Giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi 55 nếu đưa vào ngành nghề độc hại

10/08/2023 06:42
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo viên mầm non sẽ được hưởng những hỗ trợ, phụ cấp như: tăng nghỉ phép năm, nghỉ hưu sớm, tăng số ngày nghỉ ốm đau...

Được biết, hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội xem xét, đưa đối tượng giáo viên mầm non vào danh sách ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Nội dung này đã nhận được nhiều sự quan tâm, đồng tình từ cán bộ giáo dục, giáo viên mầm non trên cả nước.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (tỉnh Sơn La), cô Lường Thị Thắm cho biết hoàn toàn nhất trí và ủng hộ cao việc đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề độc hại. Ý kiến trên cũng là một trong những giải pháp thu hút được giáo viên đến các vùng khó, đồng thời là để giáo viên được hưởng chế độ đúng với năng lực và sức lực.

Hiện tại trên địa bàn huyện Phù Yên hiện có rất nhiều điểm trường thiếu giáo viên, cơ sở vật chất khó khăn. Theo quy định, định mức là 25-30 trẻ/ lớp thì những năm gần đây số học sinh có tăng hơn mức trên. Có những vùng điểm trường lẻ xa trung tâm chỉ có 2 giáo viên nhưng có đến 30-40 trẻ/lớp nên các cô phải dành nhiều thời gian, công sức hơn để chăm lo cho trẻ cũng như hoàn thành nhiệm vụ.

Theo cô Thắm đánh giá, giáo viên mầm non đa số đều vất vả và có sự hy sinh nhất định về mặt thời gian cũng như công sức. Ban ngày các thầy cô đều đi sớm về muộn, buổi tối cũng không có nhiều thời gian chăm sóc gia đình, con cái mà phải chuẩn bị cho buổi học ngày hôm sau. Trong chương trình dạy học đổi mới ở vùng cao còn nhiều thiếu thốn nên các thầy cô đều phải tự mình sáng tạo, tìm cách tái phế liệu thành đồ dùng học tập, đồ chơi.

Việc đưa đối tượng giáo viên mầm non thay vì giáo viên các cấp bậc khác là điều phù hợp. Bởi lẽ với cô giáo viên tiểu học, trung học cơ sở đóng vai trò giảng dạy, hướng dẫn còn về sự chăm sóc trực tiếp với học sinh không có nhiều vì học sinh có thể tự ăn uống, vệ sinh, tham gia các hoạt động.

Ngược lại, với giáo viên mầm non, các cô là những trực tiếp bắt tay vào chăm sóc cho từng trẻ từ bón cơm ăn, thực hiện 100% công tác vệ sinh. Thậm chí có những lớp có thêm 1-2 trẻ khuyết tật về não hoặc ngôn ngữ thì các cô còn vất vả hơn nữa.

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019 quy định người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường tại thời điểm nghỉ hưu.

Cô Thắm cũng trăn trở với độ tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non. Trên thực tế tâm lý chung của trẻ em, học sinh không thích giáo viên nhiều tuổi, chưa kể với độ tuổi 58-60 tuổi để múa, hát, nhảy hay tham gia các hoạt động với trẻ có phần không đảm bảo sức khỏe. Theo đó, việc đưa vào ngành nghề độc hại sẽ giúp giáo viên được nghỉ hưu từ 55 tuổi mà vẫn đảm bảo chế độ hưu trí.

Trước ý kiến lo ngại việc đưa giáo viên vào ngành nghề độc hại có thể gây khó tuyển dụng giáo viên trong tương lai, cô Thắm cho rằng việc này không ảnh hưởng hoặc thậm chí có tác động tích cực.

Cụ thể khi có thêm các chế độ ưu đãi thì giáo viên mầm non lại càng có động lực để tiếp tục với nghề. Hoặc với các em học sinh, sinh viên có niềm đam mê trở thành giáo viên nhưng ngần ngại vì mức lương, phụ cấp khi có những hỗ trợ này học sinh lại đăng ký và học tập nhiều hơn.

Ngoài ra, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên (Sơn La) cho biết mặt bằng chung các vùng I,II,III miền núi không như ở đồng bằng. Do đó vị lãnh đạo cũng mong nhận được sự quan tâm sát sao hơn nữa với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non vùng sâu vùng xa, hải đảo để giữ được giáo viên giỏi.

Cùng với đó là việc đầu tư thêm cho cơ sở vật chất của các trường. Cơ sở vật chất trường học của địa phương cho đến nay vẫn có sự hỗ trợ nhất định từ Nhà nước, chính quyền địa phương nhưng để nói về một môi trường giáo dục thật sự thì đối với mầm non vùng cao còn nhiều khó khăn.

Đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du (tỉnh Bắc Ninh) cũng đồng tình với việc xem xét đưa giáo viên mầm non vào ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Khi đó, các thầy cô sẽ được hưởng những hỗ trợ, phụ cấp đặc thù như: tăng nghỉ phép năm, nghỉ hưu sớm, tăng số ngày nghỉ ốm đau...

Hiện nay, giáo viên mầm non đều có những vất vả, áp lực chung từ phía nhiều phía. Tuy nhiên với đặc thù nhiều khu công nghiệp, cụm công nghiệp như huyện Tiên Du các thầy cô có thêm khó khăn nhất định. Cụ thể, địa phương là nơi tập trung nhiều người dân từ khắp các tỉnh thành về làm việc trong nhà máy, xí nghiệp...

Theo đó, số trẻ gửi tại các trường mầm non trong địa bàn cũng tăng hơn hẳn so với những nơi khác. Bên cạnh việc chăm sóc trẻ địa phương thì giáo viên phải chăm sóc thêm nhiều trẻ là con công nhân từ nơi khác đến nên sĩ số một lớp khá đông dẫn đến thiếu giáo viên, khối lượng công việc của các thầy cô cũng tăng lên.

Ngoài ra, với tính chất công việc của công nhân nên thường làm ca kíp, đi sớm về muộn nên cũng gửi trẻ từ rất sớm và đón trẻ muộn hơn so với giờ hành chính. Khi đó, các cô giáo dù hết giờ làm việc nhưng vẫn phải ở lại chờ phụ huynh.

Cũng theo đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tiên Du (Bắc Ninh), với các cấp bậc khác giáo viên chủ yếu là dạy học nhưng với cấp bậc mầm non bên cạnh việc dạy học, các thầy cô còn làm thêm công việc chăm sóc, nuôi dưỡng hàng ngày từ bữa ăn, giấc ngủ, sinh hoạt cá nhân. Ngoài ra các thầy cô cũng phải đảm nhiệm các công việc như dọn dẹp vệ sinh lớp học, đồ chơi, chuẩn bị giáo án... Vì vậy việc đưa giáo viên mầm non vào được hưởng chế độ là hợp lý.

Vân Ánh