Nghị lực thép chiến thắng tật nguyền

26/03/2012 06:00
Trần Phạm
(GDVN) - Bị khuyết tật từ nhỏ nhưng bằng ý chí và nghị lực, chị Nguyễn Thị Hương không những làm thay đổi đời mình mà chị còn tạo việc làm cho hơn 20 lao động.
Bị khuyết tật từ nhỏ nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường của mình, chị Nguyễn Thị Hương (Thôn Vạn Điểm – Xã Vạn Điểm - Huyện Thường Tín – Hà Nội) đã vượt lên chính mình trở thành chủ của một cơ sở sản xuất mỹ nghệ tạo công ăn việc làm cho hơn 20 lao động. Nhờ tấm lòng nhân ái của chị, biết bao mảnh đời đã hồi sinh...

Không gục ngã

Ngôi nhà khang trang hai tầng nằm trong con ngõ nhỏ vừa là nhà vừa làm xưởng với hơn hai mươi lao động làm nghề khảm trai khắc gỗ. Tiếng đục đẽo nhộn nhịp vang lên cùng với những đứa trẻ đang say sưa với công việc.

Chúng tôi nhìn quanh xưởng thấy một người phụ nữ có đôi chân teo tóp đang lết đi chỉ dạy cho bọn trẻ tỉ mỉ từng nét khảm, chị có khuôn mặt tròn trĩnh với cặp kính trắng trông chị thật phúc hậu.

Sau khi dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xưởng chị trở lại vị trí quen thuộc của mình là ở chính giữa của căn nhà bên cạnh một chiếc phản lớn và tiếp tục công việc đục đẽo.
Chị Hương say sưa với nghề khảm trai khắc gỗ và truyền đạt kinh nghiệm cho những người đồng cảnh ngộ trong xưởng sản xuất của mình.

Chị Hương say sưa với nghề khảm trai khắc gỗ và truyền đạt kinh nghiệm cho những người đồng cảnh ngộ trong xưởng sản xuất của mình.

Chị kể, khi mới sinh ra chị cũng bụ bẫm như bao đứa trẻ khác, nhưng được vài tháng tuổi thì đột nhiên chị bị sốt cao kéo dài, chữa trị một thời gian không khỏi gia đình quyết định mời bác sĩ về tiêm thuốc kháng sinh liều cao.

Không may cho chị, chỉ ít lâu sau cả hai chân chị bị teo nhỏ dần đến lúc không đi lại được. Đến tuổi đi học nhìn các bạn cùng trang lứa tới trường mà cảm thấy thèm.

“Hồi ấy, bao lần mình cố đứng lên để theo bạn đến trường nhưng đôi chân khẳng khiu cứ khuỵu xuống không trụ nổi, mình đã khóc rất nhiều”
nói rồi chị gạt đi dòng nước mắt khi kể lại dòng đời thơ bé của mình. 
Năm 1990 nhìn thanh niên trong làng đua nhau làm kinh tế khi thời kỳ đất nước mở cửa, người dân Vạn Điểm đã mở rộng sản xuất và bắt đầu đưa vào làng nghề mộc. Lúc đó chị Hương xin bố mẹ cho đi học nghề đồ gỗ khảm trai ở các gia đình làm mộc trong thôn, mới đầu việc học nghề rất khó khăn muốn di chuyển phải lết bằng tay. 
Ban đầu chưa quen nên bàn tay chị bị sưng tấy lên, không cầm nổi cái đục nữa sau quen dần với công việc thì tay cũng trở nên chai sạm.

Suốt ngày đục đẽo chạm những họa tiết trên gỗ chị say mê nghề lúc nào không hay, dần tay nghề của chị trở nên thành thục với nét chạm chổ, những mẫu khảm trai cầu kỳ và tinh xảo.

Thành quả lao động của chị không những nuôi được bản thân mà chị còn dành tiền mua nhà sau hai năm lại sửa được nhà cũ thành căn nhà mới khang trang hơn. Nụ cười và tình yêu cuộc sống dần trở lại với chị…

Khát vọng vươn lên

Sau khi có nghề trong tay và có thêm chút vốn chị đã mạnh dạn đầu tư thành lập xưởng sản xuất nhỏ tại nhà, thông cảm cho những đứa trẻ có cùng cảnh ngộ, chị đã tạo công ăn việc làm cho nhiều trẻ tật nguyền, chị tìm nơi ăn chốn nghỉ cho bọn trẻ và tạo điều kiện cho chúng học nghề.

Căn nhà khang trang của chị bây giờ trở thành mái ấm tình thương cho nhiều đứa trẻ. “Tiếng lành đồn xa” càng ngày càng có nhiều đứa trẻ tìm đến chị, trong đó có nhiều trẻ tàn tật trong thôn, xã mà có cả những em ở các huyện và tỉnh lân cận cũng tìm đến với chị. Hơn 20 lao động với mức thu nhập bình quân 1,2 – 1,5 triệu đồng/người/ tháng. Có thể mức thu nhập đó chưa cao nhưng với chị và những đứa trẻ nơi đây thì nó là niềm hạnh phúc, là nguồn sống của mọi người. Chị được tất cả học trò của mình gọi với cái tên trìu mến và đầy yêu thương là “mẹ”. 
Chị Nguyễn Thị Tươi (Thôn Đặng – Vạn Điểm) là một trong những học trò của chị Hương ngay từ ngày đầu chị mở xưởng, chị Tươi cho biết : “Tôi rất biết ơn chị Hương, tôi thấy đó là một người mạnh mẽ, giàu nghị lực, tôi luôn mong cho chị có sức khoẻ để có thể giúp đỡ nhiều đứa trẻ khác có hoàn cảnh giống như tôi”. Chính nhờ sự giúp đỡ của chị những đứa trẻ ngày nào là học trò của chị đã thành nghề mở xưởng riêng và không ít người trở thành đối tác của chị.
Đối với chị những người học trò là những đứa con tinh thần vì vậy trách nhiệm làm mẹ lo lắng cho các con chị còn là người lo cho hạnh phúc của chúng. Vì vậy, ở xưởng của chị không ít những đứa trẻ lớn lên và thành vợ thành chồng ngay trong ngôi nhà tình thương của chị.

Chị tâm sự: “Tôi thương chúng nó như những đứa con của mình vậy, tôi còn mong cho chúng trưởng thành và thấy chúng hạnh phúc nữa” và giờ đây trong ngôi nhà tình thương ấy đang có không ít mối tình nảy nở được chị vun vén và chuẩn bị kết trái thành những cặp vợ chồng với sự chăm sóc đặc biệt của người mẹ ấy…
Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng chị Nguyễn Thị Hương vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất.

Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ tặng chị Nguyễn Thị Hương vì đã có thành tích vượt khó vươn lên trong cuộc sống cũng như trong lao động sản xuất.

Vượt lên số phận không may mắn của mình, chị Hương đã và đang có nhiều đóng góp cho xã hội, chị nhận được rất nhiều bằng khen của UBND Xã Vạn Điểm,của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Đặc biệt vừa qua chị vinh dự được trao tặng giấy chứng nhận “Gương người bảo trợ điển hình” và vinh dự nhất đối với chị Hương là được Thủ Tướng Chính Phủ nước tặng Bằng khen vì đã có thành tích vượt khó vươn lên.

Tôi thấy nhiều số phận kém may mắn hơn mình nhiều. Mình còn có thể làm việc được và giúp đỡ nhiều người khác còn nhiều người không làm được gì. Những lúc như vậy chị càng có nghị lực hơn và không thấy nản trước mọi khó khăn…” Chị Hương chia sẻ cảm xúc của mình sau mỗi lần vinh dự được nhận giải thưởng.
Dù đã có một xưởng sản xuất đang phát triển vững chắc nhưng ước muốn lớn nhất của chị là mở rộng thêm xưởng sản xuất vì trong suy nghĩ của chị luôn định sẵn rằng trong xã hội còn rất nhiều đứa trẻ cần sự giúp đỡ để có một cuộc sống đầm ấm hơn.

Có lẽ ước muốn của chị cũng dễ hiểu bởi với một con người có tấm lòng và sự cảm thông bao la như chị thì sẽ không đành lòng khi vẫn còn chứng kiến nhiều đứa trẻ không có đuợc một công việc để nuôi sống bản thân, không nơi nương tựa.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip

Trần Phạm