các hiệu trưởng không thấy có sự ràng buộc thực tế nào với hội đồng trường, và cơ quan chủ quản cũng không thật sự coi trọng hội đồng trường. 

Vào năm 2011 và 2012, trong quá trình xây dựng Luật Giáo dục đại học, hội đồng trường là một trong những vấn đề được thảo luận nhiều nhất. 

Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng thể chế hội đồng trường đã được đưa ra 8 năm nhưng không đi vào được hệ thống giáo dục đại học Việt Nam chứng tỏ nó không có tính khả thi, vì đây là thể chế của phương Tây không thích hợp với nước ta, đặc biệt khi ở nước ta có cơ chế Đảng lãnh đạo. 

Luồng ý kiến này còn viện dẫn là 70 – 80% lãnh đạo các trường đại học cho rằng không cần thiết hội đồng trường. 

Luồng ý kiến thứ hai ngược lại đưa ra phân tích các lý do của việc thể chế hội đồng trường không đi vào được hệ thống giáo dục đại học, cho rằng:

Một là vì Nhà nước không chỉ đạo hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định về hội đồng trường.

Hai là các văn bản luật pháp về hội đồng trường chưa nhất quán, đặc biệt cơ chế “bộ chủ quản” đã hạn chế quyền tự chủ của các trường đại học và vô hiệu hóa chức năng của hội đồng trường. 

Đối với vấn đề Đảng lãnh đạo, luồng ý kiến thứ hai cho rằng Đảng ủy đại diện cho tổ chức Đảng trong trường, còn hội đồng trường là đại diện của chủ sở hữu cộng đồng thuộc phạm vi rộng lớn hơn bên ngoài nhà trường. 

Hơn nữa hội đồng trường là cơ quan quyền lực, lãnh đạo cụ thể, hội đồng trường của một trường cũng đóng vai trò  như quốc hội của một nước, còn Đảng ủy là cơ quan lãnh đạo về chính trị tư tưởng. 

Ngoài ra, luồng ý kiến thứ hai cũng cho rằng việc đa số giới lãnh đạo các trường đại học không hưởng ứng thể chế hội đồng trường là điều hiển nhiên, vì thể chế này có thể hạn chế quyền hành của hiệu trưởng, đặc biệt đối với các hiệu trưởng thiếu năng lực. 

Thể chế hội đồng trường thực tế sẽ tạo một sự “dịch chuyển quyền lực”, chỉ khi có quyết tâm chính trị mạnh mẽ của những người lãnh đạo cấp cao mới mong thực hiện được.  

Tài liệu tham khảo: 

1. Luật Giáo dục và Văn bản hướng dẫn thi hành. NXB CTQG, HàNội-2000

2.  Điều lệ trường đại học, được ban hành theo Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ngày 30/7/2003 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Luật Giáo dục, ban hành theo Quyết định của Quốc hội số  38/2005/QH11ngày 14/6/2005.

4. Luật Giáo dục (sửa đổi), ban hành theo Quyết định của Quốc hội số44 /2009/QH12 ngày  25/11/2009

5.  Điều lệ trường đại học, ban hành theo Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22/9/2010… của Thủ tướng Chính phủ.

Giáo sư Lâm Quang Thiệp