Trước ngày thi tốt nghiệp, giáo viên tiếng Anh đưa ra lời khuyên để đạt điểm cao

05/07/2022 06:57
Lê Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ còn một ngày nữa học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, làm thế nào để đạt điểm cao môn tiếng Anh là điều nhiều thí sinh quan tâm.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phan Thị Thu Hằng- Tổ trưởng chuyên môn Tiếng Anh của trường Trung học phổ thông Phú Nhuận (Thành phố Hồ Chí Minh) đã gửi lời khuyên đến các thí sinh những bí quyết để đạt điểm cao môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sắp tới với cách nhận diện đề thi để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Nhận diện cấu trúc đề môn tiếng Anh trong thi tốt nghiệp trung học phổ thông

Theo cô Thu Hằng, trước tiên, thí sinh phải hiểu rõ cấu trúc đề thi môn tiếng Anh do Bộ Giáo Dục và Đào tạo đưa ra. Đề thi môn tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông hiện nay cũng là đề áp dụng chung để xét tuyển đại học, mỗi đề có 50 câu trắc nghiệm với tổng thời gian làm bài là 60 phút.

Phạm vi kiến thức: ngữ pháp, từ vựng trong đề thi vẫn chủ yếu nằm ở chương trình lớp 12. Các câu hỏi tập trung về ngữ pháp như: thì, mạo từ, câu bị động, câu điều kiện, mệnh đề nhượng bộ, danh động từ, câu gián tiếp, từ vựng.

Học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Phú Nhuận trong giờ học (ảnh minh hoạ trước dịch COVID:NTCC)

Học sinh lớp 12 trường Trung học phổ thông Phú Nhuận trong giờ học (ảnh minh hoạ trước dịch COVID:NTCC)

Đề gồm 8 dạng bài: ngữ âm, tìm lỗi sai, hoàn thành câu, chức năng giao tiếp, từ đồng nghĩa – trái nghĩa, tìm câu đồng nghĩa, nối câu, hoàn thành đoạn văn, đọc hiểu.

Về độ khó của đề thì 60% là kiến thức cơ bản, còn lại 40% là kiến thức nâng cao. Các câu hỏi dễ ăn điểm chủ yếu ở các dạng bài: ngữ âm, câu giao tiếp, nối câu, tìm lỗi sai, câu đồng nghĩa… Bên cạnh đó, các câu hỏi khó sẽ nằm rải rác ở các dạng bài, nghĩa là mỗi dạng đều có thể xuất hiện câu hỏi khó, thường là những câu kiểm tra về từ vựng.

Ngoài ra, dạng bài đọc hiểu thường dùng để phân hóa học sinh thì theo như đề minh họa, chủ đề các bài đọc hiểu thường xoay quanh các vấn đề quen thuộc trong cuộc sống hàng ngày.

Dựa vào cấu trúc đề thi đó, cô Hằng khuyên các học sinh lớp 12 nên ôn thi với một lộ trình và phương pháp luyện tập cụ thể để đạt được điểm cao.

6 cách làm bài trắc nghiệm hiệu quả

Cũng theo cô tổ trưởng bộ môn tiếng Anh của trường trung học phổ thông Phú Nhuận, để làm bài trắc nghiệm hiệu quả thí sinh cần lưu ý 6 cách sau đây.

Phân bổ thời gian trước khi bắt đầu làm

Điều đầu tiên, cô Phan Thị Thu Hằng lưu ý các thí sinh cần biết phân bổ thời gian làm bài. Vì tổng thời gian là 60 phút cho 50 câu, vậy trung bình các em chỉ có hơn 1 phút mỗi câu. Do đó không việc gì thí sinh phải quá cố gắng với những câu khó mà bỏ qua câu dễ, vì số điểm mỗi câu là bằng nhau. Trước khi bắt tay vào giải đề, các em hãy đọc lướt toàn đề thi để nhận diện câu dễ, câu khó và để phân biệt thứ tự làm bài.

“Thường nên làm câu dễ trước vì nó không mất nhiều thời gian, và việc làm được những câu hỏi này sẽ giúp các em tự tin, phấn chấn hơn để xử lý các câu hỏi khó. Hãy nhớ phải luôn dành 10 – 15 phút cuối để dò lại bài làm”, cô Hằng chia sẻ.

Việc phân bổ thời gian sẽ giúp thí sinh không bị thiếu thời gian vì đã nắm rõ thời gian cần dành ra làm bài rồi.

Đọc thật kĩ câu hỏi

Khi thí sinh nhận được đề thi, cần đọc nhanh câu hỏi nhưng không được đọc một cách cẩu thả. Có nhiều bẫy rất nhỏ trong đề thi nên các em cần phải đọc thật kĩ. Vì thế, hãy luyện tập cách đọc câu hỏi nhanh mà vẫn bao quát được ý cả câu.

Không nên dịch bài đọc

Vì các em sẽ không đủ thời gian, do đó nên đọc kỹ câu hỏi rồi tìm thông tin về câu hỏi trên đoạn đọc hiểu. Nếu có vài từ các em không biết trong bài đọc thì nên đoán nghĩa theo ý của bài hoặc đơn giản là hãy bỏ qua nếu nó không phải là từ chủ chốt quyết định câu trả lời.

Nên gạch chân những từ quan trọng

Cách này cũng nên áp dụng cho bài đọc. Theo cô Hằng, thí sinh hãy gạch chân các từ quan trọng trong câu hỏi, trong bài đọc, có thể cả các câu trả lời nữa.

Cô Hằng khuyên rằng: "Gạch chân các từ đó sẽ giúp tìm thông tin trong bài đọc chính xác hơn, và cũng là để lúc còn dư thời gian các em muốn dò lại bài làm cũng sẽ nhanh hơn. Ngoài ra, gạch chân từ quan trọng sẽ giúp ghi nhớ câu hỏi dễ dàng mà không cần phải đọc đi đọc lại nhiều lần gây mất thời gian".

Áp dụng phương pháp suy đoán, loại trừ

Những câu còn chưa chắc chắn, hãy đánh dấu lại ở đề thi và chuyển sang câu kế tiếp để không ảnh hưởng tới thời gian làm bài, sau khi đi hết một lượt đề thì quay trở lại với những câu khiến bạn phân vân lúc trước. May mắn đôi khi là yếu tố quan trọng để học sinh đạt đủ điểm trong kỳ thi, thế nên không bao giờ để trống đáp án cho tới phút cuối cùng, sử dụng trực giác để loại trừ các đáp án ít có khả năng đúng và chọn một đáp án để giúp kiếm thêm điểm ở những phần thi không chắc chắn.

“Các em không nên đoán bừa mà hãy suy luận để tìm ra câu trả lời đúng một cách hợp lý. Ví dụ, đáp án thường là một trong hai phương án giống nhau nhất trong bốn phương án, hoặc đáp án thường có nhiều chi tiết chung với ba phương án còn lại”, cô Thu Hằng lưu ý thí sinh.

Không bỏ qua bất cứ câu hỏi nào

Khi còn quá ít thời gian mà còn nhiều câu chưa trả lời được thì đây là lúc các em phải quyết định chọn đáp án. Trước đó, thí sinh hãy đánh dấu trên đề bài câu nào bỏ qua chưa quyết định, làm vậy các em sẽ dễ dàng biết vị trí câu chưa làm mà hoàn thành kịp thời.

“Mỗi câu đều có điểm, bỏ câu nào mất điểm câu đó mà chọn sai cũng không bị trừ điểm nào nên trước khi hết giờ, các em phải chọn nhanh đáp án hợp lý nhất cho các câu chưa hoàn thành”, cô Hằng đưa ra lời khuyên.

Cuối cùng, đối với các câu hỏi có quá nhiều chi tiết thì khả năng đánh lừa rất cao nên thí sinh cố gắng tìm chỗ sai để loại trừ hơn là cố chọn câu đúng.

Lê Phương