Giáo viên thị xã La Gi không còn bị trừ 4 ngày lương một năm

11/06/2020 06:34
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Kể từ năm học 2019-2020 các thầy cô giáo ở thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận chỉ còn phải trừ 2 ngày lương cho 2 loại quỹ “Phòng chống thiên tai” và “Đền ơn đáp nghĩa

Hằng năm, giáo viên tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận vẫn phải ủng hộ 4 ngày lương cho các loại quỹ “Vì người nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Phòng chống thiên tai” và “Khuyến học”.

Giáo viên với vô số các khoản đóng góp (Ảnh minh họa: daidoanket.vn).Giáo viên với vô số các khoản đóng góp (Ảnh minh họa: daidoanket.vn).

Điều đáng nói là, cũng trên địa bàn thị xã La Gi nhưng bao năm nay “Quỹ khuyến học” đều được các cơ quan ban ngành ủng hộ tự nguyện đúng như lời kêu gọi ủng hộ trên tinh thần tự nguyện đúng nghĩa.

Nhưng chỉ riêng ngành giáo dục của thị xã lại có quyết định trừ một ngày lương (lý do vì sao thì chúng tôi không được nghe giải thích).

Đa phần giáo viên không đồng tình với việc trừ lương thế này. Bởi việc trừ lương là cào bằng, đó là bắt buộc phải đóng chứ không đúng như tinh thần phổ biến là tự nguyện ủng hộ như công văn đưa về.

Trong khi, bản thân mỗi thầy cô giáo hàng ngày vẫn đang làm công tác khuyến học.

Đó là việc tự mình giúp đỡ hoặc xin sự tài trợ của những Mạnh Thường Quân như sách vở, quần áo, giày dép, cặp sách hay học phí, tiền bảo hiểm cho những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong lớp, trong trường.

Bản thân không ít gia đình nhà giáo, cán bộ công nhân viên với đồng lương khá thấp lại đang phải gồng mình nuôi con ăn học.

Thế nhưng họ vẫn bị trừ lương cho quỹ khuyến học lẽ ra chính gia đình họ cũng cần được giúp đỡ.

Nhưng kể từ năm học 2019-2020 các thầy cô giáo ở La Gi chỉ còn phải trừ 2 ngày lương cho 2 loại quỹ “Phòng chống thiên tai” và “Đền ơn đáp nghĩa”.

Những loại quỹ khác chỉ là không bắt buộc trừ 2 ngày lương nhưng giáo viên vẫn phải đóng góp theo đúng tinh thần tự nguyện bằng cách các nhà trường in danh sách đưa đến từng người để ghi số tiền mình sẽ ủng hộ.

Mức ủng hộ nhiều hay ít tùy lòng hảo tâm, tùy hoàn cảnh từng người. Dù sao thì điều này cũng làm nhiều thầy cô giáo thấy vui và thoải mái hơn vì chính mình được làm chủ, được quyết định mức ủng hộ từ đồng lương của mình mà không bị ai ra lệnh phải trừ.

Đỗ Quyên