Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực

25/04/2017 06:37
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay, số trường đại học đã thành lập Hội đồng trường chiếm tỷ lệ thấp trong các trường đại học Việt Nam, nếu có thành lập thì cũng hoạt động rất hình thức.

Là một người trong cuộc, Tiến sĩ Dương Đức Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng cho rằng, nếu Hội đồng trường thành lập theo đúng Luật Giáo dục về Điều lệ trường Đại học thì chẳng khác gì bộ máy quản lý mở rộng. 

"Mà đã là bộ máy quản lý mở rộng thì tất cả hoạt động đều rất hình thức. Nếu ông chủ tịch cố tình làm thì sẽ dẫn đến xung đột giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng. Cho nên, điều tiên quyết là phải sửa Luật" – ông Hùng đề xuất.

Thực tế cho thấy, mô hình quản trị đại học của Việt Nam hiện nay đang tồn tại song song Hội đồng trường và Đảng ủy cùng định hướng và giám sát toàn bộ hoạt động của trường. Trong thể chế, Hiệu trưởng chỉ thực hiện các quyết định theo Đảng ủy. 

Vậy khi Đảng ủy lãnh đạo toàn diện thì Hội đồng trường đứng ở chỗ nào?

Nếu không tìm được một vị trí giữa Đảng ủy và ban giám hiệu thì Hội đồng trường ra đời rất hình thức.

Mặc dù, Hội đồng trường được giao quyền lực rất lớn nhưng không có quyền bầu và miễn nhiệm Hiệu trưởng (đây là quyền của cơ quan chủ quản). Vì vậy, Hiệu trưởng không phải chịu trách nhiệm trước Hội đồng trường. 

Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Thùy Linh)
Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng (Ảnh: Thùy Linh)

Bên cạnh đó, Đảng ủy trường là cơ quan lãnh đạo trực tiếp, toàn diện các hoạt động của trường và chưa có quy định về mối quan hệ cụ thể với Hội đồng trường.
 
Hầu hết, Ban giám hiệu của các trường chỉ thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành hoặc ra các quyết định quản lý thông qua việc chấp hành và thực hiện nghị quyết của Đảng ủy do đó, Hội đồng trường cũng chỉ là hình thức. 

Thêm nữa, theo quy định hiện tại, Hiệu trưởng là người đứng ra thành lập Hội đồng trường nên “hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào, biến Hội đồng trường thành một bộ máy quản lý mở rộng chứ chẳng ai muốn thành lập ra một tổ chức giám sát mình, bắt mình phải giải trình”, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng nêu quan điểm. 

Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực  ảnh 2

Không có Hội đồng trường thì đừng nói đến tự chủ đại học

Nói thêm về lý do việc thành lập Hội đồng trường ở các cơ sở giáo dục đại học còn chậm, ông Dương Đức Hùng nhấn mạnh, Hiệu trưởng các trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực và các cơ quan chủ quản cũng chưa quyết liệt trong việc “cưỡng chế” các trường đại học thành lập Hội đồng trường. 

Mặt khác, các cơ quan chủ quản cũng chưa muốn “buông” các trường đại học, Bộ thì không quyết liệt nên các trường không thành lập hoặc có thì cũng nhiều hạn chế. 

Do đó, ông đề xuất, Chủ tịch hội đồng trường phải là do cơ quan cấp trên thành lập, đưa ra tranh cử và bầu trực tiếp.

Hội đồng trường có quyền bầu hoặc miễn nhiệm Hiệu trưởng

Từ việc nhìn nhận những nguyên nhân trên, Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Hải Phòng đề xuất, cần sửa đổi Luật Giáo dục và Luật giáo dục đại học theo tinh thần Nghị quyết số 88/NQ-CP của Chính phủ và thông lệ quốc tế, cụ thể đó là: 

- Đảm bảo thực hiện tự chủ đại học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục đại học; 

- Các trường đại học được giao quyền tự chủ đầy đủ cả về chuyên môn, tổ chức nhân sự, tài chính và tăng cường trách nhiệm giải trình; 

- Giảm mạnh sự can thiệp hành chính của các cơ quan quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các trường đại học, xóa bỏ cơ chế chủ quản, các trường đại học chỉ chịu sự quản lý nhà nước của Bộ giáo dục và Đào tạo; 

- Đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng chuyển từ chế độ thủ trưởng (Hiệu trưởng) sang chế độ tập thể lãnh đạo (Hội đồng trường); 

Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực  ảnh 3

Hiệp hội đang tổ chức hội thảo về Hội đồng trường

- Quy định Hội đồng trường là cấp có thực quyền, là cơ quan quyền lực cao nhất trong trường đại học, có quyền bầu hoặc miễn nhiệm Hiệu trưởng, có thể được giao quyền bổ nhiệm phó Hiệu trưởng bởi nếu không nắm được nhân sự thì tổ chức này không nắm được gì hết.

-Phân định rõ trách nhiệm giữa Hội đồng tường với ban giám hiệu, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng,…

Về cơ cấu, thành phần Hội đồng trường nên là “bên ngoài” đông hơn “bên trong”: 

Hội đồng trường là người đại diện cho chủ sở hữu cộng đồng nên phải là tổ chức quyền lực cao nhất của tường đại học, phải có nhiều thành viên đại diện cho các nhóm lợi ích có liên quan và phải làm việc theo nguyên tắc đưa ra các nghị quyết tập thế. 

Hội đồng tường bao gồm các thành viên được tuyển chọn từ nội bộ nhà trường, từ xã hội và từ các cơ quan nhà nước. 

- Thành phần nội bộ nhà trường, gồm 2 nhóm: 

Thứ nhất là thành phần thuộc bộ máy quản lý. Cần phải tách quản trị (hoạch định và giám sát) ra khỏi quản lý (thực thi chính sách).

"Trên sân cỏ, một người không thể vừa là cầu thủ vừa là trọng tài cho dù họ có thể làm được cả hai vai ấy", ông Hùng so sánh. 

Nếu thành viên Hội đồng trường đồng thời là thành viên ban giám hiệu và cán bộ quản lý trực thuộc ban giám hiệu thì làm sao họ có thể giám sát và giải trình trách nhiệm với họ?

Nếu phần lớn thành viên Hội đồng trường đang nắm vai trò điều hành thì vai trò Hội đồng trường của họ cũng đã bị vô hiệu hóa. Hội đồng trường trở thành bộ máy quản lý mở rộng, “hữu danh vô thực”. 

Vì vậy cần có quy định, thành viên ban giám hiệu và cán bộ quản lý trực thuộc ban giám hiệu chiếm không quá 25% tổng số thành viên hội đồng. 

Đồng thời, ông Hùng cho rằng, đội ngũ ban giám hiệu chỉ cần 1 người (Hiệu trưởng) tham gia Hội đồng trường. 

Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực  ảnh 4

Hội đồng trường ...chạy bằng gì?

Ở nhiều nước phương Tây, Hiệu trưởng là thành viên nhưng không tham gia bỏ phiếu quyết nghị. 

Thứ hai là thành phần không tham gia vào bộ máy quản lý trong trường.

Thành phần này chiếm tối thiểu 25% tổng số thành viên Hội đồng trường bao gồm: giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên phục vụ và sinh viên.

Có 2-3 sinh viên tham gia Hội đồng trường, những sinh viên này được hội sinh viên bầu chọn hàng năm. 

- Thành phần từ cơ quan Nhà nước gồm 2 nhóm: 

Thứ nhất là đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc chính quyền địa phương (Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân hoặc Mặt trận Tổ quốc cấp tỉnh).

Thứ hai là đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn về giáo dục và đạo tạo, đất đai, đầu tư, tài chính, kinh tế, khoa học công nghệ và các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến giáo dục đào tạo. 

Nhưng lưu ý, thành phần này cũng chiếm không quá 25% tổng số thành viên Hội đồng trường. 

- Thành phần từ xã hội gồm 2 nhóm: 

Thứ nhất, là các nhà tài trợ chiến lược, các nhân vật nổi tiếng, uy tín cao trong xã hội, đại diện tổ chức sử dụng lao động được đào tạo. 

Thứ hai là cựu sinh viên đang làm đúng ngành được đào tạo.

Thành phần này chiếm không quá 25% tổng số thành viên Hội đồng trường. 

Các thành viên của Hội đồng trường do cấp trên quản lý trực tiếp ra quyết định bổ nhiệm (trừ các thành viên là sinh viên do Hội sinh viên bầu chọn mỗi năm 1 lần). 

Chủ tịch, thư ký Hội đồng trường là chuyên trách. 

Hội đồng tường là tổ chức vô vị lợi. Các lợi ích mà Hội đồng trường mang lại đều dùng để xây dựng và phát triển nhà trường. Các thành viên Hội đồng trường được bổ nhiệm không hưởng lương, nhưng được hưởng phụ cấp chức vụ phù hợp do ngân sách cấp. 

Các thành viên Hội đồng trường có những đóng góp to lớn vào sự phát triển của nhà trường sẽ được vinh danh, lưu danh tại khuôn viên nhà trường hoặc được xã hội tôn vinh. 

Với mô hình như trên, Hội đồng trường đã phần nào đáp ứng được yêu cầu đổi mới quản trị đại học, thực sự là đại diện của chủ sở hữu cộng động, nó đã tách việc quản trị ra khỏi việc quản lý, đảm bảo cho việc quản trị không bị chi phối trực tiếp bởi lợi ích vật chất, tạo ra một cơ chế giám sát hợp lý, hạn chế việc lạm quyền, nâng cao trách nhiệm cá nhân và trách nhiệm xã hội của người quản lý. 

Thùy Linh