Rớt nước mắt trước uớc nguyện “hiến xác” của cụ bà 82 tuổi

31/03/2012 06:00
Thủy Ngân
(GDVN) - “Bây giờ tôi chỉ có một ước mơ là sống khỏe và chết nhanh. Đó là hai “món” mà tôi mong muốn nhất…
Không quản nắng mưa, ốm đau, bệnh tật, người đàn bà bất hạnh này đã ngồi bên Bách hóa Thanh Xuân với chiếc cân sức khỏe suốt 28 năm để gom góp từng đồng tiền lẻ sống qua ngày. Đó là hoàn cảnh đau lòng của cụ bà 82 tuổi Đinh Thị Hạnh. Chồng chết, con trai cũng chết vì mắc bệnh hiểm nghèo, bà cụ bất hạnh này đã bị đẩy ra đường, sống chui lủi trong căn phòng trọ lụp xụp chỉ 5 mét vuông đất. Chúng tôi ghé qua trò chuyện với cụ vào một buổi tối với cái giá lạnh buốt da thịt của gió mùa đông bắc. Bà cụ vẫn ngồi bên hè Bách hóa Thanh Xuân với chiếc áo nâu sòng mỏng manh và chiếc khăn vuông chùm trên đầu để chống chọi với cái rét thất thường của thời tiết chuyển mùa và cơn đau dữ dội của căn bệnh thấp khớp suốt 12 năm nay.
Hình ảnh cụ Đinh Thị Hạnh 3 năm trước đó kiếm sống nhờ chiếc cân đo bên hè Bách hóa Thanh Xuân (Ảnh Thu Hòe)
Hình ảnh cụ Đinh Thị Hạnh 3 năm trước đó kiếm sống nhờ chiếc cân đo bên hè Bách hóa Thanh Xuân (Ảnh Thu Hòe)
Cụ Hạnh cho biết, ngày nào cụ cũng phải đi bộ ra hiệu thuốc sau Bách hóa Thanh Xuân để mua thuốc thấp khớp về uống. Cứ như vậy, ngày qua ngày cụ Hạnh với những bước chân mệt mỏi cùng chiếc xe đẩy hàng đến rồi về nhà như một “vòng tuần hoàn”.Bất hạnh nối tiếp bất hạnh. Theo lời cụ Hạnh, cụ sinh ra và lớn lên tại thị xã Thái Bình. Bố mẹ, anh em ruột chết hết trong nạn đói 1945, chỉ còn mình cụ sống sót. Gia đình không còn, cụ phải rời quê hương ra Hà Nội để mưu sinh kiếm sống khắp các con phố.
Và đây là cụ Đinh Thị Hạnh, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam vừa gặp lại. Cụ Hạnh đã yếu đi rất nhiều so với 3 năm trước đó. Cụ ngồi co ro bên hè Bách hóa với cái lạnh chuyển mùa thất thường (Ảnh Thủy Ngân)
Và đây là cụ Đinh Thị Hạnh, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam vừa gặp lại. Cụ Hạnh đã yếu đi rất nhiều so với 3 năm trước đó. Cụ ngồi co ro bên hè Bách hóa với cái lạnh chuyển mùa thất thường (Ảnh Thủy Ngân)
Hạnh phúc không như mong đợi, cụ Hạnh lập gia đình hai lần. Người chồng đầu tiên đã phụ bạc và bỏ bà ra đi khi hai người chưa có con. Dòng đời đưa đẩy, khiến bà đi bước nữa với một người đàn ông cùng làm công nhân với bà trong nhà máy điện Mễ Trì và họ sinh được một cậu con trai.
Nhưng trớ trêu thay, chồng bà mắc một căn bệnh hiểm nghèo ra đi để lại bà một mình với đứa con thơ dại mới 8 tuổi. Nén nỗi đau, người đàn bà lao vào cuộc sống mưu sinh, nay đây mai đó khắp các con phố Hà Nội và làm đủ nghề từ giữ trẻ cho đến bán hàng rong… để kiếm tiền nuôi con sống qua ngày. Cụ Hạnh buồn bã nói “Ngày trẻ làm linh tinh lắm, gặp cái gì làm cái ấy, nói chung là làm tất, vất vả lắm!” Bất hạnh nối tiếp bất hạnh, khi đứa con duy nhất của cụ mắc căn bệnh dạ dày và qua đời cách đây 10 năm. Bỏ lại người mẹ già cô đơn không nơi nương tựa, một mình nhặt nhạnh từng đồng sống qua ngày nhờ “cái nghề” cân sức khỏe suốt 28 năm nay. Trước đây, sáng cụ ra ngồi hè Bách hóa Thanh Xuân rồi tối lại về căn nhà riêng, sống cô độc một mình. Nhưng vì vốn tính thật thà, nhẹ dạ cả tin cụ Hạnh bị chủ nhà cũ lừa lấy mất nhà và bị đẩy ra ngoài đường sống lay lắt. Cụ phải lang thang khắp các xóm trọ xin thuê nhà để có chốn “dung thân” với cái giá đắt đỏ nhưng cũng không ai chịu cho bà thuê vì một lý do bà cụ đã già, sợ cụ sẽ chết, họ không có tiền thuê nhà xác cho cụ. Cuối cùng đi mãi rồi cũng có người cho thuê nhà, nhưng với cái giá “cắt cổ” với một bà cụ neo đơn, làm không đủ ăn. Cụ cho biết căn nhà vẻn vẹn 5 mét vuông bây giờ cụ đang ở trước đó chủ nhà cho người khác thuê có 500.000 đồng/tháng, nhưng họ cho cụ thuê những 700.000/ tháng chưa tính điện nước. Vì họ sợ cụ chết còn có tiền mai táng. Cụ ngồi cả ngày bụi bặm bên hè Bách hóa Thanh Xuân mới được có 30.000đồng/ngày, lo chi trả tiền nhà cũng hết, lại còn tiền thuốc thang cho căn bệnh thấp khớp, tiền ăn uống hàng ngày. Mỗi ngày cụ mua một suất cơm nhưng đó là phần ăn cả ngày của cụ. “Giờ đi thuê nhà khó lắm, người ta sợ mình chết người ta không cho thuê. Nếu có cho thuê họ lấy đắt lắm, ngồi cả ngày chẳng đủ tiền nhà” Cụ Hạnh ngân ngấn nước mắt tâm sự.
Căn phòng trọ vỏn vẹn 5 mét vuông là chốn nương thân chờ chết của cụ Đinh Thị Hạnh (Ảnh Thủy Ngân)
Căn phòng trọ vỏn vẹn 5 mét vuông là chốn nương thân chờ chết của cụ Đinh Thị Hạnh (Ảnh Thủy Ngân)

Chỉ chờ chết để được hiến xác
Chúng tôi bất ngờ khi ghé thăm căn nhà, lụp xụp như “lều vịt” của cụ chỉ với 5 mét vuông với vô số những đồ đạc bày khắp nhà vì quá trật trội. Khi nói chuyện với chúng tôi về nguyện vọng được hiến xác cụ chia sẻ “Cả đời bà sống cho đến bây giờ, sống khổ đủ rồi. Bây giờ bà chỉ có một ước nguyện được hiến xác thôi” Cụ kể, cụ có ý nghĩ hiến xác từ 10 năm trước vì cụ lo nhất là cảnh sống không nơi nương tựa, không có ai lo ma chay cho cụ khi trở về với “đất” nên theo cụ hiến xác là quyết đinh sáng suốt, không làm ảnh hưởng đến ai mà lại giúp được người khác.  Ở độ “gần đất xa trời” của cụ, hiếm có người minh mẫn và suy nghĩ tiến bộ như thế. Cụ vẫn thường xuyên đọc báo và nghe đài, cụ thấy hiến xác là việc tốt và nhân đạo và muốn được làm điều đó. “Tôi xem báo nhiều thấy người ta thiếu cái này cái kia khổ lắm, cuộc sống của người ta còn dài. Mình già rồi, sống thế là đủ rồi, còn bộ phận nào tốt thì hiến cho người ta, vừa vệ sinh sạch sẽ vừa không phải lo khi chết không có chỗ chôn xác. Bà chỉ mong có vậy thôi” Cụ Hạnh bộc bạch. Để đạt được ước nguyện hiến xác cụ đã phải mất 3 năm với 5 lần viết đơn xin hiến xác gửi lên bệnh viện Bạch Mai. Cụ cho biết, không hiểu thư thất lạc hay không gửi được mà thư đi không hề có hồi âm trở lại từ phía bệnh viện. Không từ bỏ ý định, cụ lại viết đơn gửi một số bệnh viện khác. Cụ ngỡ rằng ước nguyện của mình không được trở thành hiện thực, nhưng cuối cùng niềm vui đã đến với cụ. Sau 3 năm chờ đợi, bệnh viện Bạch Mai đã trả lời chấp thuận đơn của cụ “Bây giờ, bà chỉ ngồi đợi thôi, khi nào chết người ta đến lấy xác đi. Bà vui lăm! Vừa rồi bệnh viện, họ đưa xe đến đón lên 48 Tăng Bạt Hổ, họ cho xem hết các quan tài người chết, xác đàn ông đàn bà. Người ta bảo xem mình có thấy sợ không thì hãy chấp thuận hiến xác. Nhưng bà chẳng sợ gì cả, giờ thì xong hết rồi, chỉ còn ngồi chờ thôi” Cụ Hạnh chia sẻ.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Thủy Ngân